Giáo dục 4.0: Indonesia đã thực sự sẵn sàng?

Hội nhập - Ngày đăng : 16:39, 17/02/2020

Trong những năm qua, nền giáo dục đã có nhiều thay đổi, từ phạm vi kiến thức tới mô hình và không gian học tập. Cùng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, nhiều quan niệm học tập truyền thống đã thay đổi so với quá khứ, mở ra một viễn cảnh giáo dục rộng mở và linh hoạt hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.

Trong nỗ lực xây dựng tương lai của một quốc gia nào, giáo dục đại học (ĐH) đóng vai trò quan trọng bằng cách cung cấp nhân tài cạnh tranh toàn cầu. Lực lượng lao động lành nghề cùng với công nghệ sáng tạo và cơ sở hạ tầng tiên tiến chính là động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững đối với mỗi quốc gia.

Trong bối cảnh đó, nếu chúng ta xem xét cả Ấn Độ và Indonesia - hai trong số những nền kinh tế đông dân nhất thế giới - thì rõ ràng họ đang phải đối mặt với một số thách thức lớn: sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML) và cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư. Cả hai quốc gia này  đang nỗ lực để trang bị những kỹ năng, thái độ và kiến ​​thức cần thiết cho lực lượng lao động của mình để đáp ứng nhu cầu trong thời đại giáo dục 4.0 ngày nay.

Giáo dục 4.0 ra đời như sự hồi đáp cho tác động của công nghiệp 4.0, tạo ra nguồn nhân lực được đào tạo kỹ lưỡng, có trình độ và năng lực. Giáo dục 4.0 khuyến khích việc dạy và học vượt lên phương pháp truyền thống bằng cách ứng dụng tối đa công cụ và tài nguyên công nghệ vào việc học tập, giảng dạy và quản lý.

Giáo dục 4.0 đặt học sinh làm trung tâm và là người thụ hưởng nhiều nhất. Thông qua sử dụng công nghệ, học sinh được tiếp xúc và có những mối quan hệ, giao tiếp hiệu quả hơn với thầy cô, bạn bè trong và ngoài nước.

Có thể thấy, Ấn Độ và Indonesia có những đặc điểm tương đồng - một thế hệ trẻ sôi nổi và tràn đầy sức sống - và cùng phải đối mặt với một bài toán: Làm sao để đổi mới hệ thống giáo dục đại học thích ứng với những tiến bộ công nghệ toàn cầu đang phát triển và trở thành các trường ĐH “đẳng cấp thế giới” ?

Tuy nhiên, kịch bản cho Ấn Độ dường như dễ dàng hơn khi tiểu lục địa này đã có một số tài năng xuất sắc thế giới trong quá khứ. Cụ thể, các CEO tại một vài công ty toàn cầu như Adobe, Pepsi, Google và Microsoft đều là người Ấn Độ.

Tuy nhiên, một báo cáo gần đây của Deloitte đã chỉ ra rằng số lượng trường đại học ở Ấn Độ đã tăng chậm từ 436 trong năm 2009 - 2010 lên 903 trong năm 2017- 2018. Số lượng trường cao đẳng đã tăng từ 29.000 lên 39.000 trong năm 2010. Mặc dù, với số lượng sinh viên nhập học cao kỷ lục (35,7 triệu sinh viên), Ấn Độ đứng thứ ba trên thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ (Hoa Kỳ), nhưng quốc gia này vẫn tụt hậu so với tiêu chuẩn của các trường ĐH tốt nhất thế giới.

Trong khi, đối với Indonesia, vấn đề còn nghiêm trọng hơn, bởi chất lượng nguồn nhân lực rất thấp mặc dù số lượng lớn. Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Global Business Guide (GBG), Indonesia có 4.498 trường đại học đào tạo 25.548 chuyên ngành, cao gần gấp đôi so với Trung Quốc (2.825 trường đại học) trong khi dân số thì ít hơn 1/5.

Nhưng dữ liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng thế giới (WB) lại cho thấy Indonesia là quốc gia có tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, khoảng 15%. Nhiều sinh viên Indonesia sau khi tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm phù hợp và buộc phải lựa chọn những công việc lao động chân tay, không liên quan đến các chuyên ngành được đào tạo vì những lĩnh vực lao động trí óc hiện nay đòi hỏi người lao động không những có trình độ chuyên sâu mà phải có những kiến thức cơ bản và thái độ cũng như phong cách làm việc chuyên nghiệp, trong khi phần lớn đội ngũ lao động của Indonesia không đáp ứng được những yêu cầu cần thiết này. Dữ liệu từ WB cho thấy quốc gia này đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt 50% lao động có tay nghề cao.

