Đại học Hồng Kông: Phát hiện virus corona tồn tại hơn 7 ngày trên mặt ngoài khẩu trang
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 14:02, 07/04/2020
Theo một nghiên cứu mới đây từ Đại học Hồng Kông (HKU), virus corona gây bệnh COVID-19 có thể bám vào thép không gỉ, các bề mặt nhựa tối đa 4 ngày và bám vào mặt ngoài của khẩu trang trong thời gian tới 1 tuần.
Đội ngũ các nhà khoa học cũng cho biết một số các loại thuốc tẩy rửa gia dụng cũng hiệu quả trong việc "tiêu diệt" virus.
Nghiên cứu này được đăng tải trên tạp chí y khoa The Lancet vào ngày 2/4 vừa qua và đã hé lộ thêm nhiều thông tin về bản chất của virus SARS-CoV-2 cũng như những cách thức có thể làm để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Nhóm các nhà khoa học tại HKU bao gồm ông Leo Poon Lit-man, chủ nhiệm khoa nghiên cứu y tế cộng đồng, và giáo sư Malik Peiris, một nhà nghiên cứu về virus và chuyên gia về y khoa. Trong kết luận, nhóm này viết: "SARS-CoV-2 có thể tồn tại ổn định trong môi trường có lợi, nhưng cũng rất dễ bị tiêu diệt bởi những biện pháp tẩy trùng tiêu chuẩn".
Ông Leo Poon Lit-man. Ảnh: Winson Wong
Các nhà nghiên cứu cho biết đã thử nghiệm xem liệu virus có thể giữ trạng thái lây nhiễm trong bao lâu trên nhiều loại bề mặt vật thể khác nhau, ở nhiệt độ phòng.
Trên giấy vệ sinh, giấy in, virus corona sống được chưa tới 3 giờ, trong khi trên gỗ và quần áo - ví dụ như một chiếc áo phòng thí nghiệm làm bằng cotton bình thường - chúng biến mất trong ngày thứ 2.
Trên mặt kính và tiền mặt, virus vẫn ổn định trong ngày thứ 2 và hoàn toàn biến mất vào ngày thứ 4. Trong khi đó, virus tồn tại trên thép không gỉ và nhựa từ 4 tới 7 ngày.
Các nhà khoa học cho biết họ "rất kinh ngạc" khi phát hiện virus vẫn tồn tại và có khả năng lây nhiễm sau 7 ngày bám trên khẩu trang y tế.
"Đây là lý do rất quan trọng lí giải vì sao khi đeo khẩu trang y tế không nên chạm vào mặt ngoài khẩu trang," ông Peiris nói.
Virus corona có thể bị tiêu diệt bởi các thuốc tẩy rửa gia dụng. Ảnh: Nora Tam
"Khi làm như vậy chúng ta có thể khiến virus bám vào tay. Nếu sau đó dụi hay chạm vào mắt, virus có thể lây nhiễm vào cơ thể".
Trên tất cả các bề mặt, sự tập trung của virus giảm nhanh chóng theo thời gian.
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết kết quả này "không phản ánh nguy cơ nhiễm virus từ việc tiếp xúc thông thường", và sự tồn tại của virus trong nghiên cứu được xác định bởi công cụ phòng thí nghiệm, không phải bằng bàn tay, ngón tay như trong sinh hoạt bình thường.
Một nghiên cứu của Mỹ về sự tồn tại của virus corona trong các môi trường cũng được đăng tải trên tạp chí khoa học Nature vào tháng trước. Theo kết luận, virus vẫn sống và có thể gây lây nhiễm trong nhiều ngày bám trên bề mặt.
Theo đó, họ phát hiện virus vẫn có mặt trên nhựa và thép trong vòng 72 giờ, nhưng không tồn tại quá 4 giờ trên đồng hoặc quá 24 giờ trên tấm bìa.
Nghiên cứu của HKU đã củng cố thêm một số thông tin về vệ sinh và y tế cộng đồng. Theo đó, các nhà khoa học đặc biệt khuyến khích rửa tay thường xuyên, bởi vì một số tiếp xúc với đồ hộp, thực phẩm cũng có thể khiến một người bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, đây chỉ là giả thuyết và chưa có nghiên cứu cụ thể.
"Nếu muốn bảo vệ bản thân, hãy giữ vệ sinh tốt, rửa tay thường xuyên, không chạm vào mặt, mồm hay mũi nếu tay bẩn. Rửa tay vẫn là quan trọng nhất," nghiên cứu đề xuất.