Ra mắt ứng dụng NCOVI và trợ giúp y tế cho người nhập cảnh vào Việt Nam

Diễn đàn - Ngày đăng : 21:43, 09/03/2020

Hai ứng dụng (app): NCOVI dành cho người dân Việt Nam và Vietnam health declaration dành cho người nhập cảnh vào Việt Nam đã chính thức ra mắt.

Chiều 9/3/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) và Bộ Y tế đã công bố chính thức 2 ứng dụng này tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng và đại diện các Bộ, ngành đã tham dự Lễ ra mắt.

Cụ thể, ứng dụng NCOVI khuyến nghị toàn dân sử dụng để cung cấp thông tin hỗ trợ ngành Y tế tìm ra các trường hợp cần chú ý nhằm đảm bảo phòng chống dịch chủ động. Người dân cung cấp các thông cá nhân và tình hình sức khoẻ của bản thân trong mục “Khai báo y tế toàn dân” ở màn hình chính, đồng thời cập nhật tình hình dữ liệu ở màn hình “Theo dõi sức khoẻ”.

Trong khi đó, ứng dụng Vietnam health declaration được khuyến nghị dành cho người nhập cảnh vào Việt Nam sử dụng để khai báo y tế.

Dựa trên dữ liệu mà hai ứng dụng này gửi về, hệ thống Y tế Việt Nam sẽ biết được các trường hợp cần chú ý để bảo đảm hỗ trợ y tế nhanh và hiệu quả nhất. 

Hai ứng dụng còn là kênh chính thức để cơ quan nhà nước có thẩm quyền gửi các khuyến cáo phòng chống dịch tới người sử dụng, vì vậy, người sử dụng cần thường xuyên cập nhật dữ liệu và kiểm tra thông tin mới trên ứng dụng.

Bước vào giai đoạn 2 chống dịch

Phát biểu tại Lễ ra mắt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Tất cả mọi người dân Việt Nam đều thấm câu nói “Chống dịch như chống giặc" của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Việt Nam bước sang giai đoạn 2 của việc chống dịch Covid-19. Dịch bệnh không chỉ vào nước ta từ một hai phía mà vào từ rất nhiều phía, thậm chí đang nằm trong đất nước chúng ta. Do vậy, cần phải cảnh giác hơn, quyết tâm hơn, đồng thời phải tự tin hơn, bởi vì chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm từ giai đoạn 1, đã lường hết mọi kịch bản, tình huống.

Để toàn dân chống dịch, việc hết sức thiết thực là tham gia cung cấp thông tin tương tác 2 chiều với cơ quan chức năng. Việc khai báo y tế của người nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam là bắt buộc. Ai không khai hay khai không trung thực là vi phạm pháp luật và phải xử lý. Khai báo y tế toàn dân bản chất là cung cấp thông tin và tương tác 2 chiều giữa từng người dân và cơ quan y tế. 

Với ứng dụng này, Phó Thủ tướng cho biết: thông tin được người dân cung cấp được Nhà nước quản lý chặt chẽ và chỉ được sử dụng để chống dịch, tuyệt đối không sử dụng vào các mục đích thương mại, không xâm phạm đời tư của người dân. Đây là điểm quan trọng và khác biệt của ứng dụng NCOVI so với các ứng dụng khác. 

Phó Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp (DN) cùng ngồi lại với nhau, tham gia nâng cấp ứng dụng này và mở rộng nó. Mỗi DN tham gia vào đều được cộng đồng ghi nhận đóng góp. Sự nâng cấp mở rộng này có thể nói là không giới hạn. 

Từ việc chỉ cung cấp thông tin của người dùng với cơ quan y tế để có được sự trợ giúp khi cần thiết, Phó Thủ tướng cho biết: chúng ta có thể mở rộng nhiều thêm rất nhiều tính năng và ứng dụng để cùng phục vụ mục đích chống dịch. 

Phó Thủ tướng cũng kêu gọi mọi người cùng tham gia sử dụng ứng dụng này. Đây là sự đóng góp tích cực cho việc chống dịch. Điều này sẽ giúp cho công tác chống dịch tốt hơn. Đây là hành động thiết thực và ý nghĩa. Khi đất nước gặp khó khăn, tất cả người Việt Nam đều nắm chặt tay nhau, bước qua những cái riêng tư để cùng đạt được mục đích. 

