Số phận những lao động Ấn Độ không thể trở về nhà trước lệnh phong tỏa: Bất đắc dĩ trở thành người vô gia cư, tuyệt vọng kiếm đồ ăn để không chết đói
Quốc tế - Ngày đăng : 12:45, 05/04/2020
Suốt 10 năm qua, Begum Jan đã cố gắng tìm cách sống sót trên đường phố Kolkata (Ấn Độ). Là người khuyết tật phải ngồi xe lăn đã lâu, bà luôn có một chỗ cố định trên con phố đông đúc. Các tài xế rickshaw và người qua đường luôn đảm bảo người phụ nữ 62 tuổi này có đồ ăn hàng ngày.
Nhưng vào tuần trước, lần đầu tiên kể từ khi Begum Jan trở thành người vô gia cư vì mắc bệnh lao và không thể đi làm giúp việc, bà phải đối mặt với nguy cơ chết đói.
“Suốt tuần qua, không ai trong số những người hay giúp tôi xuất hiện”, bà nói, giọng nghèn nghẹn phảng phất nỗi buồn. “Họ đều ở nhà vị lệnh giới nghiêm; họ không thể đi làm nên cũng chẳng thể giúp tôi nữa”.
Hai tuần trước, Thủ tướng Narendra Modi đã tuyên bố phong tỏa toàn bộ đất nước với 1,3 tỷ dân này ít nhất 3 tuần để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Đây cũng là cuộc phong tỏa lớn nhất mà thế giới từng chứng kiến.
Hậu quả dành cho Ấn Độ - nơi có hơn 10 triệu người nghèo phải làm việc cách nhà hàng nghìn dặm và sống luôn ở nơi làm việc - chẳng khác nào một thảm họa.
Đối với những người vô gia cư như Jan, sắc lệnh phong tỏa đất nước trong 21 ngày là vô cùng tàn nhẫn. Con trai bà - Raja Khan - giờ cũng đang sống ở ngoài đường với 3 đứa con sau khi phải ngừng công việc khuân vác trên tàu hỏa.
Kể từ khi lệnh giới nghiêm được ban bố, ngày nào Khan cũng đẩy mẹ mình đi hết 25 dặm trên chiếc xe lăn để tìm thức ăn.
“Tàu hỏa không chạy và tôi thì hoàn toàn thất nghiệp”, anh cho biết. “Tôi phải làm việc mỗi ngày để có tiền nuôi gia đình 4 người. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi phải đi ăn xin. Thật nhục nhã”.
Manoranjan Ghosh - người vừa làm việc vừa sống trong một cửa hàng bán trà ven đường ở Kolkata - cũng đã trở thành người vô gia cư vì lệnh giới nghiêm.
Giờ anh phải trú tạm trên sàn nhà ga và cố gắng ăn mặc tử tế nhất có thể mỗi sáng, tuy nhiên mọi thứ vẫn rất khó khăn. “Tôi đã sử dụng hết chỗ tiền tiết kiệm chỉ 2-3 ngày sau lệnh giới nghiêm để mua thức ăn”, Ghosh cho biết. “Sau đó tôi đã phải bán điện thoại di động của mình cho một người bán rau để có thể cầm cự trong vài ngày tới. Nhưng giờ thì tôi chẳng còn đồng nào cả.”
“Tôi đã làm việc chăm chỉ và sống một cách đường hoàng. Đột nhiên tôi bị biến thành người vô gia cư và phải đi ăn xin”.
Lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài 21 ngày của Thủ tướng Modi được cho là quá đột ngột khi mọi người chỉ có 4 tiếng để chuẩn bị. Hàng triệu lao động đã không kịp trở về quê hương trước khi giao thông và công việc tạm ngừng. Điều này đã dẫn tới một làn sóng di cư lớn chưa từng có tại Ấn Độ, khi nhiều người bắt đầu đi bộ cả trăm, cả nghìn dặm để về nhà. Tuy nhiên, các nhà chức trách đã nhanh chóng lập chốt chặn và đóng cửa biên giới các bang, khiến hàng nghìn người bị kẹt lại.
