“Lớp học số” lên ngôi

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 22:46, 20/03/2020

Không chỉ là giải pháp “chữa cháy giáo án”, dịch vụ giáo dục trực tuyến E-Learning đang mở rộng thị trường ngay trong đợt dịch Covid-19.

“Lớp học số” lên ngôi - Ảnh 1.

.

Ứng dụng học trực tuyến tăng trưởng vượt bậc

Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương cho học sinh, sinh viên nghỉ học. Kỳ nghỉ chống dịch kéo dài đã ảnh hưởng rất nhiều, khi mà các em học sinh chuẩn bị bước vào những kỳ thi quan trọng, đặc biệt là học sinh lớp 12.

Trường THPT Quang Trung (TP. Đà Nẵng) đã lựa chọn giải pháp đưa bài giảng và bài tập lên website của nhà trường rồi thông báo với các học sinh để tự học và làm bài tập. Thế nhưng, giải pháp này có nhược điểm là nhà trường không biết các em học sinh có học và làm bài tập hay không. THPT Quang Trung cũng là trường đầu tiên trên cả nước xây dựng bộ học liệu nên dung lượng rất lớn. Nhà trường cũng đã sử dụng Zalo, Facebook để kết nối các học sinh, nhưng có những bất cập, vì vậy đã chuyển sang dùng giải pháp VNPT E-learning của VNPT.

“Nhà trường thử giải pháp Vnedu Conet dành cho 661 học sinh và Vnedu Teacher dành cho 42 giáo viên. Với giải pháp này, giáo viên có thể giao bài và học sinh có thể làm bài tập ngay trên đó rồi chuyển lại cho giáo viên chấm. Phần mềm trên sẽ phân tách giáo viên và học sinh theo từng lớp học nên quản lý việc học và làm bài của học sinh rất tốt. Với hệ thống này, giáo viên có thể đưa các bài giảng điện tử của mình lên đây để các em học sinh học. Sau một thời gian ứng dụng, nhà trường thấy đây là giải pháp phù hợp cho cả giáo viên và học sinh; phía VNPT cũng hỗ trợ cho trường để vận hành tốt giải pháp này", ông Phạm Sỹ Liêm, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung cho biết.

Dịch Covid-19 mang lại hệ lụy rất lớn đối với kinh tế - xã hội, nhưng cũng trong dịch bệnh, E-learning đã chứng minh được sự ưu việt của mô hình đào tạo mới hiệu quả, giảm chi phí, mọi lúc mọi nơi. Đây cũng là cơ hội lớn để các doanh nghiệp công nghệ phổ cập người dùng, tạo thói quen sử dụng công nghệ trong dạy và học, nâng quy mô thị trường và giá trị sản phẩm.

Trường THPT Quang Trung chỉ là một trong 10.000 trường triển khai VNPT E-learning trong thời gian từ ngày 1/2/2020 đến nay. VNPT cho biết, từ khi các trường nghỉ học để phòng Covid-19, thì số lượng các trường đăng ký sử dụng VNPT E-Learning đã tăng rất mạnh. VNPT E-Learning được VNPT triển khai trên nền tảng công nghệ đám mây nên có thể triển khai nhanh và rộng trong thời gian rất ngắn. Việc khai báo và kích hoạt tài khoản chỉ mất khoảng 10-15 phút là đã có thể khởi tạo và xong cho 1 trường.

Theo ông Nguyễn Hồng Nghi, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục điện tử thuộc Công ty VNPT-IT, với VNPT E-learning, giáo viên có thể đưa các bài giảng của mình lên, cũng như đưa các video bài giảng hoặc live stream để dạy học online. Thầy cô giáo cũng có thể tương tác, giao và kiểm tra bài tập rất thuận tiện cho học sinh. VNPT sẽ hỗ trợ miễn phí 1 năm cho các trường.

Tương tự, trong 1 tháng, mạng xã hội học tập ViettelStudy đã tăng trưởng rất lớn, lượng truy cập hệ thống đạt 41 triệu. Đến nay, ViettelStudy đã triển khai tại gần 26.000 trường với gần 29.000 bài học được tạo mới, trong đó có bài học lên đến gần 10.000 người học với hơn 120.000 lượt học.

Theo đại diện Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, có được điều này là do Viettel đã miễn phí cước data cho các thầy cô giáo và học sinh khi truy cập vào mạng xã hội học tập ViettelStudy thông qua SIM 3G/4G Viettel để dạy và học trực tuyến. Các thầy cô cũng có thể tạo những bài giảng miễn phí trên hệ thống, tổ chức các lớp học tương tác trực tuyến thông qua tính năng tích hợp cùng phần mềm Zoom - ứng dụng hỗ trợ học trực tuyến hàng đầu thế giới để truyền đạt kiến thức cho học sinh.

Cơ hội vàng để phát triển E-learning

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng để phát triển E-Learning, bởi có hơn 60% dân số sử dụng Internet, người dùng chủ yếu là giới trẻ với nhu cầu học tập cao, chi tiêu cho giáo dục chiếm 5,8% GDP.

“Thị trường giáo dục - đào tạo trực tuyến đang rất tiềm năng với quy mô lớn, tốc độ tăng trưởng doanh thu hơn 40% mỗi năm. Ước tính, quy mô thị trường EdTech Việt Nam không dưới 2 tỷ USD”, ông Nguyễn Thành Nam, sáng lập Đại học trực tuyến FPT (FUNiX) cho biết.

Với dân số gần 100 triệu người, trong đó khoảng 18 triệu học sinh phổ thông có khả năng thích nghi, học hỏi công nghệ nhạy bén cùng với chất lượng Internet và hạ tầng công nghệ thông tin khá tốt, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển các mô hình giáo dục trực tuyến. Bên cạnh đó, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ trong việc đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy và học tập.

“Để phổ biến áp dụng hình thức học E-learning, đòi hỏi cơ sở hạ tầng và sự đầu tư khá lớn. Đa phần các trường không tự làm được, vì vậy, xã hội hóa, liên kết với các doanh nghiệp công nghệ là hướng đi đúng đắn”, TS. Dương Thăng Long, Phó hiệu trưởng Đại học Mở Hà Nội nêu quan điểm.

Hữu Tuấn