Đây không phải là một ứng dụng khai báo bắt buộc có tính ràng buộc pháp luật như việc khai báo y tế đối với người nhập cảnh vào Việt Nam. Phó Thủ tướng mong có sự chung tay của cộng đồng CNTT để cùng giải quyết các vấn đề của đất nước.

DN công nghệ Việt chung tay chống dịch

Cũng tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Chúng ta đã chính thức chuyển sang giai đoạn 2 của công tác toàn dân chống dịch. Việt Nam có sức mạnh là về toàn dân. Mỗi khi chúng ta phát động được toàn dân thì tất cả các việc dù khó khăn nhất chúng ta cũng vượt qua được. Lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc đã chứng minh điều đó. Thành lũy vững chắc nhất là mỗi cá nhân, mỗi gia đình, từng làng xóm,...và chúng ta phải xây dựng các công cụ về công nghệ để từng người dân có thể tự bảo vệ mình, để toàn dân tham gia chống dịch.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu

Các DN công nghệ số Việt Nam đang chung tay sử dụng công nghệ để chống dịch. Từ đầu đến nay đã có nhiều ứng dụng hỗ trợ chống dịch, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn có dịch.

Có lẽ từ khi có dịch mới xuất hiện câu chuyện làm việc tại nhà, và hiện có rất nhiều tổ chức, DN đã sử dụng các ứng dụng làm việc từ xa. Trong hơn 1 tháng qua các ứng dụng đào tạo từ xa cũng đã tăng trưởng 100%. Các dịch vụ công trực tuyến được sử dụng tăng gấp đôi, từ 12% lên 24%. Chúng ta làm chính phủ điện tử cũng 20 năm mới giải được 12% là các dịch vụ công trực tuyến được sử dụng. Nhưng hơn 1 tháng vừa qua đã tăng lên 24%.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ TTTT thống nhất các DN công nghệ chung tay dưới sự chỉ đạo chung của Chính phủ và của Phó Thủ tướng, sự điều hành chung của Bộ TTTT, coi đây là cơ hội để ngành ICT nước nhà, để các DN công nghệ số Việt Nam thể hiện vai trò, phát triển các ứng dụng.

Đây cũng có lẽ là dịch đầu tiên để các DN công nghệ số Việt Nam không chỉ là cạnh tranh mà còn là hợp tác vì một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ngày 02/02/2020, Bộ TTTT đã ra Chỉ thị 05 hướng ứng kêu gọi của Chính phủ, trong đó nêu rõ các DN công nghệ số cần coi đây là thách thức, đồng thời là trách nhiệm của mình đối với xã hội, khẩn trương vào cuộc, đưa ra những giải pháp ứng dụng công nghệ số sáng tạo vào  cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả của phòng chống dịch Covid-19.

Phát động một chiến dịch mà chiến dịch này gắn với hagtag là ICT_anti_Ncov. Rất nhiều DN công nghệ số Việt Nam đã hưởng ứng chiến dịch này.

Bộ trưởng cho biết: lần đầu tiên ra mắt một số ứng dụng hỗ trợ phòng chống dịch, gồm 1 ứng dụng mới và 1 ứng dụng nâng cấp, hoàn thiện là ứng dụng khai báo y tế tại cửa khẩu. Đây là một số sản phẩm ban đầu. Các sản phẩm này sẽ tiếp tục được nâng cấp và được các DN công nghệ số chung tay hoàn thiện.

Hhiện nay cộng đồng công nghệ số Việt Nam gồm hàng chục ngàn DN đang nỗ lực để giải quyết các bài toán khó của Việt Nam và thông qua đó để phát triển đất nước, đóng góp xây dựng một Việt Nam phát triển thịnh vượng.

Bộ trưởng bày tỏ hy vọng: “Sẽ có thêm nhiều hơn nữa các DN công nghệ số chung tay chống dịch để Việt Nam chiến thắng dịch và để Việt Nam phát triển, một số ứng dụng này sẽ đi ra toàn cầu, góp phần giúp thế giới chống dịch thành công.

PV