Coong keng làng Rèn Phúc Sen
Đời sống - Ngày đăng : 15:20, 09/03/2020
Chồng "chí" vợ "chát"
Hầu như cả xã Phúc Sen đều làm nghề rèn, tập trung đông ở bản Pắc Rằng. Hàng trăm bễ lò đỏ lửa cả ngày cùng tiếng đe, tiếng búa vang vọng núi rừng. Nghề rèn nơi đây đã đi vào thơ ca truyền thống:
Ai ơi hãy đến Phúc Sen
Từ xa đã vọng coong keng làng nghề
Dọc Quốc lộ 3, cách thành phố Cao Bằng khoảng 30km, không khó để du khách nhận ra làng rèn Phúc Sen ở Quảng Uyên. Đây là một xã vùng cao của đồng bào dân tộc Nùng. Phúc Sen hiện có 420 hộ với khoảng 2.000 người dân tộc Nùng chia ra nhiều nhánh nhỏ như Nùng An, Nùng Inh, Nùng Lòi… Người dân Phúc Sen vốn lấy sản xuất nông nghiệp làm chính, thế nhưng họ cũng nổi tiếng khéo tay với nhiều nghề thủ công truyền thống như làm giấy, làm hương, dệt vải thổ cẩm, đục đá… và đặc biệt, người Nùng An có nghề rèn thủ công truyền thống nổi tiếng cả nước.
Đường vào bản Pắc Rằng, xã Phúc Sen.
Sản phẩm của làng rèn rất đa dạng, từ các loại nông cụ như cày, cuốc, mai, thuổng… cho đến dụng cụ, đồ dùng trong gia đình như các loại dao, kéo… Sản phẩm làm ra tại đây bền, sắc bén và chắc chắn nên bà con nông dân rất ưa chuộng. Để rèn được một sản phẩm cần ít nhất 2 người làm. Một người là thợ chính, nắm giữ bí quyết và kỹ thuật, một thợ phụ quai búa lớn.
Khi phôi thép đã được nung đỏ cho mềm để thực hiện bước tạo hình và hoàn thiện, người thợ chính sẽ dùng búa nhỏ để gò, đồng thời chỉ vị trí cho người thợ phụ quai búa lớn. Người thợ phụ phải nện búa vào đúng vị trí mà búa của người thợ chính vừa gõ. Độ mạnh nhẹ của nhát búa cũng căn cứ theo mức độ gõ mạnh hay nhẹ của người thợ chính. Nếu thợ phụ quai búa không chuẩn sẽ khiến phôi sắt không được tạo hình theo ý muốn. Kỹ thuật dùng đe búa, gõ đều tay và để rèn một con dao cũng phải tôi luyện, gõ búa chừng 24 - 30 lần mới cho ra sản phẩm theo ý muốn. Quá trình tôi luyện người thợ rèn cũng phải đạt trình độ quai búa, dùng mắt nhìn để tạo độ phẳng, tới mức nào mới đạt yêu cầu, tất cả các công đoạn chỉ có thể dựa vào kinh nghiệm của người thợ rèn và sự hiểu ý nhanh nhạy của thợ phụ.
Phụ nữ cũng tham gia nghề rèn ở xã Phúc Sen
Cha truyền con nối
Nghề rèn xã Phúc Sen có nhiều nét độc đáo, từ cấu trúc lò rèn, cách quai búa, kỹ thuật rèn, đến chất lượng sản phẩm. Không ai biết chính xác nghề rèn ở xã Phúc Sen có từ bao giờ. Những cụ cao niên từ khi còn nhỏ đã được nghe kể rằng, sau khi nhà Mạc tan rã ở Cao Bằng (thế kỷ XVI), các thợ rèn đúc vũ khí của nhà Mạc di tản vào sống cùng với người dân bản địa. Tương truyền làng rèn này ban đầu vốn là nơi sản xuất vũ khí, sau chuyển sang rèn công cụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt như cày cuốc, dao kéo... Hiện, làng Phúc Sen (người Nùng An) có hơn 200 hộ dân làm nghề rèn, trở thành "xưởng rèn thủ công" dao, kiếm, đao, công cụ lao động các loại lớn nhất miền Bắc Việt Nam. Nhờ chất lượng tốt, danh tiếng làng nghề dần vươn xa, sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng.
