Grab tăng cường khai thác nhu cầu thị trường Việt giữa đại dịch: Từ giao – đặt trước thức ăn, đi chợ hộ đến chương trình học trực tuyến về công nghệ cho tài xế

Quản trị - Ngày đăng : 16:00, 10/04/2020

Xuất phát điểm là ứng dụng gọi xe công nghệ, Grab những năm gần đây đã phát triển sang rất nhiều lĩnh vực không chỉ vận tải, mà gồm giao hàng, dịch vụ tài chính, thanh toán…

Grab cùng Microsoft vừa chính thức công bố triển khai dự án nâng cao kỹ năng và phổ biến kiến thức công nghệ dành cho toàn bộ đối tác tài xế Grab tại Việt Nam.

Dự án bao gồm hàng loạt chương trình học trực tuyến hoàn toàn miễn phí tại GrabAcademy trên ứng dụng tài xế của đối tác, cung cấp cho đối tác các thông tin cơ bản và cần thiết về công nghệ, sử dụng internet hiệu quả và các kỹ năng số cơ bản khác…

Thông qua dự án mới này, Grab kỳ vọng xây dựng lực lượng đối tác tài xế có kỹ năng công nghệ, ủng hộ mục tiêu nâng cao hiểu biết cho người dân về tài chính và kỹ thuật số, qua đó đóng góp một phần vào mục tiêu quốc gia là có được 65-70% dân số hiểu biết về 2 lĩnh vực này.

Đây là động thái tiếp nối của Grab vì cộng đồng, giữa đại dịch COVID-19, Grab đã liên tục tung các giải pháp mới nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dùng (thông qua GrabMart, GrabAssistant), nâng cao trải nghiệm của người dùng với dịch vụ GrabFood và mang đến nhiều ưu đãi hơn trong thời gian ở nhà với gói tiết kiệm Grab-From-Home.

Trong đó, sau khi triển khai thành công tại Tp.HCM, Grab chính thức triển khai dịch vụ GrabMart tại Hà Nội từ ngày 3/4/2020. Dịch vụ GrabMart cho phép người dùng tìm kiếm và chọn mua các loại thực phẩm đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn, trái cây tươi, thức uống đóng chai, rau củ quả từ các đối tác liên kết là các cửa hàng tiện lợi, chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị.

Song song, hãng cũng triển khai GrabAssistanttại Việt Nam: là dịch vụ mua hộ hàng hóa, cho phép người dùng đặt mua một số sản phẩm, vật dụng tại các cửa hàng không liên kết với GrabMart thông qua giải pháp giao nhận của Grab trong giai đoạn phải hạn chế di chuyển vì dịch bệnh.

Về mảng hiện hữu là giao thức ăn, Grab cũng cung cấp thêm tính năng đơn hàng hẹn trước với GrabFood. Từ ngày 1/4/2020, người dùngGrabFood tại Hà Nội và Tp.HCM có thể đặt trước món ăn đến 48h tại các nhà hàng, quán ăn có hiển thị lựa chọn Đặt trước (Schedule). 30 phút trước giờ giao, hệ thống trên ứng dụng sẽ tự động dò tìm tài xế để thực hiện đơn hàng. Đến ngày 15/4/2020, tính năng này được triển khai thêm tại Tp Đà Nẵng, và dự tiếp tục mở rộng đến các tỉnh thành khác.

Trước đó, Grab vừa triển khai gói tiết kiệm Grab-From-Home trong thời điểm hầu hết mọi người đều làm việc tại nhà, thông qua 2 gói tiết kiệm với giá ưu đãi về giao thức ăn và giao hàng.

Xuất phát điểm là ứng dụng gọi xe công nghệ, Grab được biết đến là một công ty công nghệ có trụ sở tại Singapore, chuyên cung cấp các dịch vụ vận chuyển và đi lại bằng xe máy, ô tô khắp các quốc gia Đông Nam Á khác như Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Campuchia. Grab những năm gần đây đã phát triển sang rất nhiều lĩnh vực không chỉ vận tải, mà gồm giao hàng, dịch vụ tài chính, thanh toán…

Năm 2018, Grab chính thức tuyên bố tham vọng trở thành "siêu ứng dụng", trong đó định giá công ty đến nay đã hơn 10 tỷ USD. Tại Việt Nam, Grab đang chiếm hơn 73% thị phần gọi xe, một tỷ trọng tương tự tại các quốc gia châu Á khác như Indonesia.. Mặc dù vậy, trong chia sẻ mới nhất đại diện hãng cho hay doanh thu từ mảng gọi xe chiếm chưa đến 1/4 tổng doanh thu của họ.

Grab tăng cường khai thác nhu cầu thị trường Việt giữa đại dịch: Từ giao – đặt trước thức ăn, đi chợ hộ đến chương trình học trực tuyến về công nghệ cho tài xế - Ảnh 2.

Bảo An