Nhiều người lao động xa nhà đã không kịp về quê trước khi biên giới các bang đóng lại.
Một trong số đó là Lal Sahab Kumar (20 tuổi) - một thanh niên từ Bihar lên Delhi làm thợ xây với tiền công 300 rupee/ngày (~92.000/ngày). Sau tuyên bố của Thủ tướng Modi, anh đã bị đuổi việc và định đi bộ hơn 600 dặm để về Bihar nhưng phải quay lại vì các biên giới các bang đã bị chặn. Giờ đây, Kumar đang sống tại một trung tâm vô gia cư ở West Delhi - nơi cung cấp cho anh những bữa ăn đơn giản gồm súp dal, cơm và trà. “Tôi chỉ muốn về nhà thôi”, anh cầu xin với một vẻ tuyệt vọng bên ngoài trung tâm.
Theo các chuyên gia, lệnh giới nghiêm này sẽ còn kéo dài lâu hơn thời gian dự kiến 21 ngày nếu được chứng minh là có tác dụng. Cho tới thời điểm này, số ca nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ vẫn thấp hơn châu Âu, châu Mỹ hay Đông Á, với hơn 2.902 trường hợp dương tính với SAR-CoV-2 và 68 ca tử vong. Tuy nhiên, đã xuất hiện dấu hiệu lây nhiễm trong cộng đồng tại quốc gia này và tốc độ lây lan cũng tăng lên nhanh chóng.
Theo Bangla Sanskriti Mancha - một tổ chức phi chính phủ chuyên làm việc với các lao động di cư, họ đã nhận được hàng chục nghìn lời kêu cứu kể từ khi lệnh giới nghiêm được ban hành. Trong đó, có ít nhất 30.000 lao động trên khắp đất nước đang bị mắc kẹt và phải đối mặt với nguy cơ chết đói. Tổ chức Hồi giáo Sinh viên Ấn Độ cho biết họ đang đang cung cấp thức ăn cho hơn 25.000 người có hoàn cảnh khó khăn.
Không thể về nhà, nhiều người lao động Ấn Độ đành sống vất vưởng trên đường phố qua ngày.
Hiện tại, chính quyền Ấn Độ đang đưa ra một vài biện pháp hỗ trợ. Bang Maharashtra đã tuyên bố sẽ hỗ trợ 5,9 triệu USD, bang Kerala sẽ cung cấp gói cứu trợ 2,7 tỷ USD và bang Uttar Pradesh sẽ cấp 1.000 rupee/tháng cho hơn 3,5 triệu người lao động. Tuy nhiên, đa số đều lo lắng rằng hàng triệu lao động sẽ không thể tiếp cận những biện pháp hỗ trợ trên vì những khó khăn trong đi lại và giấy tờ.
Shekh Sujauddin (21 tuổi) đến từ Tây Bengal là 1 trong 60 công nhân đang làm việc tại một công trường xây dựng cách nhà 2.000 km ở Mumbai. Không thể kiếm tiền hay trở về nhà trong suốt một tuần qua, anh cho biết tình hình dần trở nên tuyệt vọng hơn mỗi ngày.
“Với số tiền hiện tại, chúng tôi sẽ không thể tồn tại quá 1-2 ngày nữa. Vậy mà vẫn chưa thấy chính phủ hỗ trợ gì”, Sujauddin nói.
Ngồi ở lề đường, bên cạnh đống phế liệu vừa gom nhưng không bán được, Ram Singh - một người buôn đồng nát - thú nhận mình đã không ăn gì vài ngày nay và đang sống bằng nước lọc.
“Tôi đã bỏ nhà đi từ năm 13 tuổi sau khi mẹ bỏ theo tình nhân và làm nghề đồng nát suốt 40 năm nay”, người đàn ông đi bộ 30 km/ngày để bán đồng nát cho biết. “Thế nhưng, đây là lần đầu tiên tôi phải đối mặt với một đợt khủng hoảng lương thực như thế này”.
(The Guardian)