"Chết một mình, chôn một mình": Hành trình bi kịch đến nghĩa trang và nỗi đau của người thân bệnh nhân Covid-19
Kinh tế số - Ngày đăng : 23:17, 11/04/2020
Không có tiếng khóc hay nói chuyện. Mọi thứ ở đây đều tĩnh lặng.
"Tôi biết nhiều người không thể nói lời tạm biệt với người thân của mình," giám mục tỉnh Bergamo, Italy, ông Francesco Beschi chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên phụ phẩm Thiên chúa và thế giới của tạp chí Zeit, Đức.
Tỉnh Bergamo, cách Rome khoảng 600 km về phía bắc, là một tâm dịch COVID-19 tại miền bắc Italy.
Vào cuối tháng 3, giám mục Beschi tổ chức nghi lễ cầu nguyện tại nghĩa trang Bergamo cho hơn 1.800 người tử vong trong thành phố trong khi thân nhân của những người tử vong không thể nói lời tạm biệt cuối cùng.
"Chúng ta không nên để người thân đau buồn trong nỗi nhớ thương khi không thể chứng kiến người thân trở về cõi hư vô," ông nói.
(Ảnh: AP)
Những chiếc điện thoại di động cạnh quan tài
Đó vẫn chưa phải tất cả những gì đang xảy ra. Nhiều người nhà không được phép nói lời từ biệt cuối cùng với người thân sắp mất. Quy định này đang áp dụng tại nhiều bệnh viện, nhà chăm sóc người già và viện dưỡng lão. Hình ảnh của khoảnh khắc cuối cùng trước khi rời khỏi cuộc sống của các bệnh nhân sẽ được quay lại và không người thân nào được phép đến chứng kiến trực tiếp.
Bài viết trên tờ báo Il Fatto Quotidiano của phóng viên Francesca Borri, người đã đến thăm khu chăm sóc tích cực của Phòng khám Đa khoa San Pietro, khiến cho nhiều người đọc không khỏi rùng mình: "Tại Bergamo, bạn chết một mình. Bạn cũng được chôn cất một mình. Trong lễ chôn cất, các linh mục sẽ dùng di động để thu âm lại lời ban phước cho thân nhân có thể nghe lại."
Italy không phải là quốc gia duy nhất mà thân nhân không được đến thăm các bệnh nhân đang ở phòng chăm sóc tích cực. Tại các quốc gia Châu Âu đang phải căng mình đối phó với đại dịch COVID-19, trong đó có nước Đức, việc có mặt để nói lời tạm biệt với bệnh nhân sắp qua đời cũng chỉ được phép trong những trường hợp đặc biệt.
Cảm giác tội lỗi và đau buồn
Kể từ khi dịch bệnh do virus corona bùng phát, các nghĩa trang không tổ chức lễ cầu nguyện trong nhà nguyện nữa. Các buổi đưa tang trên khắp nước Đức giờ chỉ có thể diễn ra ngoài trời, tùy thuộc vào quy định của từng bang, chỉ có sự tham gia từ 5 đến 20 người, bao gồm cả chủ lễ, mục sư và đội khiêng quan tài.
Các quy định này càng gây khó cho thân nhân của người quá cố vì họ đã không có cơ hội nói lời vĩnh biệt với người thân tại bệnh viện.
Việc không thể tham dự đám tang của anh trai sau khi ông qua đời vì bệnh ung thư đã khiến một nhạc sĩ 86 tuổi luôn cảm thấy tội lỗi. "Mỗi ngày tôi đều ước rằng tôi đã đến thăm anh mình, mặc dù tôi thuộc nhóm nguy cơ cao mắc bệnh COVID-19," người này chia sẻ.
Không chỉ người thân của người bệnh và người sắp chết hy vọng những quy định nghiêm ngặt này sẽ nới lỏng.
Trích phỏng vấn của bà Mathilde Langendorf, phát ngôn viên của hãng Caritas tại Đức với hãng DW, "Chúng tôi đang đề xuất giảm bớt các lệnh cấm thăm viếng cho các trường hợp người thân sắp mất hoặc bị bệnh nan y. Có người thân đồng hành vào giây phút cuối đời là một vấn đề hệ trọng, đặc biệt đối với người Công giáo."
Các binh sĩ Italy đưa quan tài bệnh nhân tử vong do Covid-19 lên xe tại vùng Bergamo (Ảnh: DW)
'Vô cùng căng thẳng'
Phát ngôn viên của Hiệp hội Bệnh viện Đức thừa nhận rằng "tình hình vô cùng căng thẳng" đối với nhiều bệnh nhân và thân nhân. Trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào các cơ sở chữa bệnh, "hầu hết các bệnh viện đều áp dụng nghiêm quy định hạn chế số người thăm bệnh".
Tại Đức không có quy tắc chung thống nhất dành cho số người đến thăm người thân trong bệnh viện hoặc viện dưỡng lão. Hầu hết các cơ sở đều tuân theo các khuyến nghị của Viện Robert Koch - cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh liên bang - về các bệnh truyền nhiễm. Các cơ quan y tế có thể áp dụng các trường hợp ngoại lệ dựa trên từng trường hợp nhất định.
Quy định cấm sự hiện diện của người thân bên cạnh người bệnh gây ra nhiều điều đau lòng và cảm giác tội lỗi cho nhiều người.
"Trong nền văn hóa của chúng tôi, việc không ở bên cạnh những người thân trong những giờ phút cuối cùng bị coi là không làm tròn trách nhiệm gia đình," nhà tâm lý học Javier Barbero, thành viên của Hiệp hội y học Tây Ban Nha, cho biết.
Dịch vụ tư vấn tâm lý trực tuyến
Làm việc cùng với 60 nhà tâm lý và một số nhà tang lễ ở thủ đô Madrid, Tây Ban Nha, Barbero đã triển khai dịch vụ tư vấn tâm lý cho mọi người. Các câu hỏi và yêu cầu của khách hàng đều được giải quyết qua e-mail.
Nhiều bệnh viện tại Italy đã tham gia chiến dịch "Quyền nói lời tạm biệt". Đây là sáng kiến do đảng Dân chủ cầm quyền khởi xướng nhằm thu thập máy tính bảng từ các nhà tài trợ, phân phát cho những người hấp hối trong bệnh viện, để họ ít nhất có thể nói lời từ biệt trực tuyến với người thân.
Cô Mathilde Langendorf từ hãng Caritas cho rằng người thân ít nhất nên được phép vào bệnh viện và viện dưỡng lão nếu họ mặc quần áo bảo hộ. Tuy nhiên, cô cũng thừa nhận điều này sẽ khó thực hiện được trong bối cảnh các nước đang thiếu thiết bị bảo vệ cá nhân ngay cả đối với các nhân viên y tế.
"Nếu có đủ thiết bị bảo hộ, mối lo ngại lây nhiễm bệnh trong quá trình thăm người bệnh sẽ không còn nữa."
Đối phó với quy định này, các công ty tổ chức dịch vụ tang lễ cũng triển khai những sáng kiến. Ví dụ như họ tăng cường sử dụng các thiết bị hạ quan tài tự động nên số lượng người bê quan tài giảm xuống, giúp tăng số lượng người nhà tham dự đám tang.
"Bạn có thể cài đặt một chiếc micro tại khu mộ, do vậy người thân có thể nghe được mọi lời thoại từ cách đó 600m và pháp luật không quy định cấm bạn ở trong nghĩa trang. Nhưng điều quan trọng nhất cần ghi nhớ là 'luôn đối xử tử tế với người đã khuất'," một nhân viên dịch vụ lễ tang ẩn danh nói.