Bloomberg: Không sản xuất ở Trung Quốc sẽ là xu hướng mới của ngành công nghệ, các công ty thích Việt Nam vì gần Trung Quốc
Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 16:31, 01/04/2020
3 năm trước, Made-in-China là ký hiệu thường thấy nhất trên các loại hàng hóa. Điều đó đã thay đổi căn bản trong kỷ nguyên của cuộc chiến thương mại và Covid-19.
Thực tế, các nhà sản xuất thiết bị điện tử trên thế giới đang tích cực tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ và giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào, bất kể quốc gia đó có nhiều sức hấp dẫn đến đâu.
Chưa bao giờ có quá nhiều khó khăn bủa vây các nhà cung cấp như thời điểm hiện tại. Và không có gì lạ, bởi thế giới đang phải đối mặt với một số cú sốc cung và cả sốc cầu lớn nhất đối với sản xuất, kể từ khi các nhà sản xuất Đài Loan - chịu trách nhiệm lắp ráp phần lớn các thiết bị của thế giới - bắt đầu sản xuất hàng loạt cho Trung Quốc 30 năm trước.
Xu hướng mới nhất bắt đầu từ cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc. Cuộc chiến này đã đạt đến đỉnh điểm vào năm ngoái. Giờ đây, đại dịch Covid-19 đã nhanh chóng đẩy nhanh các kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thúc đẩy lãnh đạo các công ty tuyên bố thẳng những dự định di dời của họ.
Ngày nay, nhiều cuộc trò chuyện với các giám đốc công nghệ Đài Loan xoay quanh việc chọn vị trí nào bên ngoài Trung Quốc đại lục là tốt nhất để sản xuất. Họ thích Việt Nam vì sự gần gũi với Trung Quốc, mặc dù chi phí lao động đang tăng lên nhưng vẫn tốt hơn Trung Quốc giờ bị cho là quá đắt.
Các nhà phân tích đang khảo sát các công ty về các kế hoạch thay đổi sự lan rộng về mặt địa lý của các cơ sở, nhằm tránh thuế của Mỹ đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống của ngài Donald Trump, các giám đốc điều hành đã từ chối trả lời những câu hỏi như vậy, vì họ không muốn chọc giận chính quyền Bắc Kinh. Nhưng gần đây họ công khai cung cấp chi tiết việc rời Trung Quốc. Không ai muốn bị coi là tụt hậu trong việc phòng ngừa rủi ro.
Simon Lin, chủ tịch công ty lắp ráp iPhone Wistron Corp, thậm chí còn táo bạo nói với các nhà phân tích tuần trước rằng công ty của ông có thể sẽ cơ cấu lại 50% công suất bên ngoài Trung Quốc vào năm 2021. Hai nhà lắp ráp khác của Đài Loan cũng công bố kế hoạch tiếp theo để tăng cường năng lực sản xuất ngoài Trung Quốc trong 7 ngày qua.
Covid-19 đang đẩy nhanh những động thái như vậy. Eric Tseng, giám đốc điều hành của Nghiên cứu Isaiah có trụ sở tại Đài Bắc, cho biết một số công ty đã không thể đưa ra bất kỳ quyết định lớn nào về chuỗi cung ứng, chờ xem liệu có bất kỳ giải pháp lâu dài nào đối với hoạt động thương mại Washington-Bắc Kinh không. Tuy nhiên, Covid-19 gây nguy hiểm đến tính mạng của nhiều doanh nghiệp. Bây giờ rất nhiều công ty sẽ đẩy nhanh dự định ra đi của họ.
Sẽ không dễ dàng để thay thể mạng lưới phức tạp các nhà cung cấp, công nhân có tay nghề, hệ thống phân phối hiệu quả và thị trường tiêu dùng nội địa lớn mà Trung Quốc cung cấp. Chính quyền Trung Quốc cũng đang góp phần níu chân các nhà sản xuất ở lại.
Tại Trịnh Châu, nơi có tổ hợp siêu lớn "Thành phố iPhone", chính quyền địa phương đã chỉ định các quan chức đặc biệt để giúp đối tác của Apple Inc. Foxconn giải quyết các vấn đề liên quan đến hậu cần và thiếu lao động do Covid-19 gây ra.
Apple cũng cho biết họ không muốn thực hiện bất kỳ động thái nào của việc rời khỏi Trung Quốc vì những gián đoạn liên quan đến virus trong tương lai gần. Giám đốc điều hành Tim Cook nói về việc điều chỉnh một số yếu tố, không phải là hàng loạt thay đổi cơ bản.
Tuy nhiên, Foxconn đã bắt đầu tung ra những chiếc iPhone ở Ấn Độ từ năm ngoái, một động thái dường như cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của Apple nhằm tăng cường sự hiện diện của nó tại Ấn Độ - thị trường điện thoại thông minh lớn nhất thế giới sau Trung Quốc. Bất kể họ chọn Ấn Độ, Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào khác - rõ ràng các nhà sản xuất thiết bị điện tử đã không thể quay đầu trong quá trình di dời khỏi Trung Quốc.