TS. Từ Ngữ: Thói quen nào khi rửa bát, đũa tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh?

Đời sống xã hội - Ngày đăng : 08:48, 10/04/2020

TS. Từ Ngữ, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc thay đổi những thói quen khi vệ sinh vật dụng ăn uống, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Tham gia mạng xã hội Lotus.vn, TS Từ Ngữ, Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, mới đây đăng bài viết nói về những thói quen sai lầm trong đời sống sinh hoạt hàng ngày có thể khiến lây lan dịch bệnh, đặc biệt là trong quá trình rửa bát đũa, vệ sinh nhà cửa. Bài viết có tựa đề: Những thói quen đơn giản khi rửa bát đũa nhưng tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh. Chúng tôi xin được đăng tải một phần bài viết này để quý độc giả tham khảo.

Những thói quen nào khi rửa bát, đũa có thể gây hại cho sức khỏe?

TS. Từ Ngữ: Thói quen nào khi rửa bát, đũa tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh? - Ảnh 3.

Trong các khuyến cáo phòng lây nhiễm COVID-19, Bộ Y tế đều khuyên người dân cần vệ sinh ăn uống. Những vật dụng ăn uống hàng ngày như bát đũa, xoong nồi… cần được rửa sạch sẽ trước và sau khi sử dụng.

Hiện nay, có rất nhiều gia đình vẫn giữ thói quen vệ sinh vật dụng ăn uống hàng ngày bằng cách ngâm bát đũa trong bồn rửa qua đêm, cho nước tẩy rửa trực tiếp vào bát đũa hay không chờ bát đũa khô đã cất...

Thậm chí thói quen rửa đũa mà có đến 90% mọi người hay mắc phải đó là cầm một bó đũa và chà xát chúng lại với nhau vì nghĩ rằng cách làm này vừa nhanh, tiện lợi lại sạch sẽ.

Tuy nhiên, theo TS. Từ Ngữ phân tích, các dụng cụ ăn uống hàng ngày nếu không được vệ sinh đúng cách sẽ là nơi các loại vi khuẩn tích tụ, có thể khiến cả gia đình tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan bệnh tật, nhất là các bệnh do virus gây ra qua đường hô hấp, tiêu hoá.

TS. Từ Ngữ: Thói quen nào khi rửa bát, đũa tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh? - Ảnh 4.

Rửa bát đũa thế nào mới đúng cách?

Theo TS. Từ Ngữ, vệ sinh vật dụng ăn uống cả trước và sau khi sử dụng là điều cần thiết.

Trước khi sử dụng, chúng ta nên nhúng qua bát đũa vào nước sôi, việc làm này chỉ mất vài phút mỗi ngày nhưng có khả năng tiêu diệt được những loại vi khuẩn gây hại lưu lại trong quá trình sử dụng trước đó.

  • Gan nhiễm độc có thể gây bệnh toàn thân: Đừng bỏ qua 4 việc để thanh lọc từ trong ra ngoài

Sau khi sử dụng xong, vệ sinh bát đũa cần được phân loại. Đối với những chén đĩa đựng rau hay cốc uống nước lọc có thể sử dụng nước để rửa sạch. 

Còn với những chén bát bám nhiều dầu mỡ nên sử dụng bằng hai cách sau: nước rửa chén chuyên dụng hoặc nước vo gạo.

Sử dụng nước rửa chén chuyên dụng có ưu điểm là tiện lợi và tạo cảm giác sạch sẽ nhanh chóng, nhưng phải đảm bảo tráng qua nước nhiều lần. 

Vì nếu không rửa sạch, chất tẩy rửa còn sót lại trên bát đĩa, khi sử dụng để đựng đồ ăn, các chất tẩy rửa xâm nhập vào cơ thể gây khó chịu cho đường tiêu hóa và dẫn đến những triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng…

Ngoài ra, nước vo gạo cũng là một cách làm sạch bát đũa rất hiệu quả, không chỉ có tác dụng làm sạch phần dầu mỡ bám trên chén bát mà còn giúp khử mùi tanh do thức ăn một cách dễ dàng mà không gây độc hại cho sức khỏe.

Sau khi vệ sinh bát đũa, chúng ta nên để trong rổ hoặc giá đựng bát cho ráo nước, sau đó mới xếp vào ngăn tủ. Để đảm bảo vệ sinh tuyệt đối, có thể phơi ở ngoài nắng hoặc nếu có điều kiện nên sử dụng một số loại máy hong khô bát đũa chuyên dụng.

* Tiêu đề bài viết được tòa soạn đặt lại.

TS. Từ Ngữ