Thói quen người dùng dần thay đổi, tư vấn sức khoẻ từ xa tăng trưởng mạnh trong dịch Covid-19
Diễn đàn - Ngày đăng : 16:39, 03/04/2020
Tư vấn sức khoẻ từ xa sẽ sớm trở thành xu hướng tại Việt Nam
Tại buổi họp giao ban định kỳ của Bộ TT&TT ngày 30/3, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, vừa qua Bộ TT&TT đã đề xuất và thống nhất với Bộ Y tế, ngành TT&TT sẽ hỗ trợ nền tảng khám bệnh từ xa tại khoảng 14.000 cơ sở y tế. Hệ thống có thể khám bệnh từ xa cho bệnh nhân những bệnh đơn giản, giúp giảm tải và tránh lây lan dịch bệnh.
Thời gian qua, trên thị trường đã xuất hiện một số giải pháp giúp tư vấn sức khoẻ từ xa trực tuyến như Med247, eDoctor, VOV Bacsi24…
Theo đại diện Med247, đơn vị này ra mắt sản phẩm video call trước Tết Nguyên đán, tỉ lệ tăng trưởng hiện tại của dich vụ khoảng 20 - 30% mỗi tháng và mang lại những tác dụng, hiệu quả tích cực cho người dùng. Đánh giá về quá trình triển khai thời gian qua, đại diện Med247 cho biết đã gặp một số khó khăn nhất định, đầu tiên đến từ thói quen khám trực tiếp của người dùng. "Ban đầu, người dùng vẫn chưa có thói quen hỏi tư vấn qua ứng dụng khi có vấn đề về sức khoẻ, vẫn gọi điện trực tiếp cho bác sĩ mà không qua ứng dụng", đại diện Med247 chia sẻ.
Khó khăn tiếp theo đến từ thói quen thanh toán, khi người dùng chưa thành thạo việc chuyển khoản qua ngân hàng hay các công cụ thanh toán khác được tích hợp trên ứng dụng.
Tuy nhiên, đại diện Med247 cũng khẳng định, việc tư vấn sức khoẻ từ xa là trào lưu trên thế giới từ vài năm trước, đang trở thành xu hướng tất yếu sẽ bùng nổ. Tại Việt Nam, do dịch vụ còn mới mẻ nên để người dùng thực sự quen thì cần thêm thời gian. "Tiêu chí về mức độ hài lòng qua tư vấn sức khoẻ từ xa của Med247 đang ở mức 4,2/5 và chúng tôi cần cải thiện thêm", đại diện Med247 nói.
Còn theo ông Huỳnh Phước Thọ, Phó Giám đốc eDoctor, hiện tại tổng số lượt tham vấn về sức khỏe thông qua nền tảng này là hơn 200.000 lượt. Trong 2 tháng gần đây, số lượng người sử dụng đang tăng lên khoảng 80% so với thời điểm trước đó.
Với những tiện ích đem lại như tiết kiệm thời gian, bớt di chuyển, thông tin nhanh chóng và có thể truy cập bất cứ lúc nào (qua ứng dụng di động), trong khoảng 3 năm trở lại đây, thói quen của người dùng đã có nhiều thay đổi đối với dịch vụ tư vấn sức khoẻ từ xa, nhất là những người trẻ tuổi quen với các ứng dụng công nghệ.
Lý giải điều này, ông Thọ cho rằng, việc khám chữa bệnh từ xa, ứng dụng công nghệ đang là xu hướng tất yếu trên toàn thế giới và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó, nhất là trong hoàn cảnh dịch bệnh lan tràn như hiện nay, thực hiện dịch vụ từ xa sẽ giúp môi trường xã hội an toàn và tiết kiệm nguồn lực hơn. "Dịch Covid-19 có lẽ là một động lực nữa khuyến khích các dịch vụ từ xa như eDoctor đang triển khai trong thời gian qua", đại diện eDoctor nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, để tư vấn sức khỏe hay tiến tới khám chữa bệnh từ xa, chúng ta cần hoàn thiện các công nghệ để bác sĩ biết được nhiều thông tin của người bệnh hơn, ngoài việc kết nối thông qua gọi thoại hoặc gọi video. Sau đó là hoàn thiện các quy trình kỹ thuật, điều kiện đảm bảo và khung pháp lý từ các cơ quan quản lý như Bộ Y tế, Bộ TT&TT, Bộ KHCN.
