Sống lạc quan giữa mùa dịch: Cách ly xã hội là chuỗi ngày buồn chán hay khoảng thời gian quý báu cùng gia đình, tất cả phụ thuộc vào hành động của chính bạn
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 13:16, 05/04/2020
Dưới đây là chia sẻ của Nora Savosnick, một nhiếp ảnh gia trẻ tuổi người Na Uy về quãng thời gian giãn cách xã hội tại nhà cùng bố mẹ khi dịch Covid-19 bùng phát:
Tôi 24 tuổi, người Na Uy, làm công việc nhiếp ảnh tại thành phố New York. Khi tổng thống Donald Trump ban hành lệnh cấm di chuyển từ các nước Châu Âu tháng trước, tôi đã băn khoăn về việc có nên mạo hiểm visa làm việc tại Mỹ để quay về quê hương thăm gia đình hay không. Mẹ tôi vừa hồi phục sau căn bệnh ung thư vài năm trước và tôi tự hỏi rằng sẽ như thế nào nếu chẳng may mẹ tôi bị nhiễm bệnh lần nữa?
Bố mẹ đã gọi điện cho tôi và nói rằng họ muốn tôi trở về nhà và ở cùng với họ phòng trường hợp chẳng may tôi nhiễm bệnh. Họ không yên tâm để tôi một mình ở một đất nước xa xôi, không có người chăm sóc. Và rồi tôi quyết định đặt vé trở về Na Uy.
Tôi rời nhà tới New York làm việc từ năm 18 tuổi. Căn nhà vẫn như cũ, chứa đầy kỷ niệm thời thơ ấu của tôi. Hồi nhỏ tôi thường cùng cô bạn Elena lén bố mẹ uống rượu táo trong phòng, xem phim kinh dị vào đêm muộn hay bày trò nghịch ngợm với lũ trẻ hàng xóm. Sau khi trở về từ Mỹ, tôi phải thực hiện cách ly hai tuần tại nhà. Mẹ hoàn toàn kiểm soát chế độ ăn uống của tôi với một thực đơn lành mạnh, ít cholesterol. Bữa sáng hiếm khi có đồ chiên rán và trứng được giới hạn chỉ một quả mỗi tuần.
Cách ly thế nào phụ thuộc vào lựa chọn của bạn. Chúng ta có thể nhìn khoảng thời gian cách ly thật buồn chán nhưng cũng có thể sẽ thấy hạnh phúc khi nhận ra rằng chúng ta có hai tuần cho bản thân, suy nghĩ và làm những điều mà trước đây chúng ta không có thời gian để thực hiện. Đối với tôi, khoảng thời gian cách ly tại nhà đã thức tỉnh tôi về những giá trị của gia đình và nhắc nhở bản thân cần phải dành nhiều thời gian dành cho gia đình hơn nữa.
Những ngày ở nhà tôi nhận ra rằng mặc dù đã ở độ tuổi 60 nhưng cha mẹ tôi thậm chí còn khỏe mạnh hơn tôi. Mẹ tôi đi bộ nhanh như người New York, thường xuyên tập tạ nhẹ và thể dục mỗi ngày. Trong khi đó bố tôi thường đạp xe hàng giờ để nâng cao sức khoẻ. Tôi biết là mình không thể theo lối sống của bố mẹ nhưng tôi đã tự nhắc nhở bản thân rằng mình cần phải dành thời gian tập yoga nhiều hơn.
Trong phòng ngủ của tôi có treo bức ảnh một cái cây mà ba tôi chụp khi ông còn trẻ. Bức tranh này đã gắn bó với tôi từ khi còn nhỏ. Khi tôi được nhận vào trường nghệ thuật, ba đã tặng cho tôi chiếc máy ảnh mà ông từng dùng để chụp bức tranh đó. Tôi chưa bao giờ để ý tới ý nghĩa bức ảnh cho tới khi ở nhà trong những ngày cách ly. Tôi chợt hiểu ra ba chính là người đã truyền cảm hứng cho tôi trở thành một nhà nhiếp ảnh.
Ba tôi là một người theo chủ nghĩa an toàn. Ông từng mong muốn trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, nhưng nỗi lo kiếm sống đã khiến ông không thể theo đuổi đam mê của mình. Trong những ngày cách ly ở nhà, tôi đã khơi lại niềm vui chụp ảnh của ông, chứng kiến ông hào hứng cầm chiếc máy ảnh chụp mọi ngóc ngách trong căn nhà.
Thời gian này gia đình tôi gần gũi với nhau hơn bao giờ hết. Chúng tôi ngồi lại bên nhau, cùng nhau chia sẻ những câu chuyện, những dự định và cả nỗi lo lắng, điều mà chúng tôi chưa từng làm trước đây. Tôi nói với mẹ rằng tôi lo lắng cho sức khỏe của bà, bởi mẹ tôi nằm trong danh sách những người dễ bị tấn công bởi virus. Mẹ tôi thì lại luôn lo lắng cho tôi vì phải sống tự lập ở một nơi xa xôi và bà đã thực sự vui mừng khi nhìn thấy tôi trở về từ New York.
Mẹ đã nói giây phút đó bà chỉ muốn chạy lại ôm tôi, hôn tôi nếu không có lệnh hạn chế tiếp xúc. Còn ba tôi thì hạnh phúc bởi gia đình chúng tôi được đoàn tụ bên nhau. Chúng tôi cũng nói tới những ảnh hưởng của dịch bệnh tới nền kinh tế đất nước, tới cuộc sống của người dân và cầu nguyện cho mọi chuyện sẽ nhanh chóng qua đi.
Đã từng có rất nhiều dịch bệnh trong lịch sử nhân loại và con người đã vượt qua bằng cách này hay cách khác. Nhìn ở mặt tích cực, dịch bệnh đã gắn kết chúng ta gần với nhau hơn. Trước đây, những gánh lo cuộc sống đã khiến con người mải mê chạy theo những guồng quay của công việc để rồi không biết rằng cha mẹ mình đã già đi như thế nào hay con cái đã trải qua tuổi dậy thì ra sao. Trong những ngày hạn chế tiếp xúc xã hội, chúng ta có nhiều thời gian dành cho nhau hơn.
Bạn chợt nhận ra đôi mắt đục của bà ánh lên nét hạnh phúc bởi chứng kiến con cháu tề tựu đông đủ. Bạn thấy con mình hoạt bát hơn, có nhiều chuyện để kể với bạn hơn thay vì chỉ ở trong phòng chơi game như trước đây. Bạn cũng có thời gian để đọc một cuốn sách đã để rất lâu trên kệ hay tìm lại những đam mê mà trước đây không có thời gian để theo đuổi.
Chọn nhìn quãng thời gian cách ly xã hội thế nào là lựa chọn của bạn. Đó có thể đó là những chuỗi ngày buồn chán, vô vị nhưng cũng có thể là khoảng thời gian đáng quý để sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn. Bởi không ai trong chúng ta biết ngày mai sẽ có những chuyện gì xảy đến, cho nên đừng lãng phí dù chỉ một phút giây, hãy trao nhau những lời yêu thương, quan tâm nhau nhiều hơn và tận hưởng những phút giây bên nhau nhiều hơn.
Theo Reuters