Cần hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông mở rộng không gian phát triển
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 20:18, 25/12/2019
Thứ trưởng Phạm Hồng Hải phát biểu
Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho biết: Năm 2019, mặc dù có rất nhiều khó khăn nhưng công tác quản lý nhà nước của 3 đơn vị đã có nhiều cố gắng để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) viễn thông hoạt động, phát triển và tăng trưởng như: chính sách quản lý chuyển mạch giữa nguyên số thuê bao (MNP), ngăn chặn SIM rác…
Ba đơn vị đã tiếp cận, nghiên cứu với nhiều nội dung, định hướng, chính sách mới như Mobile money, tần số cho 5G, hoạt động Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX).
Chỉ đạo công tác năm 2020, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nhấn mạnh một số công việc trọng tâm cho 3 đơn vị. Cụ thể, Thứ trưởng yêu cầu ba đơn vị cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý để đảm bảo các quy định quản lý nhà nước được ban hành phải được các DN viễn thông nghiêm túc thực hiện, nhất là trong các các nội dung thẻ trả trước, SIM rác, quy hoạch tần số, tên miền…
Các đơn vị tiếp tục nghiên cứu tổng kết Luật viễn thông, Luật Tần số VTĐ, các Nghị định 72, 25 theo hướng thúc đẩy lĩnh vực viễn thông, tần số VTĐ, Internet phát triển trong thời gian tới. Ví dụ: Luật Viễn thông có sửa đổi thành luật ICT hay không? Các nội dung mới như: quản lý dữ liệu, hạ tầng số, IoT, mobile money… có đưa vào luật này? Cần tiếp tục nghiên cứu chính sách thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các DN Viễn thông.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng yêu cầu ba đơn vị nghiên cứu các chính sách mới để mở rộng không gian cho các DN viễn thông phát triển.
Theo Thứ trưởng, thị trường viễn thông đã bão hoà, cần hỗ trợ DN mở rộng, tìm kiếm thị trường. Mobile money là cơ hội tốt cho DN viễn thông mở rộng không gian phát triển.
Ba đơn vị cũng cần đánh giá công nghệ, mô hình kinh doanh mới ảnh hưởng đến thị trường như thế nào như công nghệ OTT, vệ tinh tầm thấp, băng rộng đến tận hộ gia đình… khi thoại và nhắn tin truyền thống sẽ giảm. "Chúng ta phải có nghiên cứu thấu đáo các công nghệ mới tác động lớn đến thị trường viễn thông", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Nhiều DN hiện nay đang hướng tới sản xuất thiết bị viễn thông, đầu cuối, cần phải nghiên cứu chính sách hỗ trợ DN cả về thị trường, an ninh quốc gia.
Việc tắt sóng truyền hình mặt đất analog vào 2020 phải được lên kế hoạch tỉ mỉ trong năm 2020. Chương trình viễn thông công ích mới do Cục Viễn thông chủ trì, cần lên ý tưởng sớm.
“Quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông là thúc đẩy cạnh tranh, song song với đó, cần phải điều tiết thị trường ở một khía cạnh khác là các chính sách. Một trong các chính sách đó là chương trình viễn thông công ích”, Thứ trưởng cho biết.
Về tần số cho 5G, trong năm tới phải xong đấu thầu băng tần 2,6 GHz, quy hoạch băng tần 5G.
Đối với VNNIC, một trong những công tác trọng tâm là là tập trung phát triển VNIX.
“Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đúng tiến độ, để hỗ trợ DN. Đây là nhiệm vụ đầu tiên của cơ quan nhà nước để tạo điều kiện để DN phát triển”, Thứ trưởng yêu cầu.
Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải trao các Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 3 tập thể và 3 cá nhân
Tin nhắn rác giảm 90%
Thông báo kết quả công tác nổi bật của Cục Viễn thông, ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết: Năm 2019, giấy phép thử nghiệm 5G cho 03 doanh nghiệp (DN) (Viettel, MobiFone và VNPT) đã được cấp. Hiện Viettel đã chính thức thử nghiệm công nghệ này tại Hà Nội (tháng 5/2019) và TP. Hồ Chí Minh. VNPT, MobiFone đang triển khai đầu tư, lắp đặt hệ thống thiết bị 5G thử nghiệm trên thực địa và thử nghiệm trong năm 2019.
Ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông
Dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao đã trở thành động lực cho DN di động tăng cường năng lực cạnh tranh bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng và tập trung bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Sau hơn 1 năm triển khai, đã có hơn 1 triệu thuê bao đã chuyển mạng thành công (đạt tỷ lệ hơn 82%). Tỷ lệ chuyển mạng thành công đã tăng đáng kể so với thời điểm ban đầu triển khai dịch vụ này (tỷ lệ thành công < 50%).
Cục đã chủ động phối hợp với các đơn vị của Bộ chỉ đạo, hướng dẫn các DN triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để xử lý dứt điểm tình trạng SIM rác, tin nhắn rác. Hiện ước tính còn khoảng 6,8 triệu SIM nghi vấn có thông tin không chính xác đang lưu thông (chiếm dưới 5% tổng số thuê bao đang hoạt động và giảm 17 triệu so với thời điểm tháng 10/2018). Số lượt phản ánh tin nhắn rác giảm 90%.
Cục đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tham vấn DN, xây dựng phương án dừng công nghệ di động cũ 2G và đã có Phiếu trình Lãnh đạo Bộ có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương dừng công nghệ viễn thông di động mặt đất thế hệ cũ tại Việt Nam.
