Các startup Việt nỗ lực phát triển nhiều giải pháp chống Covid-19
Make in Viet Nam - Ngày đăng : 09:24, 08/04/2020
Số liệu từ Văn phòng Đề án 844, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết, thời gian qua đã có 93 dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cung cấp giải pháp công nghệ nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19.
Nhiều dự án khởi nghiệp thành công có thể kể đến đáp ứng các lĩnh vực như: chuyển đổi số, quản trị doanh nghiệp, làm việc từ xa, họp trực tuyến, công nghệ liên quan đến xét nghiệm, khử khuẩn, đo thân nhiệt, theo dõi lây nhiễm, hỗ trợ cộng đồng bị cách ly, đối phó với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19…
Điển hình các dự án có thể kể đến như: EyeQ - Camera nhận diện mặt người kèm đo nhiệt độ, Deepcare Vietnam; Kompa- Lập trang web theo dõi diễn biến dịch corona, chatbot cập nhật tin tức về Covid-19; Ứng dụng mua sắm thực phẩm trực tuyến FoodMap; Giải pháp quản lý dữ liệu lâm sàng; Robot hỗ trợ giao hàng Drone Pro...
Ngay từ thời điểm bắt đầu dịch, Kompa - startup công nghệ ứng dụng dữ liệu lớn và AI – đã tạo ra một website giúp theo dõi diễn biến của đại dịch này nhằm giúp người dùng tránh các tin tức giả mạo về Covid-19 gây hoang mang. Dữ liệu trên website được cập nhật liên tục theo WHO, Bộ Y Tế Việt Nam cùng nguồn dữ liệu từ các bên chính thống như CDC, ECDC… nên có độ uy tín cao.
Hay startup OhmniLabs đã sản xuất những tấm che mặt bằng công nghệ in 3D để gửi tặng cho các bệnh viện trước tình trạng thiếu hụt nhựa PPE. Công ty cũng đưa robot đến nhiều bệnh viện nhằm vừa chăm sóc người bệnh nằm tại viện, vừa giúp bác sĩ và người thân có thể thăm khám bệnh nhân từ xa.
Ứng dụng Lên Lớp (Lenlop.vn), nền tảng lớp học trực tuyến đa phương tiện "Make in Vietnam", mục tiêu hỗ trợ thầy cô giáo trên toàn quốc tổ chức các lớp học trực tuyến. Nền tảng tạo tương tác giữa người dạy với học sinh, sinh viên, thông qua truyền hình trực tuyến, trình chiếu tài liệu và bảng điện tử.
Đại diện Lenlop.vn cho biết, nền tảng này hiện hỗ trợ miễn phí 900 lớp học ảo mỗi ngày, với thời lượng 2 giờ mỗi lớp trong đợt cao điểm Covid-19.
Trong khi đó, Got It - startup do TS. Hùng Trần sáng lập đã giới thiệu phiên bản thử nghiệm của Covid-19 Check, dịch vụ giúp người dùng có thể kiểm tra được khả năng bị lây nhiễm theo phân loại từ F0 tới F5. COVID 19 Check hoạt động bằng cách xây dựng một mạng lưới (network), qua đó được định hình và liên tục cập nhật hàng ngày.
Cũng theo số liệu báo cáo, nhiều dự án khởi nghiệp thiết thực, vô cùng ý nghĩa khác như sản xuất các loại test kit, thiết bị khử khuẩn, thiết bị đo thân nhiệt, nền tảng in 3D thiết bị y tế, robot chăm sóc người bệnh và chuyển hàng (Bệnh viện Trung ương Huế), bản đồ theo dõi lây nhiễm và thông tin điều hành, hệ thống cảnh báo và khám chữa bệnh từ xa, giao hàng và quản lý lưu trú, giáo dục trực tuyến, mua sắm trực tuyến…
Các sản phẩm do các startup công nghệ hay các dự án hợp tác luôn được chào đón tích cực, được đánh giá cao bởi chất lượng và hiệu quả thiết thực của nó.