Mỗi sản phẩm làm ra đều có dấu ấn riêng của từng gia đình trên sản phẩm để khẳng định "thương hiệu"
Anh Long Văn Minh, chủ hiệu Rèn Long Minh tại lò rèn của gia đình
Anh Long Văn Minh, chủ hiệu rèn Long Minh ở bản Pắc Rằng, có hơn 20 năm trong nghề, chia sẻ: Gia đình đã có nhiều đời làm nghề rèn. "Mình chỉ biết là cứ đời ông truyền đời cha rồi đến mình chứ còn trước thì bao nhiêu đời trải qua thì cũng không biết. Hiện tại mình hầu hết vẫn sản xuất những mặt hàng truyền thống như hồi xưa cha ông vẫn làm. Ví dụ như: cây dao đi rừng, dao nhà bếp, nông cụ của các gia đình... Bây giờ phương tiện giao thông thuận lợi hơn, các tỉnh bạn dưới xuôi lên yêu cầu nhiều mẫu mã đa dạng hơn thì mình sẽ đáp ứng theo yêu cầu của khách".
Hai vợ chồng anh Minh đang "đồng tâm hiệp lực" tạo dáng sản phẩm.
Theo anh Long Văn Minh, để làm ra một con dao sắc, người Nùng có những bí quyết làm riêng. Bí quyết ấy bắt đầu từ nguyên liệu. Nguyên liệu rèn dao được làm từ những miếng nhíp ô tô đã hỏng, đặc biệt từ nhíp xe U Oát là tốt nhất. Bên cạnh đó phải có chủng loại sắt và than tôi luyện đủ tiêu chuẩn. Nguồn sắt nguyên liệu thu mua từ các tỉnh, nơi có các bãi xe cũ.
Ở những nơi khác người ta thường dùng than đá nung cho nhiệt độ cao thì ở làng Phúc Sen lại dùng than củi từ các loại gỗ cứng như gỗ nghiến mới giúp giữ nhiệt và làm than mau đỏ. Theo những người làm nghề, dùng than củi để tôi thường dễ làm và cho ra màu thép đặc trưng. Để giữ được nhiệt, lò nung thép cũng phải làm bằng đá, rồi dùng rơm và trấu tạo nên chất liệu xây lò.
Theo những người làm nghề lâu năm trong làng, nghề rèn thủ công ở Phúc Sen hầu như không có công thức mà chủ yếu nhờ cảm nhận tinh tế của tai, đôi mắt của người thợ cùng kinh nghiệm, trong đó có kỹ năng riêng của làng nghề đó là rèn dao bằng mắt, khả năng cảm nhận sản phẩm qua ánh nhìn. Quy trình rèn thủ công phải qua nhiều công đoạn. Tuy nhiên, công đoạn tôi thép là khó nhất, quyết định đến chất lượng sản phẩm, vì thế thường được các thợ cả giàu kinh nghiệm thực hiện. Anh Long Văn Minh cho biết, khi tôi thép, người thợ chỉ nhúng vật đang rèn xuống nước trong thời gian rất ngắn, chỉ 1 đến 2 giây, nếu nhúng quá lâu, thép sẽ bị hỏng. Khi tôi không kể thời gian mà chỉ quan sát bằng mắt để đạt đỏ hồng đúng tầm của nó, không cho nó chảy, có như vậy dao mới có độ cứng và sắc nhưng vẫn đủ độ dẻo để không dễ bị mẻ. "Đối với từng loại thép, người thợ bằng kinh nghiệm của mình sẽ nhìn ánh thép màu xanh, trắng hoặc vàng để biết được độ già hoặc non của thép mà có cách tôi cho phù hợp. Tôi thép như thế nào, đó là kỹ thuật gia truyền của từng dòng họ, chỉ truyền cho con trai, người ngoài không thể biết", anh Minh cho biết thêm.
