Ngành may mặc châu Á điêu đứng vì Covid-19: Cung nhiều hơn cầu, người lao động rơi vào tình cảnh khốn đốn
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 15:22, 31/03/2020
Ngành công nghiệp may mặc đang chứng kiến sự suy giảm chưa từng có về nhu cầu do khủng hoảng kinh tế khi dịch Covid-19 lây lan trên diện rộng. Điều này đã khiến ngành công nghiệp may mặc châu Á rơi vào tình trạng khốn đốn.
Nhiều cửa hàng đã đóng cửa trong khi các thương hiệu và nhà bán lẻ rơi vào tình trạng thừa cung thiếu cầu. Họ lo sợ tình trạng tồn đọng các sản phẩm không bán được nên nhiều nơi đã lựa chọn việc hủy đơn hàng mới hoặc trì hoãn các lô hàng, ông Stanley Szeto, chủ tịch điều hành của Lever Style, một nhà sản xuất hàng may mặc có trụ sở tại Hồng Kông cho biết.
Châu Á là trung tâm sản xuất hàng may mặc và khi tình trạng suy giảm xảy ra giữa dịch bệnh thì có khả năng gây ra các vấn đề tiêu cực xã hội ở các quốc gia như Bangladesh, Campuchia và Trung Quốc, những nơi phụ thuộc vào nền kinh tế xuất khẩu, Szeto nói với CNBC vào cuối tuần qua.
Rất nhiều nhà máy ở châu Á rơi vào tình trạng đơn hàng cạn kiệt trong vài tuần. Bangladesh là một ví du điển hình khi ngành công nghiệp may mặc trị giá 2,6 tỷ đô la của họ bị sụt giảm. Quốc gia này là nhà xuất khẩu quần áo lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, theo cơ quan xếp hạng Moody.
Có hơn 4.600 nhà máy may mặc ở Bangladesh sản xuất áo sơ mi, áo phông, áo khoác, áo len và quần dài. Quần áo chủ yếu được vận chuyển đến châu Âu, Hoa Kỳ và Canada, được phân phối bởi các nhà bán lẻ địa phương ở các quốc gia đó. Rubana Huq, chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh cho biết: "Rất khó đối phó với tất cả các trường hợp khẩn cấp vì chúng tôi phải đối mặt với việc bị hủy bỏ hàng ngày".
Theo Rubana Huq, hàng may mặc chiếm 84,21% tổng kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh trị giá 40,5 tỷ USD trong năm 2018 -2019. Bà Huq cho hay chắc chắn trong thời gian sắp tới ngành công nghiệp của đất nước sẽ còn điêu đứng.
"Chúng tôi gửi hàng hóa xuất khẩu và sau đó chúng tôi được trả tiền. Nếu chúng tôi không được trả tiền, chúng tôi không thể trả lương cho công nhân. Vì vậy thật khó cho chúng tôi. Điều lo lắng của tôi là, điều gì sẽ xảy ra với 4,1 triệu người lao động đang tham gia vào lĩnh vực may mặc và chúng tôi không thể chăm sóc họ đúng cách", bà Huq nói.
Người phụ nữ này đang kêu gọi các đối tác của mình trả lương và nhận hàng đã được sản xuất. "Chúng tôi muốn công nhân được trả lương, chúng tôi muốn họ được an toàn. Do vậy, chúng tôi cần các đối tác phản ứng nhanh chóng hơn", bà Huq nói thêm.
Nhu cầu may mặc giảm mạnh khi virus corona, khởi phát từ Trung Quốc đã lan nhanh trên toàn cầu, gây ra sự gián đoạn giữa cung và cầu trên thế giới. Các nhà máy ở Trung Quốc đã ngừng hoạt động trong thời gian dài suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, làm gián đoạn việc cung cấp cho các nơi khác trên thế giới. Ngay cả khi bây giờ nhiều nhà máy Trung Quốc hoạt động lại thì mối quan tâm khác đó là nhu cầu.
"Một tháng trước, chúng ta đã nói về sự gián đoạn chuỗi cung ứng nhưng ngay bây giờ, mọi người đã quên mất điều này. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã nhường chỗ cho sự suy giảm về nhu cầu", ông Szeto nói. Ngay bây giờ, có quá nhiều nơi sản xuất nhưng lại không có nhiều nhu cầu.