Nhu cầu sử dụng ví điện tử của người Việt tăng cao
Kinh tế số - Ngày đăng : 15:22, 27/03/2020
Một người dùng ví điện tử tại Việt Nam thực hiện 1,6 đến 2 giao dịch trên các nền tảng kỹ thuật số mỗi ngày, với mức chi tiêu trung bình là 230.000 - 274.000 đồng (10 – 12 USD) cho mỗi giao dịch, theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Cimigo tại Việt Nam.
Cimogo đã khảo sát 505 người dùng đã sử dụng ít nhất một ví điện tử ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, kết luận rằng Momo, Moca và ZaloPay là ba ví điện tử phổ biến nhất ở hai thành phố lớn của Việt Nam, chiếm hơn 90% thanh toán di động.
Công ty fintech Việt Nam Momo là một trong những công ty được rót vốn cao nhất ở châu Á, đã huy động được hơn 133 triệu USD kể từ khi thành lập năm 2013. Moca đã nổi lên sau khi hợp tác với Grab vào năm 2018. ZaloPay thuộc VNG, là công ty kỳ lân duy nhất của Việt Nam.
Ngoài ra, kết quả cũng thăm dò cho thấy ví điện tử chủ yếu được sử dụng cho các dịch vụ nạp tiền điện thoại di động (top-ups), chuyển tiền, cũng như thanh toán cho các hóa đơn tiện ích, giao hàng thực phẩm và thuê xe.
Đại diện Cimigo cho biết nhu cầu sử dụng ví điện tử ở Việt Nam vẫn rất cao, vì người tiêu dùng Việt Nam đã quen với sự tiện lợi của việc sử dụng ví điện tử để thanh toán các chi phí hàng ngày.
Việt Nam là một trong những nước ASEAN có khối lượng giao dịch không dùng tiền mặt thấp nhất. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đang thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Chẳng hạn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã khuyên mọi người nên hạn chế sử dụng tiền mặt và sử dụng các khoản thanh toán kỹ thuật số để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho 32 công ty cung cấp giải pháp thanh toán điện tử. Chính phủ đã đề ra một chiến lược tài chính quốc gia để tăng số lượng thanh toán không dùng tiền mặt lên 20 – 25% vào năm 2025.