Có nhiều cách tôi khác nhau tùy theo mỗi loại thép, có loại thì tôi bằng nước có bỏ một lượng muối vừa phải; có loại phải tôi bằng thân cây chuối và cũng có thể là bằng dầu nhớt. Người thợ chính phải biết cách xem loại sắt để chọn cách tôi, như thế thì dao mới sắc và bền.
Gắn kết giữa kinh tế và văn hóa
Để có thể học được nghề rèn, người thợ phải có sức khỏe, có cảm nhận thật tinh tế của đôi tai và đôi mắt. Quan trọng phải dùng tay, dùng sức, sự cảm nhận, đặc biệt là sự nhạy bén của đôi mắt. Khi con dao được rèn xong phải có độ rắn mà không giòn, dẻo mà không mềm, đòi hỏi kỹ thuật điêu luyện của người thợ rèn. Nhiều người phải mất vài năm mới thành thạo nhưng cũng có người trẻ tuổi chịu khó học hỏi, yêu nghề và có một chút năng khiếu, sau vài năm đã có thể tự đứng riêng một lò.
Du khách tham quan và tìm mua sản phẩm mà mình yêu thích
Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, người dân Phúc Sen đã cải tiến một số khâu sản xuất để giảm sức lao động như: Sử dụng máy dập thay cho quai búa ở công đoạn đầu tiên tạo hình khối phù hợp với chủng loại sản phẩm; máy mài, máy tạo khuân. Tuy nhiên, những công đoạn quan trọng nhất vẫn phải làm thủ công.
Ban đầu, sản phẩm rèn của Phúc Sen chủ yếu phục vụ sản xuất và một phần để trao đổi hàng hóa thiết yếu khác, nhưng vì chất lượng sản phẩm tốt nên danh tiếng làng nghề dần lan xa, người dân nhiều vùng lân cận đã đến đặt hàng. Mặc dù các sản phẩm ở đây không bắt mắt, lại có giá bán cao gấp 3 lần sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, nhưng hàng sản xuất ra tới đâu, bán hết tới đó. Nhiều gia đình trong bản đã chuyển ra cạnh đường sinh sống, mở lò rèn đồng thời bán lẻ các loại nông cụ cho khách. Các sản phẩm dao động 20 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng. Mỗi phiên chợ tại các vùng lân cận, nếu có thời gian bà con đem liềm, dao, cuốc, xẻng... tới bày bán. Nhiều khách quen ở xa tận Hà Nội, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn... đặt mua theo lô số lượng lớn, sau khoảng 15 - 20 ngày đến lấy.
Nhiều gia đình đã chuyển ra mặt đường để tiện mở cửa hàng.
Hiện nay, ở Phúc Sen nghề rèn đúc giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động, mang lại thu nhập ổn định cho người dân (bình quân 5 triệu đồng/người/tháng), góp phần cải thiện đời sống người dân, xóa đói giảm nghèo hiệu quả nhất tại địa phương.
Làng nghề cũng hấp dẫn đông đảo du khách trong và quốc tế khi du lịch Cao Bằng. Hàng ngày có nhiều đoàn khách dừng chân tham quan làng nghề, gặp gỡ những người thợ có kỹ năng điêu luyện, mua cho mình một sản phẩm rèn thủ công tinh xảo hoặc trải nghiệm làm một sản phẩm rèn mà mình ưa thích. Nghề rèn truyền thống vừa giúp bà con đảm bảo cuộc sống, vừa là nét văn hóa đặc sắc cần bảo tồn và truyền lại cho những đời sau.