Đảng đã cho ta những mùa xuân...
Bản tin ICT - Ngày đăng : 10:56, 09/03/2020
Sự kiện này nhanh chóng chấm dứt cả một thời kỳ đen tối trước đó: khủng hoảng đường lối và tổ chức lãnh đạo cách mạng. Từ mùa xuân 1930 đến tháng 8/1945, chỉ trong vòng 15 năm, một tổ chức chính Đảng của giai cấp công nhân đi theo con đường cách mạng vô sản đã lãnh đạo nhân dân cả nước đứng lên giành chính quyền từ tay bọn thực dân, nhà nước quân chủ. Mỗi độ Tết đến Xuân về, trong cái rạo rực - náo nức của trời đất lúc giao hòa, nhân dân ta lại mừng XUÂN và mừng ĐẢNG; nói cách khác, 90 năm qua, Đảng đã đồng hành cùng mùa Xuân dân tộc. Phải vậy chăng mà lời thơ ý nhạc về mùa Xuân và Đảng cứ hòa quyện thành nguồn cảm hứng lớn đối với nhiều thế hệ thi gia, nhạc sĩ?
Đảng trong thơ ca…
Năm 1960, khi Đảng thành lập được vừa đúng ba thập niên, nhà thơ Tố Hữu đã có ngay bản trường ca viết theo thể song thất lục bát: Ba mươi năm đời ta có Đảng. Thi phẩm lay động lòng người khi mang âm điệu sử thi anh hùng ca để nói về công lao to lớn của Đảng: Đảng ta đó, trăm tay nghìn mắt/ Đảng ta đây, xương sắt da đồng/ Đảng ta, muôn vạn công nông/ Đảng ta, muôn vạn tấm lòng niềm tin… nhưng vẫn không thiếu những vần thơ sâu lắng đậm chất trữ tình như xoáy vào lòng người một tình cảm thiêng liêng, sâu nặng: "Sống cùng Đảng, chết không rời Đảng/ Tấm lòng son sáng chói nghìn thu/ Mặt trời có lúc mây mù/ Trái tim kia vẫn đỏ bầu máu tươi". Đọc những vần thơ viết về Đảng của Tố Hữu, độc giả như được tiếp thêm sức mạnh, niềm tin. Bởi nhà thơ đã nói đến sức mạnh của Đảng ta là sức mạnh của một tổ chức luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tin yêu. Công ơn của Đảng đối với nhân dân thật to lớn bởi vì Đảng không chỉ giành lại đất nước, đem lại cho mọi người cuộc sống vật chất ấm no mà còn đây những giá trị tinh thần cao đẹp: Ôi Việt Nam hai tiếng diệu kỳ/ Một tiếng Đảng vang lên kiêu hãnh/ Ta suốt đời nguyện là người lính/ Dưới cờ Đảng thân yêu/ Gieo mầm thơ trên cuộc sống cuộc sống phì nhiêu… (Hoàng Trung Thông).
Hòa trong "nguồn chung" ấy, Chế Lan Viên cũng góp mặt và thành công với thi phẩm: Kết nạp Đảng trên quê mẹ. Điều đáng nói ở đây là, nhà thơ có bút danh rất… Chămpa này vốn "theo đòi" chủ nghĩa lãng mạn cùng một thế giới nghệ thuật đầy chết chóc, thương đau. Tập thơ đầu tay của Chế (Điêu tàn) tràn ngập những hồn ma, xương sọ. Ông từng "ao ước": Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh/ Một vì sao trơ trọi cuối trời xa/ Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh/ Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo… Sau giai đoạn "nhận đường", nhà thơ "kỳ dị" năm xưa được "ánh sáng" của Đảng, "phù sa" của cuộc đời mới bồi đắp. Và vinh dự thay, nhà thơ được đứng vào hàng ngũ của Đảng quang vinh trên đất mẹ Quảng Trị: Giã Mẹ ra đi kháng chiến bốn phương trời/ Kết nạp Đảng bỗng quay về quê Mẹ. Đây là nỗi lòng thi nhân trong thời khắc đáng nhớ nhất đời người: Ngày vào Đảng đất trời như đổi khác/ Những vật vô tri cũng làm rưng nước mắt/ Đá sỏi, cây cằn sao bổng thấy thiêng liêng ?/ Giọng nói quen nghe, màu đất quen nhìn/ Bỗng chan chứa trăm điều chưa nói hết. Mà đâu chỉ riêng nhà thơ? Có lẽ bất cứ ai được đứng vào hàng ngũ của Đảng, cũng thấy thế nào là thiêng liêng, diệu kỳ và hạnh phúc khi tấm lòng son được quê hương chứng giám.
