Giảm nghèo thông tin giúp người dân thoát cảnh nghèo hóa vì bệnh tật
Truyền thông - Ngày đăng : 16:32, 11/04/2020
Nghèo hóa vì bệnh tật
Từ tháng 3/2016 đến nay, viện phí đã có nhiều lần điều chỉnh tăng đối với nhóm người bệnh tham gia BHYT. Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, ước tính đến hết năm 2019, số người tham gia BHYT là 85,390 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90% dân số.
Như vậy, còn khoảng 10% dân số chưa tham gia BHYT sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ về kinh tế nếu trường hợp bị bệnh, phải điều trị tại các cơ sở y tế. Đặc biệt là với những bệnh nhân nặng, nếu chẳng may "rơi" vào nhóm chưa tham gia BHYT thì khó khăn về kinh tế lại càng chồng chất.
Nhóm đối tượng người già, hộ cận nghèo cần được tuyên truyền nhiều hơn để tham gia BHYT tránh bị nghèo hóa vì bệnh tật. (Ảnh: Thanh Xuân)
Theo đại diện Bệnh viện Bạch Mai thông tin, là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt, tuyến cuối nên thường xuyên tiếp nhận nhiều ca bệnh nặng từ tuyến dưới chuyển lên. Trong số đó nhiều bệnh nhân tuổi đời còn trẻ, không nghĩ sẽ đến lúc ốm đau, bệnh trọng nên không tham gia BHYT. Không ít trường hợp, đến khi mắc bệnh hoặc tai nạn phải sử dụng các kỹ thuật cao để điều trị, chi phí điều trị lên đến vài triệu đồng/ngày, gia đình lâm vào cảnh khốn đốn, bán nhà, vay mượn khắp nơi, dẫn đến nghèo hóa vì bệnh tật.
Thông tin truyền thông là trao "phao cứu sinh" cho người nghèo
Nguy cơ nghèo hóa vì bệnh tật đặt ra vấn đề truyền thông về tham gia BHYT đối với nhóm đối tượng khoảng 10% số dân số chưa tham gia BHYT là hết sức cần thiết.
Thực tế, các bệnh viện đã tăng cường phổ biến chủ trương điều chỉnh giá viện phí đối với đối tượng chưa tham gia BHYT bằng nhiều hình thức. Xây dựng văn bản thông báo, hướng dẫn, trả lời những vướng mắc, hỗ trợ việc triển khai tới người bệnh.
Như Bệnh viện Bạch Mai, bộ phận truyền thông thường trích lục các bài báo và đăng trên Website bệnh viện về chủ trương, phổ biến tới người dân: "Ôm hận vì không có BHYT"; "Khi có BHYT chống lưng"; "Nhiều đối tượng dễ nghèo hóa nếu không có BHYT chi trả"...
Phối hợp với nhiều phóng viên, cơ quan báo chí, truyền hình thực hiện phỏng vấn, viết bài tuyên truyền chủ trương điều chỉnh giá dịch vụ theo hướng tính đúng, tính đủ và những lợi ích mà bệnh nhân được hưởng.
Không ít bệnh viện, thông qua Tổ trợ giúp – Phòng công tác xã hội tuyên truyền giải thích, phân tích cho người bệnh về chủ trương điều chỉnh giá dịch vụ; vận động người bệnh tham gia BHYT để được khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe tốt hơn khi lồng ghép vào các buổi sinh hoạt các Câu lạc bộ bệnh nhân.
Gánh hàng rong giúp hộ cận nghèo sống qua ngày, nhưng có thông tin, tham gia BHYT có thể giúp họ không bị nghèo hóa nếu chữa bệnh. (Ảnh: Thanh Xuân)
Nói về giải pháp mang tính dài hơi, phạm vi rộng hơn, ông Nguyễn Ngọc Hiền - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai từng đề nghị: Bộ Thông tin và Truyền thông cần chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền để người dân có thể hiểu được tính ưu việt của BHYT và tự nguyện tham gia, tăng tỷ lệ bao phủ BHYT tới toàn dân. Cần tập trung vào những băn khoăn của người bệnh như thủ tục và quy trình khám chữa bệnh được BHYT chi trả bao gồm những gì. Người bệnh sẽ được hưởng lợi gì khi có BHYT, thủ tục để được tham gia BHYT. Nên làm tốt nội dung truyền thông BHYT ngoài cộng đồng.
Các bộ, ngành chức năng, đơn vị bảo hiểm cần tăng nguồn kinh phí phối hợp, mở rộng địa bàn tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình theo quy định mới của Luật BHYT.
"Nên chăng, cần có sự phối hợp thống nhất trong hệ thống truyền thông các cấp với truyền thông tại cơ sở khám chữa bệnh, cả về nội dung, hình thức, nguồn lực dành cho hoạt động truyền thông, tuyên truyền tới người dân", nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đề xuất.
Rõ ràng, công tác thông tin tuyên truyền tại cơ sở với người dân, nhất là nhóm đối tượng chưa tham gia BHYT người cao tuổi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa... là hết sức cần thiết. Thông tin truyên truyền không chỉ giúp giảm nghèo thông tin đối với các đối tượng này, mà còn có thể đem lại "phao cứu sinh" cho người bệnh vùng khó khăn khi tham gia BHYT và được chi trả phần lớn chi phí khám chữa bệnh.