GoFood ăn nên làm ra thời đại dịch
Diễn đàn - Ngày đăng : 09:56, 05/02/2020
Dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona mới (nCoV) đang hoành hành. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã coi dịch viêm phổi do nCoV khởi phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Đến ngày 4/2, dịch đã lây lan ở 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến 427 người thiệt mạng và hơn 20.600 người nhiễm bệnh.
Đến ngày 4/2, virus nCoV đã khiến 427 người tử vong trên thế giới và khiến hơn 20.000 người nhiễm bệnh
Tại Việt Nam, chiều 4/2/2020, Bộ Y tế đã xác nhận nữ bệnh nhân 42 tuổi sống ở Vĩnh Phúc dương tính với nCoV, là ca viêm phổi thứ 5 tại Vĩnh Phúc và cũng là ca thứ 10 dương tính với nCoV tại Việt Nam.
Báo cáo nhanh của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã Hội - LĐ-TB&XH) về tình hình phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp cho thấy, Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có chỉ đạo về công tác phòng, chống tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tới ngày 4/2, cả nước có 895 cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên nghỉ học đến hết ngày 9/2.
Mặc dù không có lệnh hạn chế đi lại nhưng mọi người đều không muốn ra đường hoặc tới nơi đông người vào thời điểm hiện nay. Thay vì ra ngoài, đến tận cửa hàng để ăn uống thì mọi người đặt đồ ăn giao đến tận nhà. Nhờ đó, dịch vụ đặt hàng, mua đồ ăn mang đến tận nhà bỗng nhiên “được mùa”.
Theo thống kê nhanh từ GoViet, từ ngày 17/1 đến ngày 2/2/2020 đã có gần 900.000 đơn hàng ẩm thực được đặt qua nền tảng GoFood, mang lại cho các đối tác nhà hàng doanh thu hàng chục tỉ đồng, tăng 120% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, gỏi cuốn là món ăn được người dùng đặt nhiều nhất trong dịp tại TP. Hồ Chí Minh, kế đến là trà sữa và cơm gà, là những món ăn kiểu “đường phố" dễ ăn và thuận tiện. Tại Hà Nội, cơm rang dưa bò được ưa chuộng nhất, kế đến là trà sữa trân châu và nem nướng Nha Trang.
Mặc dù tăng gần 40% về số lượng người dùng GoFood so với năm ngoái, con số này trong tuần Tết giảm hai con số so với tuần trước Tết, với tỉ lệ người dùng ở Hà Nội giảm nhiều hơn TP. Hồ Chí Minh hơn 10%.
Ngoài lý do người dân về quê vào dịp Tết, một trong những nguyên nhân của sự chênh lệch số người dùng giữa hai miền là do thói quen ăn uống và sinh hoạt ngày Tết khác nhau: người miền Nam có xu hướng đặt đồ ăn chế biến sẵn nhiều hơn, trong khi người miền Bắc thích tự nấu ăn tại nhà nhiều hơn trong dịp Tết.
So với năm 2019, danh sách món ăn ưa chuộng ngày Tết có sự thay đổi vị trí: trong năm Kỷ Hợi, món ăn ưa chuộng tại TP. Hồ Chí Minh là gà chiên nước mắm, bánh mì que, gỏi cuốn. Những món ưa thích của thực khách Hà Nội là cơm rang dưa bò, bánh mì thập cẩm và bún chả. Trong thời gian Tết Canh Tý, thực khách ở hai thành phố này đã chọn trà sữa trân châu thay thế bánh mì.
Biểu đồ tương quan giữa lượng đơn hàng của các sản phẩm dịch vụ đặt trên nền tảng GoViet trong thời gian vừa qua
Cũng trong thời gian này, món đứng đầu danh sách với tổng giá trị đơn hàng cao nhất lại là trà sữa, cho thấy nhu cầu của người dùng dành cho thức uống yêu thích này của giới trẻ khá cao, bất chấp thời tiết lạnh ẩm ở Hà Nội.
Món kế tiếp là gà nướng muối ớt và mì kim chi. Đặc biệt, từ ngày mùng 6 Tết, khi các văn phòng bắt đầu mở cửa làm việc, lượng đơn hàng đặt qua GoFood tăng gần 85% và giữ xu hướng tăng này đến thời điểm hiện tại.
Thông tin thú vị là trong số các món ăn được đặt trong thời gian này, đơn hàng có giá trị cao nhất gần 3 triệu đồng là đơn hàng bánh pizza được đặt của khách hàng ở Củ Chi với khoảng cách giao hàng 13km. Món ăn được người dùng đặt bất chấp vị trí nhà hàng xa là cháo vịt Thanh Đa ở TP. Hồ Chí Minh với khoảng cách giao hàng 24km. Khoảng cách đặt món gần nhất là món trà sữa với khoảng cách 10m.
GoViet với hệ thống 80.000 nhà hàng đa dạng trên nền tảng GoFood đã giúp kết nối người dùng với hàng triệu món ăn ngon, đã thể hiện tính hiệu quả của một ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến khi hỗ trợ đáp ứng nhu cầu ẩm thực của người dùng tăng cao, giải quyết được bài toán giao nhận của các nhà hàng trong lúc nguy cơ bệnh dịch Corona đang là mối lo ngại tại Việt Nam.