Các doanh nghiệp viễn thông thực hiện gần 7 tỷ tin nhắn tuyên truyền phòng chống Covid-19
Diễn đàn - Ngày đăng : 14:56, 03/03/2020
Toàn cảnh Hội nghị
Theo báo cáo của Bộ TTTT, lĩnh vực viễn thông đã chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan của Bộ Y tế để chỉ đạo, điều phối, hướng dẫn các doanh nghiệp (DN) viễn thông triển khai các biện pháp bảo đảm thông tin liên lạc và chia sẻ thông tin về công tác phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona (Covid-19) gây ra.
Tính đến thời điểm hiện tại, các DN viễn thông đã tổ chức 5 đợt nhắn tin tuyên truyền tới hơn 125 triệu thuê bao với tổng số gần 7 tỷ tin (quy đổi ra bản tin SMS thông thường).
Các DN viễn thông cũng đã thiết lập hệ thống giao ban trực tuyến từ Bộ Y tế tới 23 bệnh viện trên cả nước; triển khai việc miễn cước cuộc gọi đến các số hotline của Bộ Y tế cũng như miễn cước truy nhập tốc độ cao đến các trang thông tin về phòng chống dịch bệnh).
Theo số liệu báo cáo, tính đến tháng 2/2020, tổng thuê bao di động là 125,5 triệu thuê bao, giảm khoảng 600.000 thuê bao so với tháng 12/2019 và giảm gần 6 triệu thuê bao so với cùng kỳ năm 2019. Một trong những lý do dẫn đến việc sụt giảm này là do việc cơ quan quản lý (CQQL) siết chặt công tác xử lý SIM kích hoạt sẵn trên thị trường trong thời gian vừa qua.
Doanh thu di động chịu tác động từ việc doanh thu roaming sụt giảm do lượng khách du lịch đến và đi nước ngoài giảm mạnh. Ngoài dịch vụ, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác của các DN viễn thông cũng bị ảnh hưởng do nhiều DN nhập khẩu thiết bị, linh kiện, nguyên liệu đầu vào từ thị trường Trung Quốc (thẻ SIM, thiết bị đầu cuối, thiết bị mạng...).
Trước những tác động tiêu cực từ thị trường đối với sản lượng và doanh thu dịch vụ, các DN viễn thông vẫn đảm bảo tốt chất lượng dịch vụ cung cấp đến người dùng.
Chất lượng băng rộng di động được cải thiện. Tốc độ tải xuống băng rộng di động đến tháng 2 là 32,34 Mbit/s, tăng 5 bậc so với 2019 theo xếp hạng của speedtest). Tỷ lệ chuyển mạng giữ số thành công lên đến 82,32% (tăng so với mức 78% của năm 2019). Năng lực xử lý tin nhắn rác của các DN Viễn thông đã tăng 20% so với cùng kỳ 2019 (hơn 1,3 triệu tin nhắn rác được chặn.
Ngoài ra, trong bối cảnh khó khăn, các DN viễn thông vẫn tập trung nguồn lực đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, triển khai các chỉ đạo của Chính phủ về tuyên truyền, phổ biến về bệnh dịch đến người dân như nhắn tin tuyên truyền; miễn cước cuộc gọi đến số hotline; miễn cước truy nhập tốc độ cao đến các trang thông tin điện tử của Bộ Y tế, v.v..
Theo nhận định của Bộ TTTT, trong trường hợp dịch bệnh kéo dài (hết Quý II), tăng trưởng viễn thông có thể sẽ chịu nhiều tác động hơn cả về sản xuất và dịch vụ.
Hoạt động xuất thiết bị, linh kiện sẽ bị ảnh hưởng do thị trường Trung Quốc và các thị trường lớn khác của các DN viễn thông như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu... hiện cũng đang chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các nhiệm vụ lớn của ngành.
Xu hướng người dùng sử dụng Internet cố định, có thể tăng mạnh hơn trong thời điểm bệnh dịch (do tâm lý hạn chế ra ngoài), điều này dẫn đến lưu lượng và doanh thu từ tiêu dùng thoại, tin nhắn và dữ liệu di động của các nhà mạng sẽ chịu ảnh hưởng.
Sản lượng dịch vụ bưu chính duy trì mức tăng trưởng cao, cơ hội cho TMĐT phát triển
Cũng tương tự như lĩnh vực viễn thông, lĩnh vực bưu chính chịu tác động chủ yếu từ sự sụt giảm doanh thu và sản lượng bưu chính quốc tế. Sản lượng và doanh thu chiều đi và về từ Trung Quốc – một thị trường lớn của các DN Việt Nam giảm mạnh, chủ yếu là do hoạt động bưu chính nước bạn bị đình trệ bất khả kháng trước tình hình bệnh dịch bùng phát.
Lượng khách du lịch đến Việt Nam giảm mạnh khiến khiến lượng bưu gửi quốc tế ra nước ngoài bị ảnh hưởng đáng kể.
Việc áp dụng kiểm dịch y tế tại các điểm thông quan ở các cửa khẩu, sân bay cũng là lý do khiến hoạt động giao thương, lưu chuyển hàng hóa (đặc biệt tới Trung Quốc) bị đình trệ.
Theo thống kê của một số DN lớn, sản lượng bưu gửi đi quốc tế bị sụt giảm so với cùng kỳ năm 2019. Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) giảm khoảng 10%, Bưu chính Viettel (Viettel Post) giảm từ 10 đến 20%, DHL-VNPT giảm từ 30 đến 40%).
Mặc dù vậy, dịch vụ bưu chính trong nước lại duy trì được mức tăng trưởng cao. Tuy lượng khách hàng đến điểm giao dịch sụt giảm do tâm lý hạn chế ra ngoài, nhưng với việc các DN lớn tăng cường phát triển các giải pháp công nghệ mới hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ tiện ích trên nền tảng di động, sản lượng tiêu dùng dịch vụ bưu chính trong nước vẫn ở mức cao.
So với cùng kỳ năm 2019, sản lượng vận chuyển qua đường tàu hỏa tăng 387%, giao nhận đường bay trong nước tăng 56%; sản lượng vận chuyển đột xuất Bắc - Nam xe ôtô tăng 200%.
Như vậy, dù doanh thu và sản lượng bưu chính quốc tế bị sụt giảm do chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhưng dịch bệnh bùng phát lại tạo cơ hội cho thương mại điện tử trong nước phát triển, dẫn đến tổng doanh thu và sản lượng của các DN bưu chính lớn đều tiệm cận chỉ tiêu kinh doanh đặt ra.
Giao hàng nhanh đạt mức doanh thu trên 160 tỷ đồng trong tháng 1, đạt 100% chỉ tiêu kinh doanh, Tiki đạt mức doanh thu chuyển phát trên 40 tỷ, sản lượng gần 2,5 triệu kiện - đạt 100% kế hoạch kinh doanh đề ra; Viettel Post trong tháng 2 ước đạt doanh thu 390 tỷ đồng đạt 99,6% so với kế hoạch).