Ngành du lịch ASEAN và những thiệt hại từ dịch Corona

Truyền thông - Ngày đăng : 09:06, 06/02/2020

Dịch viêm phổi do virus corona đang khiến nhiều nước trên thế giới bị thiệt hại nghiêm trọng và dự báo một tương lai ảm đạm cho các công ty du lịch.

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế Việt Nam, đến 11h00, ngày 5/2, số ca mắc và tử vong do bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) trên thế giới đã tăng lên 24.553 ca và có 492 ca tử vong. 

Nỗi lo về sự lây nhiễm khó lường của virus này đã khiến người dân Việt Nam cũng như thế giới hạn chế đi du lịch. Điều này dự báo một tương lai ảm đạm cho ngành du lịch trong nhiều tháng tới, theo nhận định của các công ty du lịch. Những báo cáo mới nhất từ một số quốc gia thành viên ASEAN đã cho thấy sự sụt giảm rõ rệt về lượng khách du lịch.

Trước đó, vào ngày 31/1, nhiều người dân và các quan chức địa phương tỉnh Bali của Indonesia đã tập trung tại Pura Candi Narmada - một ngôi đền Hindu ở quận Kuta - để cầu thần linh giúp hòn đảo du lịch nổi tiếng này an toàn trước sự bùng phát virus corona mới.

Lễ cầu nguyện tập thể trên do Cơ quan du lịch Bali tổ chức trong bối cảnh dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona mới khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã và đang gây thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch địa phương.

Ông Putu Astawa, người đứng đầu Cơ quan du lịch Bali, cho biết du lịch là “xương sống” của nền kinh tế Bali và những người tham gia cùng nhau cầu nguyện với hy vọng rằng dịch bệnh sẽ nhanh chóng kết thúc. Trong khi đó, bà Elsye Deliana, Chủ tịch Bali Liang - cơ quan chuyên trách thị trường Trung Quốc thuộc Hiệp hội du lịch và lữ hành Indonesia (ASITA), chia sẻ chủng virus corona mới đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động du lịch của Bali. 

Theo dữ liệu của Bali Liang, ít nhất 15.000 du khách Trung Quốc đã hủy bỏ kế hoạch đến thăm Bali trong tháng 2 này do tình hình dịch bệnh. Trước sự lây lan của virus corona mới, Cơ quan du lịch Bali đã hủy bỏ một lễ hội lớn được lên kế hoạch vào ngày 8/2 tới. 

Trong khi đó, việc vắng bóng du khách Trung Quốc cũng gây tác động không nhỏ đối với ngành du lịch Việt Nam, theo tờ Asia Times. Năm 2019, thu nhập từ du lịch chiếm khoảng 1/5 tổng sản phẩm quôc nội (GDP) của Việt Nam. Số lượng khách du lịch Trung Quốc năm 2019 tăng 16,9% và chiếm gần 1/3 tổng số du khách đến Việt Nam.

Tương tự, báo cáo từ Tổng cục Du lịch Singapore đã tiết lộ các biện pháp ban đầu như một phần trong số các biện pháp giúp các doanh nghiệp du lịch nước này giảm thiểu thiệt hại bởi  sự lây lan của virus corona.

Theo đó, Tổng cục Du lịch Singapore sẽ miễn phí cấp giấy phép cho các khách sạn, đại lý du lịch và hướng dẫn viên du lịch, đồng thời hỗ trợ chi phí dọn dẹp các khách sạn có khách du lịch được xác nhận hoặc nghi ngờ nhiễm virus corona mới. Ngành du lịch nước này cũng đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi virus corona mới, do sự sụt giảm lượng khách du lịch, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Tại Lào, người đứng đầu Sở Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, Somkhit Vongpanya đã báo cáo rằng số lượng khách du lịch Trung Quốc qua biên giới vào tỉnh Bokeo đã sụt giảm đáng kể khi dịch virus corona mới bùng phát.

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona cũng khiến lượng khách Trung Quốc tới Thái Lan giảm 80% và ước tính khiến nước này mất khoảng 4,3 tỷ USD doanh thu từ du lịch trong quý 1/2020.

Thái Lan là điểm đến ưa thích của du khách Trung Quốc khi mỗi năm thu hút khoảng 11 triệu lượt người, chiếm hơn 30% lượng khách quốc tế tới đây. Du khách Trung Quốc là những người có mức chi lớn khi đi du lịch. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch Thái Lan, mỗi khách Trung Quốc chi khoảng 1.500 USD trong kỳ nghỉ của mình.

Ngành du lịch Thái Lan đặt mục tiêu thu hút 12 triệu lượt khách Trung Quốc vào năm 2020, nhưng ngay trong những tháng đầu năm, mục tiêu này đã bị “phá sản” bởi dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona khiến Thái Lan phải tạm dừng đón các tour khách từ Trung Quốc. Các công ty du lịch Thái Lan đang phải vượt qua giai đoạn khó khăn bởi dịch Corona do việc hạn chế du lịch theo nhóm, nhằm kiểm soát sự lây lan của chủng virus mới này.

Thái Lan cũng đã đình chỉ các chuyến bay tới từ Vũ Hán (Trung Quốc) và một số thành phố có nguy cơ cao khác của Trung Quốc.

Ngành du lịch đang đóng góp lớn cho kinh tế của Thái Lan khi chiếm tới 20% GDP của nước này. Việc thiếu vắng du khách tới từ Trung Quốc khiến nhiều người Thái Lan làm việc trong ngành du lịch đang phải “ngồi chơi”. Tính riêng ở tỉnh miền Bắc Chiang Mai, hiện có hơn 300 xe buýt du lịch và 700 hướng dẫn viên đang phải nằm chờ vì không có khách và kéo theo đó là không có thu nhập. Các cửa hàng, trung tâm thương mại cũng vắng khách và nhân viên sẽ phải nghỉ việc nếu dịch còn kéo dài.

Đến thời điểm này, trong khối ASEAN, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Việt Nam, Philippines và Campuchia đều đã xác nhận có bệnh nhân nhiễm virus corona.

Trong bối cảnh virus corona đang lây lan nhanh chóng, các quốc gia thành viên ASEAN cam kết tiếp tục tăng cường các cơ chế khu vực để hợp tác và phối hợp chống lại mối đe dọa sức khỏe cộng đồng mới nổi này.

Là một trong những hành động khẩn cấp của khu vực, Mạng lưới Trung tâm hoạt động khẩn cấp ASEAN về các trường hợp y tế cộng đồng khẩn cấp (Mạng lưới ASEAN EOC), dẫn đầu bởi Malaysia, với sự trợ giúp của Ban Thư ký ASEAN đã và đang liên tục cập nhật tình hình dịch bệnh mỗi ngày. Ngoài ra, cơ quan cũng cung cấp thông tin phòng chống, phát hiện và biện pháp đối phó đến Hội nghị Các quan chức cấp cao về phát triển y tế (SOMHD) của ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để đối phó thích hợp.

Bên cạnh hành động của các tổ chức, cơ quan, các quốc gia thành viên ASEAN cũng trao đổi kết quả trong quá trình nghiên cứu, xét nghiệm liên quan đến virus corona thông qua Mạng lưới phòng thí nghiệm y tế công cộng khu vực do Thái Lan dẫn đầu. Các mạng lưới truyền thông quốc gia cũng tích cực phổ biến các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát, bao gồm chống lại tin tức và thông tin sai lệch...

TH