Robot khử khuẩn phòng cách ly chính thức đi vào hoạt động
Diễn đàn - Ngày đăng : 13:16, 06/04/2020
Robot khử khuẩn tại khu vực cách ly
Theo Đài Truyền hình (VTV) đưa tin, ngày 4/4/2020, Bệnh viện dã chiến Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) chính thức đưa robot khử khuẩn phòng cách ly đi vào hoạt động. Robot này sẽ thay thế hoàn toàn cho nhân viên y tế trong việc phun thuốc khử khuẩn các phòng cách ly.
Đây là sản phẩm sáng tạo của "Vườn ươm sáng tạo" thuộc Trung tâm CNTT của bệnh viện Quân dân y miền Đông theo đơn đặt hàng của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh.
Sau gần 2 tuần phác thảo ý tưởng, thiết kế và chế tạo bản thử nghiệm, sau đó chỉnh sửa và cải tiến theo góp ý của Hội đồng Khoa học công nghệ Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, sản phẩm "robot khử khuẩn phòng cách ly đi" đã hoàn chỉnh và chính thức đi vào hoạt động.
Robot có 2 chức năng chính là phun xịt thuốc khử khuẩn và lau sàn nhà sau khi phun xong. Ngoài ra, robot còn biết tự khử khuẩn mình trước khi ra khỏi phòng cách ly. Nhân viên y tế có thể ngồi ở khu hành chính để điều khiển robot từ xa qua mạng 3G hoặc mạng Internet.
Bên cạnh đó, robot còn biết tự khử khuẩn mình trước khi ra khỏi phòng cách ly. Đây là một tính năng mới, đảm bảo đúng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn với sự góp ý của Hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn của thành phố.
Do tiện ích thiết thực của robot làm thay nhân viên y tế phun thuốc khử khuẩn phòng cách ly nên làm giảm nguy cơ tiếp xúc mầm bệnh cho nhân viên. Trong thời gian tới, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh sẽ trang bị robot khử khuẩn cho tất cả bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị người nhiễm COVID-19.
Trước đó, ngày 26/3, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cùng với ban Giám đốc bệnh viện dã chiến, các chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn và khoa học công nghệ thành phố đã có buổi đánh giá, góp ý bổ sung, hoàn thiện sản phẩm trước khi chính thức đưa vào hoạt động tại các phòng cách ly.
Thử nghiệm thành công nhiều mẫu robot có tính ứng dụng cao, chi phí thấp đưa vào hoạt động
Nắm bắt được tính cấp bách của việc ứng dụng robot, nhất là khi cả nước đang căng mình phòng chữa bệnh Covid-19, chỉ trong thời gian ngắn, nhiều cơ quan, tổ chức, trường đại học trên cả nước đã bắt tay nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm thành công nhiều mẫu robot có tính ứng dụng cao, chi phí thấp đưa vào hoạt động.
Như tại Bệnh viện Trung ương Huế đã tự chế tạo thành công Robot “Tâm An” trong thời gian cấp bách, đã giúp ngăn ngừa, giảm lây lan cũng như đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ nhân viên y tế.
Trong phạm vi 50m, robot có thể được điều khiển để vận chuyển nhanh chóng 50 - 60 kg thức ăn, thuốc men, vật dụng đến các phòng bệnh. Không chỉ làm tròn nhiệm vụ của mình, nhân viên bệnh viện còn cho rằng âm thanh và sự đi lại thường xuyên của robot "Tâm An" khiến không khí chữa bệnh nơi đây trở nên vui vẻ hơn, giảm bớt tâm lý lo lắng của những người bệnh.
Tại Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đã chính thức bàn giao robot BK-AntiCovid để phục vụ ở khu vực cách ly của Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng.
Phục vụ tại khu vực cách ly của bệnh viện, robot BK-AntiCovid có thể thay thế nhân viên y tế để trực tiếp vào khu vực cách ly, mang theo vật dụng thiết yếu, đồ ăn, thuốc men hỗ trợ người bệnh với tải trọng lên đến gần 100 kg.
Đặc biệt, với hệ thống camera và loa ngoài kết nối với nhiều điện thoại, máy tính cùng một lúc, các y bác sĩ ở bên ngoài có thể di chuyển robot đến gần và trò chuyện trực tiếp với bệnh nhân, đáp ứng phần nào công tác thăm khám, theo dõi trong quá trình điều trị.
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, các nhóm nghiên cứu của nhiều đại học, học viện, trường đại học trong cả nước đã vào cuộc và liên tiếp có những nghiên cứu quan trọng được công bố nhằm hỗ trợ hiệu quả trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Điều này không chỉ thể hiện năng lực nghiên cứu của đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam mà còn khẳng định vai trò, trách nhiệm xã hội của họ đối với những vấn đề chung của đất nước và thế giới.