Trong cuộc chiến với cơ thể, thế trận nghiêng về virus khi nào? Làm sao để bảo vệ trẻ nhỏ?
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 20:33, 08/04/2020
Trên mạng xã hội Lotus.vn, BS Hoàng Quốc Tưởng - Giảng viên Bộ môn Nhi khoa, Đại học Y Dược TPHCM, BS Bệnh viện Nhiệt đới 2 mới đây đăng tải bài viết với tựa đề: "Làm sao để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ nhỏ trong mùa dịch Covid-19". Chúng tôi xin đăng tải lại một phần của bài viết này.
Cơ chế hoạt động của cơ thể
Đầu tiên, tôi sẽ giải thích cho các bạn hiểu hơn về cách cơ thể của chúng ta phản công thế nào trước virus, trong đó có loại COVID-19 mới này. Cụ thể khi virus tấn công vào cơ thể, số lượng virus sẽ được nhân lên rất nhanh làm phá hủy các tế bào và tiết một số chất làm cơ thể chúng ta rơi vào những trạng thái mệt mỏi.
Tùy theo từng loại virus khi tấn công vào cơ quan nào thì con người sẽ có những triệu chứng bệnh khác nhau. Với virus COVID-19, hầu hết sẽ tấn công vào phổi gây ra những triệu chứng điển hình như mệt mỏi, sốt, ho, khó thở.
Nếu cơ thể chúng ta khoẻ mạnh, tức là có sức đề kháng tốt, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách sản sinh thêm nhiều tế bào có tên gọi là bạch cầu, lúc này virus sẽ bị tiêu diệt dần và cơ thể sẽ được hồi phục.
Vậy trong cuộc chiến giữa virus và cơ thể chúng ta, thế trận sẽ nghiêng về virus khi nào? Khi độc lực con virus quá mạnh hoặc cơ thể chúng ta quá yếu.
Vậy làm sao để tăng cường sức đề kháng cho trẻ nhỏ?
Bước thứ nhất: Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ
Đây là cách tăng cường hệ miễn dịch cho con bạn một cách hiệu quả nhất. Theo một nghiên cứu của CDC năm 2017 cho thấy, những trẻ được tiêm phòng vaccine cúm đã giảm tỷ lệ tử vong đến 51% do bệnh cúm Influenza gây ra.
Do đó, dù với bất cứ lý do gì bạn cũng không nên trì hoãn việc tiêm phòng, vì điều đó giúp trẻ nhỏ tạo kháng thể và có một hệ miễn dịch khỏe mạnh để chống chọi lại bệnh tật.
Giống như những trận đại dịch trước cả SARS và MERS, tỷ lệ trẻ em nhiễm rất ít và gần như bị nhẹ. Lý do tại sao trẻ em lại ít bị ảnh hưởng vẫn còn là một bí ẩn đang được nghiên cứu thêm.
Nhiều giả thuyết được đưa ra, tuy nhiên giả thuyết được nhiều người đồng thuận là do trẻ em được tiêm phòng nên cơ thể có phản ứng bảo vệ chéo với các loại virus này. Một lần nữa điều này khẳng định được vai trò của việc tiêm chủng trong việc tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ nhỏ.
Bước thứ 2: Chú ý đến dinh dưỡng, cân bằng chế độ ăn và uống cho trẻ
Vì tất cả các tế bào miễn dịch đều cần đến chất dinh dưỡng để phát triển. Đối với trẻ từ 6 tháng trở lên, các bạn phải nhớ rằng lúc này sữa không còn là thức ăn duy nhất và quan trọng nhất nữa. Thay vào đó, bạn nên bổ sung khoáng chất, chất xơ, vitamin A, E, D, K, C bằng cách cho trẻ ăn nhiều rau củ, trái cây…
Đối với trẻ từ 1-5 tuổi, bạn nên tuân theo nguyên tắc 5:5:3:2, tức là có thể cho trẻ ăn từ 5-6 bữa trong một ngày, trong đó có 3 bữa chính và 2- 3 bữa phụ, 5 khẩu phần tinh bột, 5 khẩu phần rau củ và trái cây, 3 khẩu phần sữa và 2 khẩu phần đạm.
Đồng thời bạn có thể cho trẻ làm quen với các loại đạm (đủ chứ không cần nhiều) có trong thịt, cá, trứng, sữa để cơ thể có đủ axit amin và protein, những chất quan trọng tạo nên hệ miễn dịch khoẻ mạnh. Các bữa ăn cho trẻ trong thời gian này cần phải đảm bảo được sự đa dạng, cân đối, không nên tập trung quá vào một loại vitamin hay khoáng chất nào cả.
Ngoài ra, bắt đầu từ 6 tháng tuổi, bạn có thể cho bé uống ít nước. Ăn uống đủ thì hệ miễn dịch chắc chắn sẽ khoẻ mạnh. Nhưng phải luôn giữ vững nguyên tắc "ăn chín, uống sôi", tránh động vật hoang dã.
Bước thứ 3: Cho trẻ nhỏ ngủ đủ giấc
Các bạn có biết rằng trong tất cả các giai đoạn phát triển và hoàn thiện các kỹ năng, trẻ đều sẽ gặp phải những căng thẳng, khó chịu.
Điều tuyệt vời là nếu trẻ có nếp ngủ lành mạnh thì ngoài việc giúp não bộ phát triển còn giải tỏa được nguồn căng thẳng tích tụ hằng ngày cho bé. Do đó bằng mọi cách bố mẹ nên giúp con duy trì một giấc ngủ khoẻ mạnh.
Bằng cách cố định chỗ ngủ cho con, nơi ngủ phải có không gian yên tĩnh và ánh sáng của đèn không được quá sáng.
Thời gian giấc ngủ cũng cần được cố định, nếu có xê dịch thì chỉ trong khoảng một tiếng đồng hồ, đừng để giấc ngủ của con xê dịch nhiều quá bởi vì điều đó cũng ảnh hưởng đến lối sinh hoạt sau này của con trẻ.
Bước thứ 4: Tập luyện thể thao
Việc tập luyện thể thao sẽ giúp con có khả năng chống chọi được với những khó khăn trong cuộc sống. Đó cũng là cách dậy con tự lập từ nhỏ. Bởi vì tập luyện thể thao đều đặn cũng sẽ là một trong những cách giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Bước thứ 5 là: Hãy để con được ốm
Nghe có vẻ mắc cười nhưng đây lại là sự thật. Trong giai đoạn cửa sổ miễn dịch từ 6 tháng – 3 tuổi, con rất dễ bị ốm. Mỗi lần như vậy các tế bào miễn dịch sẽ trở nên tinh nhuệ hơn. Do đó, hãy bình tĩnh theo dõi thông qua các biểu hiện của con để thăm khám kịp thời.
Đây là những bước quan trọng giúp trẻ nhỏ tăng cường sức đề kháng. Tuy nhiên, một điều quan trọng nữa là chúng ta phải luôn giữ vững tinh thần lạc quan, vui vẻ và không hoang mang để có thể giúp con và bản thân vượt qua đại dịch COVID-19 thành công.
Theo BS. Hoàng Quốc Tưởng(Giảng viên Bộ môn Nhi Khoa, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, BS Bệnh viện Nhiệt đới 2).
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.