Mong sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để tư vấn sức khoẻ từ xa bùng nổ
Trao đổi với phóng viên về những khó khăn khi thực hiện dịch vụ tư vấn sức khoẻ từ xa, ông Thọ cho rằng, khó khăn đầu tiên mà eDoctor gặp phải là thị trường chưa thật sự sẵn sàng khi ứng dụng này triển khai vào năm 2014. Trở ngại sau đó là việc thiếu hụt các bác sĩ, chuyên gia tư vấn.
Mặc dù vậy, những khó khăn này từng bước được khắc phục và giải quyết bằng việc hoàn thiện đội ngũ kỹ thuật, khẳng định chất lượng và uy tín, cũng như cập nhật và phát triển ứng dụng eDoctor ngày một đa dạng và phong phú hơn.
Còn với Med247, đại diện ứng dụng này khẳng định, ngay khi xây dựng giải pháp tư vấn sức khoẻ từ xa, Med247 đã gặp khó khăn trong việc truyền tải ý tưởng, hướng dẫn các bác sĩ.
Bởi vì, y tế là một ngành đặc biệt khi mà việc đào tạo ra bác sĩ mất nhiều thời gian nhất trong các ngành. Chính vì vậy, việc áp dụng công nghệ vào y tế là điều không hề dễ dàng, để làm sao có thể tạo sự kết hợp, đồng bộ giữa 2 lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. "Do đó, muốn có được sự hài hoà, cả bác sĩ lẫn những người làm công nghệ đều cần thay đổi, lấy người bệnh làm trọng tâm, từ đó lan toả rộng rãi dịch vụ", đại diện Med247 chia sẻ thêm.
Về kế hoạch trong thời gian tới, Med247 sẽ tập trung phát triển nền tảng quản lý phòng khám, trên ứng dụng bệnh nhân và bác sĩ. Đồng thời, nâng cao chất lượng, tính năng hỗ trợ các bác sĩ và người bệnh, nâng cao hiệu quả của việc tư vấn, giúp khách hàng cảm thấy an tâm, an toàn nhất.
Bên cạnh đó, Med247 đề xuất cơ quan quản lý có những sự đổi mới, tháo gỡ cụ thể về mặt pháp lý đối với các quy định như khám trực tuyến, kê đơn điện tử, chữ ký điện tử... "Như chính phủ Singapore, khi phát triển tư vấn sức khoẻ từ xa, họ thực hiện cơ chế sandbox- cho phép những bên triển khai số hoá y tế có được những cơ chế riêng, ràng buộc riêng để triển khai những trải nghiệm, công cụ mới tới người bệnh mà vẫn đảm bảo được an toàn", đại diện Med247 nhấn mạnh.
Đối với eDoctor, ông Thọ cho rằng, tư vấn sức khỏe phải dựa trên dữ liệu, kế hoạch sắp tới sẽ bám sát định hướng đó, để mỗi cuộc tư vấn thật sự tạo ra giá trị cho người sử dụng, bác sĩ có nhiều thông tin về bệnh nhân hơn, thông qua việc ứng dụng công nghệ. Từ đó, eDoctor sẽ trở thành ứng dụng giúp bất cứ người Việt nào cũng có thể tự quản lý và chăm sóc tình trạnh sức khỏe của bản thân.
Cuối cùng, eDoctor kiến nghị cơ quan quản lý cần tham gia thiết kế và hoàn thiện sớm hành lang pháp lý, tạo điều kiện tốt nhất cho dịch vụ mới, chẳng hạn như các cơ sở pháp lý của hồ sơ sức khỏe điện tử, quyền riêng tư, bảo mật và an ninh thông tin, luân chuyển thông tin sức khỏe, công nhận hồ sơ sức khỏe điện tử giữa các cơ sở dịch vụ...