Công nghiệp ICT tăng trưởng nhanh, góp phần nâng cao thứ hạng Việt Nam

Make in Viet Nam - Ngày đăng : 18:32, 28/12/2019

Bộ TTTT công bố những số liệu quan trọng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020. Doanh thu toàn ngành đạt 110 tỷ USD, tăng trưởng 9,8%, nộp ngân sách trên 53 000 tỷ đồng.

Công nghiệp ICT tăng trưởng nhanh, góp phần nâng cao thứ hạng Việt Nam - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan các sản phẩm trưng bày bên lề Hội nghị

Năm 2019, với mục tiêu Nâng cao thứ hạng Việt Nam và phương châm hành động “Làm gương, Kỷ cương, Trọng tâm, Bứt phá”, Bộ TTTT đã khẩn trương, quyết liệt, đổi mới cách nghĩ, cách làm, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của đất nước, góp phần xây dựng nước Việt Nam hùng cường.

Các chỉ số tăng trưởng của các lĩnh vực thuộc Ngành đều được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Theo báo cáo về Chỉ số tích hợp phát triển Bưu chính năm 2019 do Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) công bố về thứ hạng, Việt Nam xếp thứ 45/172 quốc gia (tăng 5 bậc so với năm 2018).

Trong lĩnh vực Viễn thông, điểm đánh giá chỉ số IDI của Việt Nam đạt ~ 5,57 tương ứng với hạng 81 (ngang với Trung Quốc và Iran); Việt Nam đã có sự thăng tiến mạnh mẽ trong bảng xếp hạng về an toàn, an ninh mạng toàn cầu do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đánh giá, từ thứ hạng 100 năm 2017 lên thứ hạng 50 năm 2019.

Việt Nam được đánh giá là nước có số lượng mã độc di động thấp thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Singapore. Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có những bước tiến mạnh mẽ nhất trên bảng xếp hạng 140 quốc gia của WEF, với việc tăng 10 bậc về chỉ số GCI (từ  vị trí 77 năm 2018 lên thứ hạng 67), trong đó, chỉ số thành phần về ứng dụng CNTT-TT (ICT adoption) đóng vai trò hết sức quan trọng khi tăng hơn 50 bậc từ thứ hạng 95 (năm 2018) lên thứ hạng 41.

Tổng doanh thu toàn Ngành dự kiến đạt 3.100.000 tỷ đồng (gần 135 tỷ USD), tăng 8,8% so với năm 2018; nộp ngân sách đạt 99.820 tỷ đồng (hơn 43 tỷ USD), tăng 23,4% so với năm 2018. Lĩnh vực báo chí, truyền thông đã phản ánh đúng dòng chảy của xã hội, góp phần tạo sự đồng thuận và niềm tin của xã hội.

Công nghiệp ICT tăng trưởng nhanh, góp phần nâng cao thứ hạng Việt Nam - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị

Cụ thể các kết quả các lĩnh vực như sau:

Bưu chính tăng trưởng trên 30%

Duy trì được mức tăng trưởng cao với chỉ số tăng trưởng hằng năm đạt mức trung bình trên 30%. Tổng doanh thu lĩnh vực bưu chính ước đạt 34.311 tỷ đồng, tăng 22.65%  so với năm 2018. Tổng nộp ngân sách nhà nước ước đạt 1.230 tỷ đồng tăng 5,63% so với năm 2018.

Bộ đã phát hành 15 bộ tem bưu chính, trong đó các bộ tem “Chào mừng Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên tại Hà Nội" và “Chào mừng Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc - Vesak 2019” để chào mừng 02 sự kiện nổi bật mang tầm cỡ quốc tế không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh của Việt Nam mà còn gửi thông điệp về hòa bình đến bạn bè khắp năm châu.

Viễn thông tăng 118,06%

Tổng doanh thu toàn ngành viễn thông đạt 472.321 tỷ đồng, tăng 118,06% so với năm 2018. Tổng doanh thu dịch vụ viễn thông ước tính: 390.137 tỷ đồng, tăng 8,06% so với năm 2018. Tổng nộp ngân sách nhà nước ước tính: 39.712 tỷ đồng, tăng 15,48% so với năm 2018).

Năm 2019, Bộ TTTT đã cấp phép thử nghiệm 5G cho các DN viễn thông di động (Viettel, VNPT, MobiFone); chủ trương xem xét cấp phép chính thức 5G cho các DNvào năm 2020. Như vậy, Việt Nam hiện là một trong các nước đi đầu trong khu vực ASEAN về triển khai thương mại 5G.

Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án dừng công nghệ di động cũ 2G vào năm 2022. Sau hơn một năm triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số, đã có hơn 1 triệu thuê bao đã chuyển mạng thành công (đạt tỷ lệ hơn 82%).

Bộ đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để xử lý dứt điểm tình trạng SIM rác, tin nhắn rác. Số lượt phản ánh tin nhắn rác giảm trên 90% .

Hiện tại, số tên miền .vn đạt gần 500.000 tên miền, đứng thứ 64/1550 tên miền được cung cấp trên toàn thế giới, tăng trưởng gần 8% so với năm 2018. Tính đến hết tháng 10/2019, tỷ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam đạt khoảng 40%, Việt Nam đứng thứ 2 ASEAN, thứ 8 trên thế giới với hơn 21.000.000 người sử dụng IPv6.

