Bộ trưởng TT&TT kiến nghị cho nhân viên làm ở nhà, bác sỹ khám online
Make in Viet Nam - Ngày đăng : 14:29, 30/03/2020
Tại cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với 5 thành phố trực thuộc TƯ về công tác phòng chống dịch Covid-19 hôm nay, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay BV Bạch Mai có 39.000 bệnh nhân cả nội trú, ngoại trú và 16.000 nhân viên, người phục vụ, tất cả là 45.000 người.
"Nếu tìm được số di động thì sẽ dễ dàng liên lạc được với những người tiếp xúc gần với các ca nhiễm. Các BV khi khám chữa bệnh cố gắng ghi lại số di động, đến khi cần thiết có thể tìm được", Bộ trưởng nói.
Đủ công nghệ để làm việc tại nhà hiệu quả
Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, Bộ trưởng TT&TT kiến nghị cho cán bộ, nhân viên làm việc tại nhà để hạn chế tập trung đông người.
"Chúng ta đủ công nghệ họp trực tuyến đến từng người để làm việc tại nhà hiệu quả", ông khẳng định.
Theo Bộ trưởng, để đảm bảo hoạt động của các BV, nên tăng cường ứng dụng khám bệnh từ xa. Hiện nay Việt Nam đang có phần mềm cho phép hơn 70% bệnh có thể khám từ xa, kết hợp với camera.
"Tôi đề nghị Bộ Y tế cân nhắc việc này, ngành TT&TT sẽ giúp trong quá trình thực hiện rất nhanh", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Ông cho rằng, trong tình hình hiện nay nên chuyển sang phương thức quản lý online, nhiều hoạt động có thể thực hiện online để hạn chế đi lại, tránh tiếp xúc đông người.
"Bộ TT&TT lần đầu tiên tiến hành thanh tra Sở TT&TT qua mạng, chúng tôi kết nối với Sở thực hiện từ xa", Bộ trưởng dẫn chứng.
Hiện nay TƯ và địa phương đã áp dụng nhiều phần mềm hiệu quả. Bộ TT&TT và Bộ Y tế sẽ công bố các phần mềm này, ví dụ phần mềm thông báo ai đã tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19...
Về hạ tầng viễn thông hỗ trợ chống dịch Covid-19, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các nhà mạng đầu tư để khi làm việc trực tuyến không bị nghẽn mạng.
Mạng xã hội cơ bản đồng lòng chống dịch
Về công tác thông tin tuyên truyền, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, lượng thông tin hàng ngày về tình hình dịch bệnh rất lớn, khoảng 7.000 tin trên báo chí và 80.000 tin trên mạng xã hội.
Có 30 triệu người đọc báo và 150 triệu người đọc mạng xã hội mỗi ngày. Các phương tiện đến được với nhiều người và nhanh là truyền hình, tin nhắn, loa phường, mạng xã hội (chiếm 80% dân số). Đặc biệt, việc nhắn tin vừa qua cũng rất hiệu quả, nhanh, rõ ràng, đến từng người.
"Dịch Covid-19 lần này chúng ta kiểm soát tốt mạng xã hội, mạng xã hội cơ bản đồng lòng chống dịch. Báo chí vẫn là kênh có lượng người đọc nhiều, tin sâu, bám sát chỉ đạo của Chính phủ", Bộ trưởng nói.
Thời gian qua, Bộ TT&TT đã chỉ đạo chuyển hướng truyền thông, viết nhiều hơn về các biện pháp phòng, chống dịch, các hoạt động kinh tế - xã hội, đẩy mạnh truyền thông về tinh thần tương thân tương ái trong giai đoạn khó khăn, như nhiều chủ nhà miễn tiền thuê nhà tháng 4, tháng 5 cho bà con từ các tỉnh về thành phố làm ăn...
"Hiệu quả truyền thông vừa qua làm rất tốt. Việc thống nhất, xuyên suốt tin gốc từ chính quyền là hết sức quan trọng", Bộ trưởng đánh giá.
Ông cho rằng, việc công bố các ca nhiễm virus corona trên toàn quốc nên mỗi ngày 2 lần và thống nhất từ một nguồn là Bộ Y tế, sau này nhiều ca bệnh có thể công bố 1 ngày 3 lần.
Biểu dương các cơ quan truyền thông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá thời gian vừa rồi các cơ quan đã làm tốt, bây giờ cần làm tốt hơn.
"Sự nhân ái trong xã hội đã được nhân lên thì giờ đây cần được thông tin nhiều hơn. Chẳng hạn như một cụ bà gần 80 tuổi ủng hộ 1 triệu đồng phòng chống dịch, có em bé ủng hộ cả tiền mừng tuổi, có người góp 125 tỷ, 20 tỷ", Thủ tướng nhấn mạnh.