Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Năm 2020 chuyển đổi số quốc gia sâu rộng và toàn diện
Diễn đàn - Ngày đăng : 17:15, 28/12/2019
TTTT đóng góp tăng trưởng của Việt Nam
Tại Hội nghị, Thủ tướng đã khẳng định những kết quả, thành tựu của Ngành đã đạt được trong năm 2019.
“Tôi rất phấn khởi được đến dự tổng kết năm nay của Bộ TTTT, thấy rõ kết quả mà chúng ta đã đạt được, chúng tỏ chúng ta những lời nói việc làm có đi đôi với nhau. Sự tiến bộ của ngành TTTT tương đối toàn diện, tiến bộ toàn diện hơn năm trước. Năm nay, Việt Nam phát triển toàn diện, cả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh… Trong đó, nhiều chỉ số phát triển của Việt Nam liên quan đến ngành TTTT”, Thủ tướng đánh giá.
Viễn thông tăng trưởng 19%, đóng góp vào ngân sách nhà nước rất lớn, trong đó có nhiều tập đoàn, nhiều đơn vị, không phải chỉ có các tập đoàn, tổng công ty lớn như Viettel, VNPT, MobiFone… mà là đóng góp chung của 50.000 doanh nghiệp (DN) công nghệ ở khắp các địa bàn đã làm cho tổng ngân sách nhà nước lớn. Công nghiệp CNTT duy trì tốc độ tăng trưởng trên 10% trong bối cảnh cạnh tranh rất gay gắt.
Cùng với đó, các lĩnh vực thuộc ngành TTTT của Việt Nam đã có sự thăng hạng. Cụ thể như, chỉ số sẵn sàng ICT của Việt Nam đã tăng từ 95 lên 41 thế giới; xếp hạng an toàn, an ninh mạng Việt Nam từ 100 lên 50; xếp hạng lĩnh vực bưu chính tăng từ 50 lên 45 thế giới, lọt Top 50 là những kết quả rất tốt.
Bộ TTTT trong năm qua cũng đã triển khai thử nghiệm 5G, có kế hoạch tắt sóng 2G, chỉ đạo các DN nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G Việt Nam.
Bộ TTTT đã chỉ đạo xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam và tinh thần là Việt Nam phải làm chủ các sản phẩm an toàn, an ninh mạng.
Không chỉ đề ra mà Bộ TTTT trong năm qua đã khởi động các chương trình lớn về “Make in Vietnam” và chuyển đổi số.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan triển lãm giới thiệu các sản phẩm, giải pháp công nghệ bên lề Hội nghị
Bộ TTTT đã quản lý tốt hơn các mạng xã hội nước ngoài, không chỉ theo dõi mà còn chặn lọc thông tin xấu độc.
Bộ TTTT đã nhận nhiệm vụ là cơ quan thường trực về chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) và đã làm được một số việc rất quan trọng, đóng góp cho đất nước thay đổi về chất trong cuộc CMCN 4.0.
Năm 2020 chuyển đổi số quốc gia sâu rộng và toàn diện
Thủ tướng cho biết: Tổ quốc mạnh mẽ hay không là phải nhờ vào việc áp dụng công nghệ, quản lý thông tin và định hướng thông tin.
Thủ tướng đề nghị Bộ TTTT triển khai Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị. Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.
Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia vào đầu năm 2020. Bộ TTTT phải chỉ đạo các DN trong ngành đề đầu tư vào hạ tầng số, đi trước một bước về chuyển đổi số và đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số.
Năm 2020, Việt Nam làm chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ cho Bộ TTTT cần áp dụng công nghệ 4.0 vào 300 cuộc họp cấp Bộ trưởng khu vực ASEAN.
Đối với Bưu chính, chuyển phát Bộ TTTT phải xây dựng được mạng lưới chuyển phát sâu rộng tới từng hộ gia đình nhằm tạo nền tảng cho TMĐT phát triển.
Đối với lĩnh vực viễn thông, Việt Nam cương quyết không chậm hơn so với thế giới. 5G là nền tảng về hạ tầng, về phát triển các ứng dụng công nghệ mới.
Thủ tướng thống nhất với kiến nghị của Bộ TTTT về việc tắt sóng 2G để chuyển nhanh hạ tầng viễn thông lên công nghệ mới. Điều này là để 100% người dân Việt Nam có điện thoại thông minh và bổ sung tần số 4G nhằm nâng cao chất lượng mạng lưới và tốc độ băng rộng.
