Cộng đồng Kinh tế ASEAN tập trung thúc đẩy 5G và hệ sinh thái số
Diễn đàn - Ngày đăng : 17:16, 02/03/2020
ASEAN đang trở thành tâm điểm chuyển đổi số của thế giới
“Đã có một sự tập trung mạnh mẽ vào việc số hóa trong ASEAN. Để làm được điều đó, chúng ta cần có cơ sở hạ tầng phù hợp. Năm nay, dưới sự chủ trì của Việt Nam, chúng tôi đang tập trung cụ thể về 5G, đây là một nền tảng quan trọng để chúng tôi hỗ trợ chuyển đổi kỹ thuật số và hội nhập thị trường”, TS. Aladdin D. Rillo, Phó Tổng thư ký Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), nhận định như vậy trong lần ghé thăm mới đây của ông tại Trung tâm Minh bạch An ninh mạng (Cyber Security Transparency Center) của Huawei ở Brussels, Bỉ.
TS. Aladdin D. Rillo, Phó Tổng thư ký Cộng đồng Kinh tế ASEAN
Dự kiến, từ ngày 6/9/2020 đến ngày 9/9/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam sẽ chủ trì và phối hợp với Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) tổ chức sự kiện Hội nghị và Triển lãm Thế giới Số 2020 (ITU Digital World 2020) với chủ đề “Cùng nhau xây dựng thế giới số" (Buiding the digital world together). Đây là sự kiện quan trọng nhất trong năm của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.
Sự kiện này là mốc đánh dấu cho sự chuyển đổi số toàn diện trong khu vực và trên toàn cầu, từ Chính phủ đến xã hội, doanh nghiệp, để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Mục tiêu của hành động này là thúc đẩy và kết nối tất cả các quốc gia thành viên để cùng nhau hợp tác và đổi mới nhằm hướng đến việc phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Dự kiến, 3 nhóm vấn đề chính, thu hút sự quan tâm của giới công nghệ trong nước và quốc tế là “Kết nối”, “Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”, “Phát triển bền vững số và trách nhiệm của doanh nghiệp” sẽ là những chủ đề được tập trung thảo luận.
Chủ đề Kết nối sẽ bao gồm việc phát triển hạ tầng kết nối như mạng di động 5G, vệ tinh, phát triển băng rộng cho tương lai kết nối số. Đây chính là nền tảng cho các đô thị thông minh.
Đổi mới sáng tạo (Innovation) ở đây là xây dựng hệ sinh thái sáng tạo số, chương trình quốc gia về chuyển đổi số, cùng với đó là các cơ chế hợp tác quản lý mới đối với công nghệ và AI, thúc đẩy phát triển tương lai số, ngân hàng số.
Đối với phát triển bền vững số và trách nhiệm của doanh nghiệp (Digital sustainable/Responsible business), các chủ đề được đưa ra thảo luận tại triển lãm bao gồm việc xây dựng các quy tắc cơ bản trên môi trường số toàn cầu, an toàn và an ninh môi trường số, bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường số, trách nhiệm/đạo đức khi sử dụng và khai thác dữ liệu cá nhân,...
Đẩy nhanh triển khai 5G và hệ sinh thái số
Khu vực ASEAN hiện đang cho thấy sự phát triển nhanh chóng của Internet, kỹ thuật số, phương tiện truyền thông xã hội và di động với tỷ lệ 65% người dân được tiếp cận và sử dụng Internet, tức hiện có hơn 400 triệu người dùng Internet.
Khi tốc độ phổ cập Internet đang tăng trưởng hai con số ở hầu hết các phân khúc và hầu hết các quốc gia trong khu vực, lĩnh vực kỹ thuật số đang bùng nổ và thu hút rất nhiều sự quan tâm. Việc triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng vào thời điểm này là đặc biệt cần thiết vì sự phổ cập Internet trong khu vực đang ở mức cao nhất và sẽ tiếp tục phát triển.
ASEAN cần đảm bảo một sân chơi bình đẳng để phát triển hệ sinh thái 5G cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của mình.
“Thế giới ngày nay rất liên kết và được tích hợp. Chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau hướng tới những mục tiêu chung. Bất kỳ sự xao lãng nào từ đó sẽ không có lợi cho bất kỳ người chơi nào. Chúng tôi cam kết mạnh mẽ để đảm bảo rằng những doanh nghiệp có mặt trên thị trường đều được chào đón tham gia sân chơi này, bởi vì những doanh nghiệp khu vực tư nhân này đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp và phát triển hệ sinh thái”, TS. Aladdin D. Rillo, Phó tổng thư ký AEC cho biết.
Hướng tới một thế giới thông minh kỹ thuật số, được dự đoán sẽ thành hiện thực vào năm 2030, Cộng đồng Kinh tế ASEAN bày tỏ cam kết khuyến khích các quốc gia thành viên tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số trong các ngành, lĩnh vực khác nhau, và tham gia với các bên liên quan khác nhau để nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Với nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN đã đạt 100 tỷ USD lần đầu tiên vào năm 2019 và dự kiến sẽ tăng trưởng lên hơn 300 tỷ USD vào năm 2025, đối với chính phủ, doanh nghiệp và xã hội, chuyển đổi kỹ thuật số không còn là một lựa chọn, mà là một yêu cầu cần thiết cho kinh tế và phát triển kinh doanh.
"Chúng tôi tiếp tục khuyến khích các nước ASEAN tăng cường hợp tác, và chúng tôi cũng cần sự hỗ trợ từ những doanh nghiệp tư nhân đã chứng minh được khả năng cung cấp các công nghệ đáng tin cậy, đặc biệt là trong việc xây dựng hệ sinh thái thân thiện với đổi mới sáng tạo, để xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến dữ liệu lớn, quyền riêng tư dữ liệu và an ninh mạng", ngài Phó Tổng thư ký AEC chia sẻ.
Cũng theo ông, an ninh mạng đóng một vai trò rất quan trọng trong chuyển đổi kỹ thuật số ở ASEAN, đặc biệt là thúc đẩy tốc độ của nền kinh tế số trong khu vực dựa trên 5G, AI và IoT.