Nhà báo Italy chia sẻ về COVID-19: Tình hình ở Italy thực sự nghiêm trọng, nhưng “chúng tôi vẫn may mắn”
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 16:17, 11/03/2020
Ngày 10/3, chính phủ Italy đã quyết định ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm phổi cấp (COVID-19); sau khi dịch bệnh này tiếp tục diễn biến phức tạp và số ca nhiễm mới liên tục tăng mạnh trong những ngày gần đây.
Tính đến 15h ngày 11/3, số ca nhiễm COVID-19 tại Italy đã vượt con số 10.100 người; số ca tử vong tăng lên 631 người. Theo ghi nhận của phóng viên địa phương, các thành phố vốn đông đúc và nhộn nhịp như Rome, Milan và Venice đã trở thành những "thành phố ma" sau khi lệnh phong tỏa được ban bố.
CNN đã liên hệ với nhà báo Italy Beniamino Pagliaro của tờ la Repubblica để hiểu thêm về tình hình tại Italy sau người dân nước bắt đầu phải làm quen với một thực tại mới, khi hàng loạt các lệnh giới nghiêm, hạn chế đi lại và giữ khoảng cách với người khác ở nơi công cộng.
Sau đây là nội dung của cuộc trao đổi nói trên (lược dịch):
Nhà báo Italy Beniamino Pagliaro. Nguồn: CNN
CNN: Anh có thể miêu tả đôi chút về tình hình trên các tuyến phố trong thời điểm hiện tại?
Beniamino Pagliaro (BP): Tôi sống ở Rome, và đường phố ở đây hầu như không còn xe cộ hay người qua lại. Nhiều người biết đến Rome vì tình trạng tắc đường thường nhật, nhưng hiện tại thì các đường phố đều vắng lặng và có rất ít xe cộ.
Giống như hầu hết các công ty khác, đa phần nhân viên của Repubblica đều làm việc tại nhà. Nhiều đồng nghiệp của tôi còn phải trông con vì các trường học đã đóng cửa. Tất nhiên lý do sức khỏe vẫn được đặt lên hàng đầu, nhưng thực tế là họ cũng không còn nơi nào để gửi con cái cả.
Nơi tôi sống là Trastevere, và ở đây người ta hay nói đùa rằng cứ 2 người thì có 1 người là du khách. Vào ngày thường, bạn sẽ gặp rất nhiều người nói tiếng Anh hoặc tiếng Nga. Còn những ngày này, thì bạn sẽ chẳng gặp du khách nào ở đây hết.
Tuần trước, tôi đã tới Milan, và tôi đã có cảm giác rằng thành phố này không khác gì bị phong tỏa. Các nhà hàng đều vắng bóng thực khách.
Các bạn đừng hiểu lầm, cá nhân tôi vẫn tin rằng quyết định [phong tỏa toàn quốc] của chính phủ là điều đúng đắn.
CNN: Người dân Italy phản ứng ra sao trước các biện pháp phòng dịch của chính phủ?
BP: Mọi người đều lắng nghe. Nếu bạn được tận mắt chứng kiến những thành phố ở Italy trở nên vắng lặng hơn, thì bạn sẽ hiểu rằng tình hình đã thay dổi.
Hầu hết mọi người đều cố gắng hủy các chuyến đi. Nhiều người bạn của tôi cũng hủy các chuyến về thăm nhà. Tôi cũng có một số người bạn sống ở Rome và Milan thường xuyên về với gia đình, nhưng cha mẹ họ đều đã có tuổi, nên họ đã quyết định không về nhà nữa, bởi người già là đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.
Mọi người trao đổi rất nhiều trên mạng xã hội; họ chia sẻ về nhiều chủ đề như sách, phim hay chương trình truyền hình.
Hầu hết mọi người đều ở nhà cùng con cái. Các phòng gym đóng cửa thì họ có thể ra ngoài chạy bộ, và một số người tổ chức họp mặt trong nhóm nhỏ.
Một điều khiến tôi thấy không vui là khi Thủ tướng Giuseppe Conte tuyên bố lệnh phong tỏa toàn quốc, khiến mọi nơi đều trở nên giống Lombardy, một số người đã trở nên hoảng loạn, và đã có hàng trăm người đổ xô đến các siêu thị ngay trong đêm để mua đồ tích trữ. Tôi e là vẫn có nhiều người suy nghĩ quá cảm tính trong vấn đề này.
Nhưng tình trạng đó không chỉ diễn ra ở Italy, mà còn ở nhiều thành phố lớn như London, Berlin và New York.
CNN: Anh có suy nghĩ gì về tình hiện tại ở Italy, so sánh với các quốc gia khác trên thế giới?
BP: Tình hình thực sự nghiêm trọng. Trong bài viết sáng nay, tôi đã miêu tả rằng tình hình thực sự đáng lo ngại và đáng sợ đối với tôi. Tôi nghĩ rằng hầu hết các thành phố trên thế giới đều chưa nhận thức được rằng chúng ta cần có một sự thay đổi sâu sắc đến mức nào.
Tôi đã đọc các bài viết về tình hình ở Anh và Mỹ, điều họ đang làm ở thời điểm hiện tại chính là điều chúng tôi (Italy) từng làm từ 2 tuần trước. Mô-típ rất rõ ràng: bạn chối bỏ, vì bạn nghĩ mình có thể hành động theo hướng khác, nhưng sau đó các nhà khoa học và sự thật chứng minh cho chúng ta rằng chỉ có duy nhất một con đường là kiềm chế virus - chúng ta không thể khiến nó ngừng lại, nhưng kiềm chế virus sẽ bớt đi những vấn đề phiền não cho các bệnh viện địa phương.
Ở Italy, chúng tôi vẫn may mắn vì dịch bệnh bùng phát ở nơi có nhiều bệnh viện như Milan, bởi nếu loại virus này bùng phát ở miền Nam nước Ý, thì tình hình có thể sẽ rắc rối hơn nhiều.
Tôi biết rằng nhiều khu vực ở Anh và Mỹ cũng không có cơ sở vật chất tốt [để đối phó với dịch bệnh]. Đặc biệt, ở Mỹ còn có thêm vấn đề về chi phí y tế đắt đỏ nữa.
Đường phố Italy vắng bóng người. Nguồn: CNN
CNN: Anh có suy nghĩ gì trong thời điểm hiện tại?
BP: Tình hình hiện tại khá khó khăn, nhưng nó sẽ là sức ép để khiến mọi người làm điều đúng đắn.
Tất nhiên việc trì hoãn các sự kiện hay các chuyến du lịch sẽ khiến mọi người thấy buồn bực, nhưng dịch bệnh lây lan cũng có mặt tốt, đó là mọi người sẽ thấu hiểu rằng trước đây chúng ta thường chỉ nghĩ cho bản thân, nhưng khi dịch bệnh hoành hành, thì rõ ràng chúng ta không thể chỉ nghĩ cho riêng mình, mà phải suy nghĩ cho cả xã hội.
Những phong trào trong vài năm gần đây hầu hết đều là về mong muốn của cá nhân; ví dụ như việc người Anh muốn rời đi hay ở lại (EU). Thế nhưng, trên thế giới này, rõ ràng chúng ta không thể chỉ dựa vào bản thân, chỉ sống cho riêng mình, mà chúng ta còn có nhau.