Nhà mạng viễn thông phải đảm nhiệm thêm vai trò cung cấp hạ tầng số, hạ tầng thanh toán không tiền mặt, từ xử lý căn bản các loại rác viễn thông, SIM rác, tin nhắn rác,...
Năm 2020 dứt khoát phải lành mạnh hoá ngành viễn thông, doanh thu có thể giảm một chút nhưng tin rác, tin xấu dứt khoát phải được quản lý cho tốt.
Nhà mạng phải có sứ mạng của một doanh nghiệp nền tảng, phải có trách nhiệm xã hội và là một nền tảng sạch, có trách nhiệm đảm bảo các nền tảng khác chạy trên hạ tầng mạng viễn thông cũng phải sạch.
Bộ TTTT phải có cơ quan thường trực làm tốt vai trò điều phối phát triển CPĐT trong khi vẫn phát huy sự chủ động của các bộ ngành, địa phương.
Đô thị thông minh đang nở rộ. Thủ tướng đề nghị Bộ cần phải có hướng dẫn cấu phần đô thị thông minh, nhất là cơ chế giám sát, điều hành từ đó có hướng dẫn triển khai, tránh việc làm theo phong trào, kém hiệu quả, lãng phí.
Năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia sâu rộng và toàn diện. Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành đề án chuyển đổi số quốc gia. Trên cơ sở đó, các bộ ngành, tỉnh thành chuyển đổi số cho lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp mình.
Bộ TTTT phải đi đầu về chuyển đổi số về các lĩnh vực bưu chính, viễn thông, báo chí, truyền thông đồng thời đôn đốc các cấp các ngành.
Lĩnh vực an toàn thông tin mạng có nhiều bài toán đặt ra. Việt Nam phải làm chủ các sản phẩm an toàn an ninh mạng. Phải tiếp tục phối hợp đào tạo lực lượng an toàn an ninh mạng. Việc đảm bảo an toàn an ninh mạng là đảm bảo sự thịnh vượng của Việt Nam trong không gian mạng.
Thủ tướng đồng thời nhấn mạnh: “Make in VietNam” là một định hướng lớn, là tuyên bố về sự chuyển dịch từ gia công sang làm chủ và sáng tạo về công nghệ tập trung các giải pháp phát triển Việt Nam, từ cái nôi Việt Nam sẽ đi ra thế giới. Các doanh nghiệp CNTT phải đi đầu trong chiến lược “Make in VietNam”.
“Chúng ta công bố hôm nay về việc thành công trong sản xuất thiết bị 5G ở Việt Nam, thì tính phổ cập trong năm 2020 phải được đặt ra”.
Bộ TTTT cũng phải trực tiếp thu hút được các tập đoàn công nghệ lớn của toàn cầu vào Việt Nam. Đây là một yêu cầu trong năm nay.
“Bộ TTTT phải đưa vào vận hành Trung tâm nghiên cứu chính sách 4.0. Cuộc cách mạng này chúng ta phải đi trước một bước”, Thủ tướng yêu cầu.
Về báo chí truyền thông, Thủ tướng yêu cầu: Báo chí phải thể hiện trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo nên sư đồng thuận và niềm tin xã hội, đặc biệt tạo nên một khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Chúng ta phải quyết tâm phấn đấu trở thành nước phát triển thịnh vượng vào năm 2045. Thực hiện nghiêm túc, chủ động hơn nữa quy hoạch báo chí được ký, không được lùi thời gian, cơ quan chủ quản nào làm không đúng thời hạn đã được thông báo trước thì tạm dừng để thực hiện xong quy hoạch….
Bộ TTTT có đề án chỉ đạo đổi mới công nghệ của kênh truyền thông cơ sở để thông tin đến người dân qua tất cả các hệ thống.
Về xuất bản, có chiến lược sách quốc gia, tăng số lượng sách xuất bản cho mỗi người dân, đưa sách về với các trường, thôn xã, hộ gia đình.
Thủ tướng tặng cờ thi đua của Chính phủ năm 2019 cho 4 đơn vị thuộc Bộ TTTT dẫn đầu phong trào công tác năm 2019: Cục ATTT, Bưu điện Trung ương, Văn phòng Bộ, Báo Vietnamnet
Thủ tướng nêu rõ: “Việt Nam có thể là một biểu tượng tiếp theo của sự trỗi dậy châu Á nếu tầm nhìn 2045 trở thành hiện thực với quyết tâm của chúng ta".
Trong nhiệm kỳ mới, Bộ TTTT mang tên gì cho xác đáng thì sẽ được thảo luận trong Chính phủ nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất một tên mới để thảo luận là "Bộ Truyền thông và Kinh tế số".