Chất lượng so với số lượng

Nếu chỉ có một số lượng lớn các trường ĐH và số lượng tuyển sinh kỷ lục thì không thể đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực. Thay vào đó, một chương trình giảng dạy đổi mới và thường xuyên được cập nhật những tiến bộ công nghệ, phối hợp giữa thực hành và lý thuyết, có đủ kinh phí cho nghiên cứu là cần thiết để chuyển đổi một tổ chức giáo dục quốc gia thành trường đại học đẳng cấp thế giới.

Thực tế, tại các nền kinh tế này, hầu hết các trường ĐH hoạt động yếu kém đều thuộc sở hữu tư nhân, các trường ĐH này cung cấp các dịch vụ giáo dục không đạt chuẩn và hàng năm đào tạo ra hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp với chất lượng thấp. Chỉ có 3 trường ĐH quốc gia ở Indonesia đã tìm cách thâm nhập vào danh sách 500 trường ĐH hàng đầu thế giới trong khi tại Ấn Độ con số này là 16. Mặc dù xếp hạng toàn cầu cao hơn Indonesia, nhưng Ấn Độ vẫn thua xa Trung Quốc và Nhật Bản với 39 trường ĐH, hoặc Hàn Quốc và Đài Loan với 24 trường ĐH.

Thực trạng đáng báo động này đã khiến Bộ nghiên cứu, Công nghệ và Giáo dục ĐH Indonesia công bố kế hoạch đóng cửa hoặc sáp nhập 1.000 cơ sở giáo dục đào tạo tư nhân vào năm 2019.

Theo phân tích, đánh giá của GBG, một vấn đề lớn khác của các trường ĐH Indonesia hiện nay là thiếu đội ngũ giảng viên có trình độ. Hầu hết các giảng viên (khoảng 155.591 người) làm việc tại Indonesia chỉ có bằng thạc sĩ. Trong một vài trường hợp (34.393 người), thậm chí những người chỉ có bằng cử nhân cũng được phép dạy. Thực trạng này sẽ còn nghiêm trọng hơn khi đội ngũ giảng viên tại các trường ĐH Indonesia đang đến độ tuổi nghỉ hưu và dự kiến sẽ có khoảng 6.000 giảng viên sẽ nghỉ hưu vào năm 2021.

Đứng trước thách thức trên, Chính phủ Indonesia đang nỗ lực tận dụng triệt để xu hướng khuyến khích các trường ĐH tích cực theo đuổi phương pháp giáo dục điện tử để giúp đất nước xây dựng nền kinh tế dựa trên tri thức và giải quyết triệt để tình trạng thất nghiệp trong tầng lớp thanh niên. Xu hướng khởi nghiệp công nghệ đang phát triển mạnh mẽ tại Indonesia và phương pháp giáo dục điện tử cũng được các trường ĐH nghiên cứu triển khai kết hợp với các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động…

Bên cạnh đó, để cải thiện chất lượng của các trường ĐH địa phương, chính phủ Indonesia đã khuyến khích các trường ĐH uy tín nước ngoài mở các cơ sở giáo dục tại Indonesia hoặc liên kết, hợp tác với các trường ĐH trong nước triển khai chương trình đào tạo với hy vọng mang lại chất lượng tốt hơn.

Theo Bộ Nghiên cứu, Công nghệ và Giáo dục, tháng 9/2018, có 2 trường ĐH của Australia đã được Indonesia chấp thuận mở cơ sở đào tạo tại Indonesia. Nhiều trường ĐH tại Indonesia đã hợp tác với các trường ĐH nước ngoài thông qua trao đổi giảng viên và sinh viên, tài trợ học bổng, chương trình đào tạo, nghiên cứu chung...

Xếp hạng giáo dục toàn cầu năm 2019 (Nguồn: Viện Legatum)

Hỗ trợ kinh phí

Hỗ trợ đầy đủ kinh phí là một yếu tố quan trọng khác để thúc đẩy các nghiên cứu độc lập, chất lượng cao. Trong vài năm qua, chính phủ Indonesia đã tăng dần nguồn kinh phí hỗ trợ này. Trong năm 2017-2018, chi phí nghiên cứu của Indonesia là 0,24% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong khi chi tiêu cho nghiên cứu của Ấn Độ ở mức 0,62%, còn Trung Quốc là 2,06%, Singapore là 2,36% và Malaysia là 0,63%. Kinh phí công, bằng cách nào đó, cho giáo dục vẫn còn thấp so với các quốc gia đang phát triển khác như Brazil và Nam Phi.

Giáo dục ĐH tại Indonesia rất cần một sự thay đổi mang tính cách mạng, trong đó cần giảng dạy tập trung và định hướng vào ngành công nghiệp. Chính phủ cần có những cách làm mới và sáng tạo để phát triển một hệ sinh thái giáo dục đại học, bao gồm các tổ chức giáo dục, sinh viên, cựu sinh viên, cơ quan quản lý và cơ quan kiểm định, người sử dụng lao động và chính phủ, nhằm tạo ra một thế hệ lao động trẻ với đầy đủ tri thức và kỹ năng lao động cần thiết để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp tuyển dụng lao động.

TH