Không thể ngăn chặn UAV Iran bằng Patriot, QĐ Mỹ triển khai thực chiến 5 vũ khí "độc-lạ"?
Kinh tế số - Ngày đăng : 06:29, 09/04/2020
Vào ngày 6/4, Phòng thí nghiệm Nghiên cứu của Không quân Mỹ (AFRL) ra tuyên bố rằng họ đã bàn giao vũ khí laser năng lượng cao đầu tiên cho không quân để thử nghiệm thực chiến chống lại các máy bay không người lái (UAV/Drone).
AFRL hiện đã lên kết hoạch đưa các vũ khí vũ khí laser ở nước ngoài để "đánh giá tại hiện trường" trong vòng 12 tháng. Theo Michael Jirjis, Giám đốc Văn phòng Thử nghiệm & Lập kế hoạch Phát triển Chiến lược Không quân (SDPE) trực thuộc AFRM cho biết:
"Chúng tôi đã lên kế hoạch để "định hình" chiến thuật phòng thủ của Không quân Mỹ trước các cuộc tập kích bằng UAV/Drone bằng vũ khí laser và vi sóng".
Vũ khí chiến thuật chống máy bay không người lái công suất cao (THOR) của AFRL.
KQ Mỹ hiện đã tiếp nhận 5 nguyên mẫu bao gồm Vũ khí laser năng lượng cao (HELWS) và Vũ khí vi sóng công suất cao (PHASER) của Raytheon và Vũ khí chiến thuật chống máy bay không người lái công suất cao (THOR) của AFRL. 2 nguyên mẫu còn lại vẫn chưa được tiết lộ.
Vào tháng 3/2020, hệ thống THOR đã tiến hành một thử nghiệm phòng thủ UAV/Drone trước con mắt của truyền thông Mỹ. Hệ thống trị giá 15 triệu USD đã vô hiệu hóa chiếc Drone "trong nháy mắt", khiến nó rơi xuống đất ngay sau khi bị tia điện từ tấn công.
Theo người phụ trách chương trình THOR Amber Anderson, hệ thống đang được nâng cấp để mở rộng khả năng tiêu diệt nhiều mục tiêu UAV/Drone hơn.
AFRL đã chế tạo THOR chỉ trong vòng 18 tháng với mục tiêu đưa vào trang bị càng sớm càng tốt do mối đe dọa ngày càng tăng từ các UAV/Drone tấn công. Chương trình có giá 15 triệu USD và mỗi đơn vị được cho là sẽ có giá thành khoảng 10 triệu USD.
THOR được thiết kế để có thể triển khai nhanh chóng bất cứ địa hình nào thông qua việc "gói gọn" các ăng ten vi sóng và hệ thống điều khiển trong một container có thể dễ dàng vận chuyển bằng xe tải và có thể lắp ráp chỉ trong 3 giờ.
Một điều khiển từ xa cầm tay có thể xoay ăng-ten theo mọi hướng khi cần, cung cấp khả năng phòng thủ trong vòng 360 độ. Cơ chế khai hỏa và điều khiển tổng thể hệ thống được vận hành từ máy tính xách tay.
Cuộc tập kích bằng UAV và tên lửa hành trình vào các cơ sở dầu mỏ của Arab Saudi tháng 9/2019 (Mỹ cáo buộc Iran là thủ phạm) chứng minh rằng phòng không tầm thấp và chế áp điện tử rất quan trọng để đối phó với các"kịch bản" tấn công nói trên.
Đối đầu với các cuộc tập kích tương tự, các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot PAC-3 rõ ràng là không phù hợp do chúng chủ yếu đối phó các mục tiêu cỡ lớn như máy bay và tên lửa đạn đạo của đối phương.
Năm 2019, người Mỹ đã tính tới việc sử dụng các loại vũ khí đánh chặn "rẻ tiền" để đối đầu với những đối thủ "rẻ tiền" hơn là UAV.
Chương trình APKWS (chuyển đổi rocket không điều khiển Mk66 thành vũ khí chính xác) của BAE Systems cùng với THOR của AFRL hứa hẹn sẽ giải quyết được sự uy hiếp của UAV, rocket và tên lửa hành trình của "lực lượng Iran" đối với người Mỹ ở Trung Đông.
Hệ thống THOR thành công trong thử nghiệm chống lại drone.