Bộ đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho nghiên cứu, đề xuất triển khai ứng dụng Tiền điện tử (mobile money) trên thuê bao di động. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng thành đề án thí điểm và trình Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện cách làm mới triển khai chính phủ điện tử mạnh mẽ

Thực hiện Quyết định 1201/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 28/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT), Bộ TTTT được giao nhiệm vụ là Cơ quan thường trực CPĐT.

Công nghiệp ICT tăng trưởng nhanh, góp phần nâng cao thứ hạng Việt Nam - Ảnh 3.

Bộ TTTT giới thiệu về Hệ thống theo dõi và đánh giá các chỉ số phát triển ngành TTTT (KPI Dashboard)

Thực hiện trọng trách được giao, Bộ TTTT đã thực hiện cách làm mới để thúc đẩy triển khai CPĐT: Tích cực làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ triển khai một số hệ thống thông tin quan trọng (các CSDL quốc gia; Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Bộ/tỉnh); Triển khai Bộ điểm, tỉnh điểm về CPĐT để nhân rộng; Thống nhất chỉ đạo, phối hợp các DN ICT triển khai CPĐT để tăng cường hiệu quả triển khai trên toàn quốc; Xây dựng Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai CPĐT sẵn sàng giải đáp phản ánh, kiến nghị và tư vấn triển khai CPĐT; Xây dựng Hệ thống chia sẻ và Giám sát an toàn thông tin (ATTT) cho CPĐT;

Bộ cũng lần đầu tiên thống nhất được quan điểm Việt Nam làm chủ các công nghệ nền tảng: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, Điện toán đám mây, các sản phẩm an toàn, an ninh mạng...

Bộ đã ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh (ĐTTM); Công bố Bộ chỉ số ĐTTM Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 để các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, áp dụng...

Bộ TTTT đã đẩy mạnh công tác kết nối, chia sẻ dữ liệu, phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại các Bộ, ngành, địa phương thông qua Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương (NGSP), hiện đã kết nối thành công tới 09 hệ thống chính.

An toàn, an ninh mạng tăng cường phục vụ CPĐT, làm chủ công nghệ

Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 07/6/2019 về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam; Thành lập Liên minh Xử lý mã độc và phòng chống tấn công mạng; Triển khai các Chiến dịch rà quét, bóc gỡ mã độc trên diện rộng, đặc biệt là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Bộ đã thực hiện giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin quốc gia phục vụ CPĐT, 32 địa phương đã thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin về tình hình lây nhiễm mã độc về Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia và Khai trương “Hệ thống Chia sẻ và giám sát an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử”.

Bộ đã cấp phép cho 84 DN kinh doanh sản phẩm, dịch vụ ATTTmạng, trong đó nổi bật là Viettel, VNPT, BKAV, CMC và FPT.

Bộ đã quy hoạch phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam gồm 8 nhóm với 24 dòng sản phẩm chủ lực, cơ bản tạo thành một hệ sinh thái đầy đủ cho CPĐT; Đánh giá, công bố 06 sản phẩm phòng, chống phần mềm độc hại, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật sử dụng trong cơ quan, tổ chức nhà nước, trong đó có 04 sản phẩm phòng, chống phần mềm độc hại do DN trong nước hoàn toàn làm chủ công nghệ.

Công nghiệp ICT ước đạt 110 tỷ USD

Doanh thu của lĩnh vực công nghiệp ICT ước tính đạt 110 tỷ USD, tăng trưởng 9,8% so với năm 2018, giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu lao động, nộp ngân sách nhà nước trên 53.000 tỷ đồng.

Các mặt hàng công nghiệp ICT đặc biệt là điện thoại và máy tính trong lĩnh vực phần cứng, điện tử vẫn giữ vững trong danh sách top 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam năm 2019, đưa ngành công nghiệp phần cứng, điện tử của Việt Nam xuất siêu khoảng 28 tỷ USD.

Bộ đã tổ chức thành công Diễn đàn quốc gia Phát triển DNcông nghệ Việt Nam với chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường”, tạo một định hướng phát triển mới sáng tạo, chủ động của ngành Công nghiệp ICT. Tại Diễn đàn này, Bộ TTTT đã chính thức tuyên bố chiến lược “Make in Viet Nam - sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất”.

Bộ TTTT đã xây dựng dự thảo Đề án Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Khởi động dự án phát triển báo chí và kiên quyết xử nghiệm thông tin giả mạo 

Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2022 và tổ chức thành công Diễn đàn “Báo chí & Công nghệ”; sự kiện này cũng chính thức khởi động nhằm thực hiện Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024”.

Trong công tác quản lý thông tin điện tử, Bộ đã chủ động đàm phán, đấu tranh quyết liệt với Facebook và Google, buộc 2 nền tảng này phải tích cực hợp tác, gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam và có giải pháp ngăn chặn tình trạng phát tán tin giả, thông tin xấu độc, tài khoản giả mạo trên nền tảng Facebook và Youtube; triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh về an ninh chính trị, kinh tế, kỹ thuật để yêu cầu Facebook và Google phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam.

Để xử lý vấn đề tin giả, Bộ đã thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trong nước ngăn chặn các website không rõ nguồn gốc đưa tin giả mạo; xử lý nghiêm các đối tượng trong nước phát tán thông tin giả mạo trên mạng; chỉ đạo các cơ quan báo chí đấu tranh, phản bác các tin giả, thông tin xuyên tạc về chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bộ cũng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để kịp thời cung cấp thông tin, định hướng các cơ quan báo chí thông tin chính xác, đầy đủ, khách quan về các vấn đề “nóng” đang được lan truyền trên mạng để hạn chế tác động tiêu cực; tiếp tục hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội.

Lan Phương