Bài toán phát triển kỹ năng tại Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan

Diễn đàn - Ngày đăng : 09:12, 10/03/2020

Số hóa đã và đang có tác động sâu rộng đến tất cả các nền kinh tế và xã hội trên toàn thế giới.

Các công nghệ chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo đã khiến nhu cầu về chuyên gia công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) tăng cao, trong cả lĩnh vực ICT cũng như các lĩnh vực khác của nền kinh tế số hiện nay.

Dự kiến thị trường lao động tại Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi sự tăng trưởng và phát triển của lĩnh vực ICT toàn cầu cũng như các xu hướng tại thị trường nội địa của mình.

Tuy nhiên, do sự không phù hợp về kỹ năng của sinh viên mới tốt nghiệp với các yêu cầu công việc trong thị trường lao động ICT cũng như thiếu các chuyên gia ICT có trình độ cao từ thạc sĩ trở lên, cả ba quốc gia đang ngày càng rơi vào tình trạng thiếu hụt các chuyên gia ICT cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế số phát triển.

Đào tạo và các kỹ năng

Thực tế cho thấy đội ngũ lao động là những sinh viên mới tốt nghiệp ra trường thường thiếu các kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng mềm cần thiết để đáp ứng yêu cầu của ngành ICT. Đại diện cho người lao động tại cả ba quốc gia này đều bày tỏ lo ngại về việc thiếu khả năng tiếp cận đào tạo và nâng cao những kỹ năng kỹ thuật nhất định.

Bộ kỹ năng đòi hỏi đối với các chuyên gia ICT sẽ mở rộng và/hoặc thay đổi khi quá trình số hóa tiếp tục, đồng thời nhu cầu về các kỹ năng mềm như tư duy phản biện và kỹ năng phân tích cũng như các kỹ năng liên ngành trở nên quan trọng hơn và được yêu cầu nhiều hơn.

Ví dụ, tại Ấn Độ, Liên đoàn các Phòng thương mại và Công nghiệp Ấn Độ(FICCI) ước tính khoảng 60% - 70% lực lượng lao động ICT hiện tại trong các lĩnh vực như công nghệ sinh học, công nghệ nano và các công nghệ thông minh sẽ cần được đào tạo lại.

Do các yêu cầu về kỹ năng trong lĩnh vực ICT thay đổi nhanh chóng cũng như sự thiếu hụt kỹ năng như đề cập ở trên, điều quan trọng là các quốc gia này cần phải xây dựng các chiến lược phát triển kỹ năng phù hợp.

Khi quá trình số hóa tiếp tục, các kỹ năng ICT sẽ trở nên phổ biến. Để có được nền tảng kỹ năng cần thiết cho tương lai, giáo dục ở tất cả các cấp cần phải được hiện đại hóa. Các trường học cần trang bị cho những người trẻ tuổi các kỹ năng đọc, viết và kỹ thuật số cũng như các kỹ năng mềm như tư duy logic, sáng tạo và kỹ năng giao tiếp.

Những thách thức đối với hệ thống giáo dục

Những nguyên nhân dẫn tới sự thiếu hụt kỹ năng và khoảng cách kỹ năng ở cả ba quốc gia bao gồm: Các xu hướng công nghệ thay đổi; Phương pháp giảng dạy tại tất cả các cấp giáo dục không tạo điều kiện cho phép học sinh, sinh viên phát triển đầy đủ các kỹ năng mềm; Thiếu giáo viên được đào tạo cho các khóa học về ICT; Thiếu cơ sở hạ tầng hỗ trợ ICT ở nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa (đặc biệt trong trường hợp của Ấn Độ); Thiếu sự phối hợp giữa tất cả các chủ thể chính trong thị trường lao động, bao gồm bộ lao động, các tổ chức, doanh nghiệp, chủ lao động, người lao động cũng như các tổ chức giáo dục/đào tạo.

Mặt khác, không có khả năng thích ứng và cải tổ nhanh chương trình giảng dạy với những thay đổi công nghệ cũng là một nguyên nhân dẫn đến vấn đề này.

