Nền hành chính số đang được hình thành
Chính phủ số - Ngày đăng : 19:29, 11/04/2020
Theo Cục Kiểm soát TTHC - VPCP, việc ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP thực sự rất cần thiết trong bối cảnh thực hiện TTHC trực tuyến của người dân, doanh nghiệp (DN) và giải quyết TTHC của cơ quan nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, Nghị định số 45 được kỳ vọng sẽ tạo thay đổi lớn trong phương thức giải quyết thủ TTHC.
Chuyển từ nền hành chính truyền thống sang quản lý công mới
Trong quá trình chuyển từ nền hành chính truyền thống sang quản lý công mới, việc cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến tạo môi trường thuận lợi cho công dân, tổ chức tham gia giao dịch điện tử. Đây được xem là một trong những chìa khóa của việc xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT) ở mỗi quốc gia.
Những năm gần đây, việc cung cấp DVC trực tuyến ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo Chỉ số phát triển CPĐT của Liên Hợp Quốc năm 2018, chỉ số cung cấp DVC trực tuyến là chỉ số được đánh giá cao nhất trong các chỉ số thành phần của Việt Nam, đạt 0,74/1,0 là mức cao theo đánh giá của Liên Hợp Quốc.
Trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh cung cấp các DVC để giải quyết các TTHC thuộc phạm vi quản lý của mình. Điều này được thể hiện qua số lượng DVC trực tuyến ngày càng tăng.
Tại các bộ, cơ quan ngang bộ, số lượng DVC trực tuyến mức 3,4 do các bộ, cơ quan ngang bộ cung cấp trong các năm 2016, 2017, 2018 lần lượt là: 828, 1396, 1578. Tính đến quý III/2019, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã cung cấp 1.720 dịch vụ.
Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, số lượng DVC trực tuyến mức 3,4 do các tỉnh, thành phố cung cấp trong các năm 2016, 2017, 2018 lần lượt là: 11409, 22707, 47774. Tính đến quý III/2019, tại địa phương đã cung cấp 46.660 DVC trực tuyến mức độ 3, 4.
Việc cung cấp DVC trực tuyến theo các danh mục ưu tiên tại Quyết định số 846/QĐ-TTg và 877/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được triển khai tại các bộ, ngành, địa phương, đến nay có khoảng 50% địa phương đã hoàn thành, còn lại đang trong quá trình triển khai.
Ứng dụng CNTT trong thực hiện và giải quyết TTHC là một giải pháp thúc đẩy chất lượng phục vụ người dân, DN trong cung cấp dịch vụ hành chính công. Tuy vậy, kết quả ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC cho người dân, DN chưa đạt được như kỳ vọng. Tại cả hai công đoạn thực hiện TTHC trực tuyến của người dân, DN và giải quyết TTHC của cơ quan nhà nước, việc ứng dụng CNTT vẫn còn nhiều hạn chế.
Cụ thể là số lượng hồ sơ tiếp nhận, giải quyết TTHC còn thấp. Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), tính đến hết Quý III/2019, tại các Bộ, ngành tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến là 47,7%, tại địa phương là 17,3%.
Bên cạnh đó, còn một số hạn chế khác như: Quy định TTHC thực hiện theo cách thức trực tuyến chưa đầy đủ, nằm rải rác ở một số văn bản thuộc lĩnh vực cụ thể; Mỗi bộ, ngành, địa phương có nhiều cổng DVC cho những lĩnh vực riêng lẻ, thiếu tính thống nhất, khó tìm, khó tiếp cận; Có sự chồng chéo trong cung cấp DVC giữa các bộ, ngành và các địa phương; Chưa bảo đảm tính định danh chính xác người dùng, chưa bảo đảm bí mật nhà nước, thông tin cá nhân, an toàn và an ninh thông tin; Các TTHC còn phức tạp, nặng nề, nhiều cửa, nhiều khâu trung gian, một số quy định chưa rõ thẩm quyền của các cơ quan quản lý một số lĩnh vực…
Thiết lập hành lang pháp lý thống nhất cho tổ chức, thực hiện TTHC trên môi trường điện tử
Nguyên nhân chủ yếu của những bất cập trên, theo Cục Kiểm soát TTHC là do các cơ quan nhà nước trong quá trình xây dựng, ban hành TTHC và tiếp nhận, giải quyết TTHC chưa thực sự coi trọng các giải pháp ứng dụng CNTT. Thủ tục còn mang nặng tính hành chính, quy trình chưa thống nhất, phương thức thực hiện của các cơ quan hành chính nhà nước cơ bản vẫn thực hiện theo truyền thống bằng giấy tờ. Thẩm quyền giải quyết TTHC còn nhiều khâu chưa rõ ràng.
Cá nhân, tổ chức và ngay cả cơ quan quản lý cũng chưa thật sự tin tưởng vào việc chuyển đổi sang ứng dụng CNTT để giải quyết TTHC, còn mang tính kinh nghiệm và thói quen lạc hậu, chưa phù hợp với nhu cầu trong điều kiện hội nhập.
Các quy định về việc giải quyết thủ tục trực tuyến trên môi trường điện tử chưa đồng bộ, còn rời rạc ở từng văn bản cụ thể và chưa đủ các quy định để triển khai thống nhất trên toàn quốc. Việc thiết lập các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành còn rất chậm, làm hạn chế khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Một nguyên nhân quan trọng khác, đó là trình độ, kỹ năng ứng dụng CNTT của người dân còn hạn chế. Việc truyền thông, hướng dẫn trực tiếp người dùng chưa được triển khai mạnh mẽ. Chất lượng DVC trực tuyến được cung cấp chưa thực sự vì người dùng, dẫn đến tình trạng e ngại và khó khăn trong việc tiếp cận các thiết bị CNTT cũng như DVC trực tuyến.
Để giải quyết những tồn tại, hạn chế này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, nhằm thiết lập hành lang pháp lý thống nhất cho việc tổ chức, thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, tạo điều kiện thuận lợi và cắt giảm chi phí cho tổ chức, cá nhân trong thực hiện TTHC. Đồng thời, huy động sự tham gia của các cơ quan trong nâng cao chất lượng cung cấp DVC trực tuyến thông qua việc kiểm soát quy trình lựa chọn, xây dựng, rà soát, đánh giá dịch vụ thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.
Nghị định 45 quy định về các vấn đề liên quan đến việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử của tổ chức, cá nhân. Nghị định công nhận giá trị pháp lý của việc thực hiện và kết quả giải quyết trên môi trường điện tử cũng thúc đẩy việc thực hiện, giúp giảm các chi phí và thời gian của tổ chức, cá nhân trong chuẩn bị và thực hiện TTHC thông qua việc ứng dụng CNTT như chi phí in ấn, sao chụp, chứng thực tài liệu... Qua đó, góp phần thay đổi thói quen của người dân, DN trong việc chuyển từ cách thức giao dịch trực tiếp với cơ quan nhà nước sang giao dịch trực tuyến qua mạng.
Cùng với việc ban hành Nghị định 45, trong thời gian qua, lần lượt với việc khai trương và đưa vào vận hành chính thức Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet), Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG)... đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ về quyết tâm cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, hướng tới xây dựng CPĐT, loại bỏ dần việc xử lý công việc bằng hệ thống văn bản giấy.