…Và Đảng trong âm nhạc.
Bên cạnh thơ, chúng ta còn có rất nhiều những lời ca dâng lên Đảng. Đảng đã khơi nguồn cảm xúc dạt dào, vô tận cho các nghệ sĩ, thôi thúc họ viết nhiều nhạc phẩm có giá trị, không những không cũ theo thời gian, còn "đi cùng năm tháng", lay động lòng người. Có thể nói, dẫu cùng chung một đội ngũ - tổ chức và niềm tự hào về Đảng nhưng mỗi tác giả đều có cách "khai thác", góc nhìn riêng… tạo nên chiều sâu cho mỗi ca khúc, bản nhạc. Này là lời nhạc sĩ Đỗ Minh "Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam " bằng âm thanh:
Vừng trời Đông, ánh hồng tươi sáng bừng lên, đàn bồ câu trắng bay về trong nắng mới. Ngàn triệu dân xiết tay nhau, đứng quanh Đảng Cộng sản Việt Nam, khối kết đoàn công - nông bền vững...
Lời ca hết sức dung dị nhưng lắng sâu, lan tỏa. Tất cả như mang một sức sống mới, hơi thở mới đầy tin yêu, rạo rực. Hình tượng trung tâm trong bài hát đương nhiên là Đảng. Để làm nổi bật hình tượng này, tác giả sử dụng thủ pháp đối lập để "nhắc" mọi người về cột mốc: trước và sau khi có Đảng. Trước khi Đảng ra đời, "cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ", xung quanh là màn đêm tối tăm, u ám của bao kiếp người sống cuộc đời nô lệ, "vì không có đất, vì nước đã mất", "và đôi vai kia kéo cày thay trâu"… Nhưng khi "Bác đã về đây, Đảng ra đời" cũng là lúc xuất hiện bầu trời tươi sáng với nắng mới và ánh hồng. Hình ảnh "đàn bồ câu trắng bay về trong nắng mới" làm bừng sáng cả không gian và có tác động mạnh mẽ đến tâm tư, tình cảm hàng triệu con người: đất lành chim đậu, Tổ quốc đã hồi sinh!
Nhìn chung, đã có phần thành "công thức" khi các nghệ sĩ ta, trong các ca khúc viết về Đảng, thường không "quên" hai giai đoạn trước và sau năm 1930 trong tiến trình lịch sử dân tộc với một "mẫu số chung" là dụng công dụng tâm những hình ảnh tương phản nhau, các gam màu xung đột gay gắt. Điều quan trọng hơn, họ không "chịu" lặp lại người và lặp lại chính mình. Nhạc sĩ Phạm Tuyên có nhiều ca khúc hay viết về Đảng nhưng mỗi lần cầm bút là một lần ông tìm tòi, sáng tạo cả về nội dung ca từ lẫn hình thức thể hiện. Với Đảng là cuộc sống của tôi, nhạc sĩ bày tỏ tâm nguyện "suốt đời mang theo" của mình, chia sẻ niềm tự hào "theo Đảng": Đảng là cuộc sống của tôi, mãi mãi đi theo Người/ Từ thuở còn thơ, đời tôi chưa quen sóng gió/ Đảng đã cho tôi lẽ sống niềm tin, giữa biển khơi biết đâu là bờ, bầu trời xanh chưa thấy bao giờ/ Đảng là một ngôi sao sáng, sáng nhất trong muôn vì sao, giữa trời tối đêm mịt mùng…
Với Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng, là niềm xúc động, biết ơn chân thành khi nhạc sĩ hồi tưởng về thời quá khứ "chỉ biết đêm tối mênh mông": Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng/ Trước như tuổi thơ tôi nào biết đường/ Máu tôi đỏ và tim tôi yêu nước/ Tôi chỉ biết là đêm tối mênh mông/ Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng/ Đảng ta ơi, cám ơn người dạy dỗ/ Từ đây lòng tôi sướng vui đau khổ/ Và tình yêu, căm giận hóa lời ca…