Các chính sách thúc đẩy phát triển kỹ năng

Với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, nhu cầu đào tạo và phát triển các bộ kỹ năng mới ngày càng tăng, bao gồm cả kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng mềm.

Đào tạo tại công ty là cần thiết để thu hẹp khoảng cách kỹ năng được dạy tại các học viện và viện đào tạo và giáo dục kỹ thuật và dạy nghề (TVET- Technical and vocational education and training) với các kỹ năng cần thiết tại nơi làm việc.

Chính phủ cả 3 nước Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan đều quyết tâm cải thiện hệ thống TVET để nâng cao cơ hội việc làm, đồng thời giải quyết tình trạng thiếu hụt kỹ năng của lực lượng lao động đang phát triển, chủ yếu gồm những người trẻ tuổi.

Nhiều bộ ngành, cơ quan chính phủ và các bên liên quan đang tích cực hành động để tăng cường giáo dục và đào tạo về ICT trong ba lĩnh vực chính:

  • Cải thiện hợp tác giữa chính phủ, các tổ chức giáo dục và doanh nghiệp;
  • Cải thiện mối liên hệ giữa giáo dục lý thuyết và đào tạo tại nơi làm việc;
  • Phát triển các tiêu chuẩn nghề nghiệp.

Kết nối các chính sách giáo dục và đào tạo của chính phủ với nhu cầu của ngành đóng vai trò rất quan trọng đối với người lao động trong lĩnh vực ICT hiện tại và những người muốn thay đổi công việc. Do nhu cầu đào tạo lại và nâng cao kỹ năng là liên tục nên các trường đại học và các học viện TVET cần không ngừng xây dựng và cung cấp các khóa học đào tạo phù hợp.

Khuyến khích phụ nữ tham gia

Khoảng 1/3 nhân viên trong lĩnh vực ICT tại Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan là nữ giới. Tuy nhiên, nữ giới ở cả 3 quốc gia này có nhiều bất lợi trong phát triển nghề nghiệp. Điều đó cho thấy nữ giới là tài năng chưa được sử dụng đúng mức trong lực lượng lao động ICT và là nguồn cung cấp chuyên gia ICT tiềm năng trong tương lai.

Ngoài ra, các chính sách phát triển kỹ năng cần chú trọng đến việc đảm bảo khuyến khích nữ giới theo đuổi giáo dục trong lĩnh vực STEM và các lĩnh vực liên quan đến ICT khác như một biện pháp để tăng cường sự tham gia của nữ giới trong các ngành ICT.

Xây dựng các tiêu chuẩn nghề nghiệp

Thiết lập các tiêu chuẩn trình độ chung là điều cần thiết để tăng cường tính minh bạch và đảm bảo chất lượng trình độ nguồn nhân lực. Các tiêu chuẩn sẽ tạo ra điểm chuẩn để công nhận kết quả đào tạo cũng như các chứng nhận khóa học là một phần quan trọng của quy trình này.

Tất cả 3 quốc gia đã thực hiện các bước để thiết lập các tiêu chuẩn nghề nghiệp cho các chuyên gia ICT. Tuy nhiên, các chiến lược kỹ năng chưa tập trung vào những tác động của tự động hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu nghề nghiệp, mặc dù có tác động tiềm tàng đối với nghề nghiệp và các vị trí việc làm ICT.

Cho đến nay, chỉ có một vài chương trình đào tạo lại kỹ năng và nâng cao kỹ năng được triển khai ở cấp độ đào tạo nghề. Do đó, một tỷ lệ lớn lực lượng lao động có thể không được chuẩn bị tốt để đối phó với chuyển dịch cơ cấu kinh tế hoặc sự tiến bộ của công nghệ trong tương lai.

Với tốc độ phát triển nhanh chóng của những tiến bộ công nghệ như hiện nay, việc đào tạo liên tục có tầm quan trọng lớn đối với sự phát triển các kỹ năng đối với các chuyên gia CNTT.

TH