Cuốn sách cảm động về thân phận cô dâu Việt xứ Hàn
Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 15:56, 20/03/2020
Sương là một cô gái Việt khỏe mạnh, xinh xắn và mơ mộng, thích xem phim Hàn, luôn mơ về một cuộc sống tốt đẹp với cuộc hôn nhân hạnh phúc bên người chồng Hàn Quốc.
Bỏ lại sau lưng một mái tranh nghèo bên dòng Cửu Long cùng với ông bà nội già cả và chàng trai hàng xóm tên Quốc thầm thương trộm nhớ cô đã lâu, Sương theo bà mai lên thành phố và được chọn trở thành vợ của người chồng Hàn Quốc nhiều gấp đôi tuổi mình.
Thế nhưng ngay từ khi bước xuống sân bay, Sương đã thất vọng vì cuộc sống thực tế chẳng giống chút nào trong mường tượng của cô. Nhà chồng cô ở một vùng núi heo hút, nghèo khổ, chưa hết cô lại bị mẹ chồng hành hạ, ngược đãi vì mãi cô vẫn chưa mang bầu, trong khi người chồng chỉ thờ ơ đứng nhìn. Ngôi làng Sương sống là một xã hội thu nhỏ, nơi mà nhất cử nhất động của cô đều bị soi xét, để ý.
Một đêm nọ, ngôi nhà cùng trại nấm của chồng Sương bị cháy lúc chồng Sương đang đi bán nấm ở thành phố còn cô đang trú ngụ ở nhà bà lão hàng xóm có người con trai bị câm để tránh cơn bạo hành của mẹ chồng. Không may, mẹ chồng Sương bị thiệt mạng trong đám cháy và toàn bộ gia sản bị ngọn lửa thiêu rụi.
Chồng Sương mất tất cả sau một đêm, trở nên quẫn chí và nghi ngờ Sương đã gây ra đám cháy nên đã bạo hành, giày vò cô hằng đêm để vơi đi những uất ức. Sương nhẫn nhịn chịu đựng và làm bất kỳ việc gì có thể làm để kiếm tiền và lương thực nuôi gã chồng chỉ biết say xỉn tối ngày và đánh đập cô mỗi đêm…
Jang – một giảng viên đại học kiêm nhà phê bình văn học sau khi chia tay người vợ đầu cùng đứa con tự kỷ đã kết hôn với cô nhà văn xinh đẹp Lee Ryung. Cả hai chuyển đến ngôi làng nơi Sương đang sống, cũng là nơi Jang đã xây một ngôi nhà cho riêng Lee Ryung.
Tuy nhiên, vào một ngày nọ, biến cố đã xảy ra. Lee Ryung cố gắng chạy trốn khỏi một người đàn ông thần kinh vào tận trong rừng. Cô bị thương và phải trải qua một cuộc phẫu thuật não. Kể từ đó, Lee Ryung bị mất trí nhớ và cả khả năng ngôn ngữ của mình. Cô bắt đầu trốn mình trong căn gác xép, cách ly với thế giới bên ngoài. Jang phải ở bên chăm sóc cô.
Người duy nhất đến thăm ngôi nhà màu trắng của họ chính là Sương - người giúp việc theo giờ mà Jang thuê đến dọn dẹp, nấu ăn, giặt giũ... Dù không giỏi nói tiếng Hàn nhưng Sương lại rất giỏi nấu các món ăn Hàn Quốc. Lee Ryung bị hấp dẫn bởi khả năng nấu nướng của Sương và rời khỏi căn gác xép. Jang - người cũng đã quá mệt mỏi với việc chăm sóc Lee Ryung cũng bắt đầu nảy sinh tình cảm với Sương…
Chồng Sương vẫn say mèm mỗi ngày và lòng căm thù người giàu - vợ chồng Jang - ngày càng lớn. Chồng Sương quyết tâm trả thù họ bằng cách đốt ngôi nhà trắng trong đêm Jang đang phải túc trực bên người bố đang hấp hối ở bệnh viện trên thành phố và khiến Lee Ryung bị chết ngạt trong đám cháy. Chồng Sương đổ tội đốt nhà cho Sương và cô bị cảnh sát bắt và kết tội trong sự phẫn nộ, nguyền rủa của cả dân làng trừ người đàn ông câm hiểu rõ mọi chuyện mà không thể cứu cô…
"Chuyện đời Sương" là hành trình làm quen và hòa nhập với cuộc sống của một cô dâu Việt ở Hàn Quốc. Dù không phải một đề tài mới nhưng cuốn sách được viết theo một cách rất đặc biệt, đặt nhân vật vào các tình huống thử thách và để nhân vật tự xử lí và giải quyết những rắc rối của mình mới là điểm thu hút lớn nhất của tác phẩm, khiến người đọc càng thêm tò mò về diễn biến theo từng trang sách.
Trong cuốn tiểu thuyết bán chạy (bestseller) này, không chỉ có chuyện đời éo le của Sương bên người chồng “ký sinh trùng” tàn ác, mà còn có chuyện đời nhiều màu nhiều vẻ của Jang - một nhà văn đồng thời là một giảng viên đại học cùng cô vợ thứ hai cũng là một nhà văn đang nổi có lối sống khá lập dị Lee Ryung.
Sương rất tội nghiệp nhưng cô không đáng thương mà rất dễ thương - cô chiếm được cảm tình của bất cứ ai gặp cô. Cuộc đời Sương chất chồng bi kịch nhưng cô luôn lạc quan và nỗ lực không ngừng để vươn lên. Chuyện đời Sương khá nhiều mảng tối nhưng cũng luôn le lói những vệt sáng ấm áp của những người yêu mến và trân trọng nàng dâu Việt trên đất Hàn này…
Tác giả cuốn tiểu thuyết Suh Song Nan, tốt nghiệp ngành Ngữ Văn, Đại học Seokyeong, hoàn thành học vị tiến sĩ khoa Sáng tác Nghệ thuật trường Đại học Chungang. Năm 1996, bà đăng đàn và nhận giải thưởng cây viết trẻ với tiểu thuyết "Hòa bình của bà".
Năm 2013, bà được nhận giải thưởng Quỹ sáng tác Aruko, đồng thời được Ủy ban Văn hóa Nghệ thuật Hàn Quốc chọn cử sang Ấn Độ trong dự án Điểm văn hóa ở hải ngoại. Bà quan tâm nhiều đến phụ nữ Việt Nam, đã từng sống ở Việt Nam; luận văn tiến sĩ của bà là đề tài phụ nữ kết hôn với người Hàn Quốc. Ngoài tiểu thuyết "Chuyện đời Sương" thì tác phẩm "Ớt chuông" của bà cũng viết về đề tài cuộc sống của cô dâu Việt lấy chồng và sinh sống ở Hàn Quốc.