Đôi khi, tình cảm người nghệ sĩ dành cho Đảng, hướng về Đảng lại thể hiện qua những gửi gắm của họ với lá cờ đỏ búa liềm - như nhạc sĩ Văn An có riêng một khúc ca về "Lá cờ Đảng": Đất nước bốn ngàn năm ôi tự hào biết mấy!/ Hạnh phúc trong tay ta đang nở hoa kết trái/ Còn gì đẹp hơn, còn gì đẹp hơn lá cờ đỏ búa liềm?/ Đảng ta đó, hân hoan một niềm tin/ Trong đêm đen, lá cờ của Đảng rạng soi, đường đấu tranh/ Thắm máu đào, cờ Đảng hồng tươi sắc thắm máu hy sinh/ Với dân giữ vẹn chữ hiếu, với Đảng giữ trọn lòng tin yêu/ Cờ Đảng gọi ta đi tới, đắp xây nước non đẹp tươi/ Bao vinh quang, lá cờ của Đảng rạng soi đường đấu tranh/ Dưới bóng cờ, lòng tràn niềm tin chân lý sáng trong tim/ Với Đảng trọn lòng tin yêu, với dân giữ vẹn chữ hiếu, với Đảng giữ trọn lòng tin yêu/ Trọn đời lòng ta gắn bó sắt son dưới bóng cờ…
Còn với nhạc sĩ Phạm Tuyên, dường như tình yêu đôi lứa sẽ càng có ý nghĩa hơn nếu hai người cùng chung lý tưởng, cùng đứng dưới một sắc cờ: Cờ bay màu của niềm tin/ Đỏ như lời hứa của mình em ơi/ Suốt đời lòng dặn giữ lời/ Đường dài muôn dặm chớ rời tay nhau/ Trong vui sướng, giữa thương đau/ Màu cờ đỏ vẫn thắm màu lòng tôi/ Ru em trong ánh mặt trời/ Ôi màu cờ ấy là lời tình yêu… (Màu cờ tôi yêu).
Cách đây ít năm, khi ra tập tiểu luận Chân dung và Đối thoại, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã định danh nhạc sĩ Phạm Tuyên: một "Tố Hữu của âm nhạc". Tố Hữu là thi sĩ dành trọn vẹn cuộc đời cho Đảng - từ lúc trái tim người thanh niên xứ Huế "bừng nắng hạ" ở tuổi mười bảy đến lúc đi qua mùa thu thứ tám mươi hai của đời người, giã từ cuộc sống, không lúc nào Tố Hữu không hướng về Đảng, ca ngợi Đảng. Định danh như vậy, thần đồng thi ca năm nào muốn "bắc cầu" để nói lên điều giản dị: Phạm Tuyên là nhạc sĩ của Đảng. Có lẽ, chỉ một lần lắng nghe ca khúc "Đảng đã cho ta một mùa xuân", người khó tính nhất cũng "gật đầu" chia sẻ với Trần Đăng Khoa điều này: Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng/ Một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi/ Đảng đã mang về tuổi xuân cho nước non/ Vang tiếng hát ca chứa chan niềm yêu đời/ Bao năm khổ đau đất nước ta không mùa xuân/ Cuộc đời tăm tối chốn lao tù bao hờn căm/ Vầng dương hé sáng khi khắp nơi ta có Đảng/ Bóng tối lui dần tiếng chim vui hót vang/ Và rồi từ đây ánh dương soi đời mới/ Tiến theo cờ Đảng là thấy tương lai sáng tươi…
Còn có thể nói gì hơn về những ca từ và âm giai ấy? Tất cả thật đằm thắm, nhiều dư vị. Một bức tranh của sự sống ba chiều ("xuân tươi", "chim vui hót"), của ánh sáng đa tầng sắc (lúc tràn "khắp nơi nơi", lúc "hé sáng", lúc "sáng tươi") được "cấy" trên khuông nhạc. Tất cả đều "cựa mình sinh sôi", hân hoan náo nức. Mà không hân hoan náo nức sao được khi "ta có Đảng", "bóng tối lui dần", "ánh dương càng huy hoàng"…, nhất là ta được truyền "một niềm tin ở tương lai"?