Covid-19 đã khiến mạng xã hội khủng hoảng thông tin
Truyền thông - Ngày đăng : 22:09, 06/04/2020
Khủng hoảng thông tin
Đại dịch Covid-19 bùng phát dẫn đến hậu quả nguy hiểm đến tính mạng từ những phương pháp chữa bệnh chưa được kiểm chứng, các tuyên bố sai, các thuyết âm mưu về sự bùng phát của dịch bệnh…
Giờ đây, phương tiện truyền thông xã hội trở thành cầu nối thông tin quan trọng hơn bao giờ hết. Facebook, Twitter và các nền tảng mạng xã hội khác đang chiếm một phần lớn thời gian hàng ngày của người dùng. Đây là những công cụ truyền tải thông tin chính khi ngày càng có nhiều người tìm kiếm thông tin về dịch bệnh cũng như các hoạt động bên ngoài trên các nền tảng truyền thông xã hội.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng lo ngại rằng bên cạnh việc chống lại đại dịch Covid-19, họ cũng đang phải chiến đấu với một trận dịch khác, đó chính là sự bùng nổ của nạn thông tin giả, khiến mọi người khó tìm được các nguồn tin và hướng dẫn đáng tin cậy khi họ cần.
Một điều không thể phủ nhận là những thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Mặc dù Hoa Kỳ, Pháp... và các nhà khoa học đang nỗ lực để đẩy nhanh các phương pháp điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, những báo cáo không đúng đã được lan truyền và xuất hiện ở rất nhiều quốc gia.
Tại Iran, thông tin về một biện pháp chữa trị bằng việc uống methanol đã khiến 300 trường hợp tử vong và khiến nhiều người khác mắc bệnh. Tiến sĩ Jason McKnight, trợ lý giáo sư lâm sàng tại Khoa Chăm sóc đặc biệt và Sức khỏe dân số của Đại học A & M Texas, cho biết việc chia sẻ thông tin sai có thể gây ra tác động nguy hiểm và khẩn cấp hơn cả dịch bệnh Covid-19.
"Tôi đã thấy các bài đăng liên quan đến phương pháp điều trị chưa được kiểm chứng, các kỹ thuật để ngăn ngừa phơi nhiễm và nhiễm trùng chưa được chứng minh và rất nhiều thông tin sai hướng dẫn cho các cá nhân dự trữ vật tư và thực phẩm" , Tiến sĩ McKnight chia sẻ.
Ông cũng nhấn mạnh thông tin không chính xác về virus SARS-CoV-2 có thể gây ra những nguy hiểm như kích động nỗi sợ hãi hoặc hoảng loạn và khả năng các cá nhân làm những việc có hại tới bản thân với hy vọng chữa khỏi bệnh hoặc phòng ngừa bệnh tật bằng những phương pháp không được kiểm chứng.
Trách nhiệm của các công ty truyền thông xã hội
Các công ty truyền thông cũng đã có những bước đi nhằm ngăn chặn vấn nạn này. Nhưng giới chuyên gia cho rằng các công ty cần hành động mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn nạn thông tin giả và tốc độ cũng như quy mô những thông tin này có thể lan truyền trực tuyến.
(Ảnh minh họa)
"Vẫn còn sự bất đồng giữa những gì mọi người nghĩ là đúng và những gì mọi người sẵn sàng chia sẻ" - Giáo sư David Rand, chuyên gia Khoa não bộ và nhận thức tại Trường Quản lý Sloan thuộc, chia sẻ với AFP.
Một phần lý do dẫn tới hiện tượng này là các thuật toán sử dụng trên các nền tảng truyền thông xã hội thường được thiết kế để thu hút các thói quen hoặc sở thích của người dùng, nhấn mạnh vào khả năng "được ưa thích" chứ không phải "tính chính xác". Do vậy, để thay đổi điều này đòi hỏi Facebook, Twitter và các công ty truyền thông xã hội khác cần thay đổi những thứ ưu tiên mà người dùng sẽ nhìn thấy trên màn hình.
Giáo sư Rand cho rằng các trang mạng xã hội cần nhắc nhở, khuyến khích người dùng cân nhắc tính chính xác của nội dung mà họ đang chuẩn bị chia sẻ trên mạng xã hội.
Giáo sư cũng là đồng tác giả của một nghiên cứu tình trạng thông tin sai lệch về dịch bệnh Covid-19 trên mạng xã hội được công bố mới đây. Nghiên cứu thực hiện với hơn 1.600 người tham gia cho thấy, việc chia sẻ thông tin sai lệch trên mạng xã hội một phần đơn giản chỉ vì người dùng không nghĩ đến việc liệu thông tin này có đáng tin cậy hay không.
Trong một thử nghiệm khác, khi người dùng được nhắc nhở cân nhắc tính chính xác những gì họ sẽ chia sẻ, mức độ nhận thức về sự thật của họ tăng lên gấp đôi. Cách tiếp cận đó được gọi là "can thiệp chính xác" từ các công ty truyền thông xã hội.
Như vậy, với việc nhắc nhở người dùng cân nhắc kỹ nội dung trước khi chia sẻ, các công ty truyền thông xã hội có thể hạn chế được việc lan truyền thông tin giả mạo, thông tin sai lệch.
"Đây sẽ là những điều làm cho khái niệm về độ chính xác trở thành ưu tiên trong tâm trí của người dùng", Giáo sư Rand chia sẻ. Tuy nhiên, hiện nay các thông báo hiển thị tin mới đều được ưu tiên nội dung của người dùng và quảng cáo thương mại thay vì những thông báo nhắc nhở như vậy.
Giáo sư Rand cho rằng các công ty truyền thông xã hội lo ngại về việc đưa ra các cảnh báo về tính chính xác có thể làm giảm trải nghiệm của người dùng vì tạo cảm giác trang mạng xã hội đang đưa đến những thông tin mà người dùng không muốn xem.
Giáo sư Rand cũng hy vọng việc thường xuyên nhắc nhở sẽ giúp người dùng dần hình thành thói quen nghiêm túc suy nghĩ về những thông tin họ chuẩn bị chia sẻ. Các tác giả nghiên cứu kết luận việc đưa ra những lời nhắc nhở này nên được các trang mạng ưu tiên triển khai hơn so với những biện pháp hiện hành, vì biện pháp này sẽ sớm mang lại tác động tích cực để ngăn chặn thông tin giả mạo về đại dịch Covid-19.
Facebook đã ưu tiên đưa thông tin về Covid-19 lên hàng đầu của nguồn cấp tin tức và tăng cường nỗ lực loại bỏ các nội dung có hại, bao gồm cả việc sử dụng trình kiểm tra thực tế của bên thứ ba.
AFP và các công ty truyền thông khác, bao gồm Reuters và Associated Press đã làm việc với chương trình kiểm tra thực tế của Facebook. Theo đó, nội dung được xếp hạng sai sẽ bị hạ cấp trong các nguồn cấp tin tức để ít người nhìn thấy hơn. Nếu ai đó cố gắng chia sẻ một bài đăng như vậy, người đó sẽ được yêu cầu giải trình bằng một bài viết giải thích lý do tại sao lại đưa ra thông tin không chính xác.
Rõ ràng, những thông tin sai, thông tin không chính xác trên mạng xã hội đã và đang gây ra cuộc khủng hoảng thông tin với những ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng con người. Do đó, các công ty truyền thông cần phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn để đối phó với vấn nạn này nhằm củng cố niềm tin cho người dùng.