Theo Cục trưởng Cục Viễn thông, việc dừng công nghệ 2G sớm sẽ thúc đẩy tăng trưởng số lượng thiết bị đầu cuối thông minh, tiếp cận với nhiều dịch vụ mới (như hành chính công…); tạo điều kiện thúc đẩy việc thực hiện Đề án chuyển đổi số quốc gia, chính phủ điện tử, tăng chỉ số thứ hạng về Viễn thông của Việt Nam trên các bảng xếp hạng trên thế giới.
Năm 2019, Cục đã chỉ đạo DN viễn thông nâng cao tốc độ gói cước băng rộng cho người sử dụng với giá không đổi, góp phần nâng tốc độ truy nhập băng rộng di động tăng hơn 35% và băng rộng cố định tăng hơn 65% so với 2018.
Năm 2019, điểm chỉ số IDI của Việt Nam do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đánh giá đạt gần 5,57 tương ứng với hạng 81 ngang với Trung Quốc và Iran. Năm 2017, IDI của Việt Nam là gần 4,43, xếp hạng 108. Năm 2018, ITU không thực hiện xếp hạng.
Đóng góp tích cực triển khai 5G tại Việt Nam
Về công tác nổi bật của tần số VTĐ, ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số VTĐ cho biết: Năm 2019, Cục Tần số VTĐ đã tham mưu để Bộ TTTT cấp phép triển khai thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông 5G, góp phần vào thành công của việc thực hiện kết nối chính thức lần đầu tiên trên mạng di động 5G ở Việt Nam.
Ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số VTĐ
Cục đã cấp phép băng tần thử nghiệm 5G cho Viettel trên băng tần 2,6 GHz, 3,7 GHz, 27 GHz đến 21/1/2020; cho Mobifone trên băng tần 3,7GHz, 27GHz đến 22/4/2020 và cho VNPT trên băng tần 3.7GHz, 27GHz.
Về công tác kiểm soát tần số, Cục đã kiểm soát thường xuyên các tần số phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các tỉnh, thành phố, các tần số sử dụng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu nạn.
Cục đã tổ chức tốt công tác kiểm soát tần số VTĐ, xử lý nhiễu, đảm bảo an toàn thông tin vô tuyến cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên và hoàn thành giai đoạn III của Đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất.
Các hoạt động hợp tác quốc tế song phương, đa phương với EU, ASEAN đã được Cục đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng như có 04 đề xuất về thủ tục đăng ký vị trí quỹ đạo vệ tinh, đặc biệt là đề xuất liên quan tới các qui định triển khai hoạt động của chùm vệ tinh phi địa tĩnh.
Cục cũng giữ vai trò quan trọng trong nhiều tổ chức, diễn đàn vô tuyến khu vực và trên thế giới. Tại Hội nghị Thông tin vô tuyến của Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 25 (AWG-25) tổ chức tại Indonesia, đại diện Việt Nam (Cục Tần số VTĐ) đã được bầu vào chức Chủ tịch của Hội nghị nhiệm kỳ 2019 - 2022.
Đây là lần đầu tiên đại diện của Việt Nam được bầu vào vị trí Chủ tịch của AWG; thể hiện uy tín của Việt Nam trong khu vực, là sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về chuyên môn của các chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực thông tin vô tuyến; giúp nâng cao vị thế quốc gia và góp phần hiện thực hóa mục tiêu tham gia sâu vào các tổ chức quốc tế của Việt Nam.
Cục đã tham gia tích cực vào Đề án Bảo vệ chủ quyền tần số quốc tế của Việt Nam trên biển, đảo.
Tên miền quốc gia “.vn” có số lượng đăng ký sử dụng cao nhất ASEAN
Thông tin công tác nổi bật về phát triển tài nguyên Internet, bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc VNNIC cho biết: Tên miền quốc gia Việt Nam ”.vn” là tên miền mã quốc gia có số lượng đăng ký sử dụng cao nhất khu vực ASEAN, Top 10 khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc VNNIC
VNNIC đã “Nghiên cứu đề xuất, xây dựng và triển khai mô hình VNIX theo chuẩn Quốc tế”. Tháng 6/2019, Bộ trưởng đã phê duyệt cho phép mở rộng mô hình hoạt động của hệ thống Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) theo chuẩn mực quốc tế.
Các đối tượng kết nối không chỉ là các DN cung cấp dịch vụ có giấy phép ISP như hiện nay mà mở rộng cho phép tất cả các mạng có vùng địa chỉ IP và số hiệu mạng ASN độc lập của Việt Nam do VNNIC quản lý cấp phát được kết nối VNIX.
Là thường trực Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia, chỉ tiêu đặt ra trong công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện. Mạng Internet Việt Nam chuyển đổi thành công sang thế hệ mới sử dụng địa chỉ IPv6.
Tính đến hết tháng 11/2019, tỷ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam đạt gần 40%, Việt Nam đứng thứ 2 ASEAN, thứ 8 trên thế giới với hơn 21.000.000 người sử dụng IPv6. Chỉ số ứng dụng IPv6 của Việt Nam vượt xa nhiều quốc gia khu vực, đứng trong vị trí những quốc gia tiêu biểu nhất toàn cầu.
Kết quả thực hiện cuối năm 2019 cũng vượt mục tiêu chung đặt ra là đến cuối 2019, mức độ ứng dụng của Việt Nam đạt trung bình chung toàn cầu (hiện ở khoảng 22%).
Mạng Internet Việt Nam được chuyển đổi sang thế hệ mới sử dụng IPv6, hoạt động ổn định; dịch vụ IPv6 được cung cấp rộng rãi tới người sử dụng (bao gồm dịch vụ của doanh nghiệp, dịch vụ công của cơ quan nhà nước) góp phần đảm bảo cho hoạt động Internet Việt Nam bắt kịp với xu thế công nghệ mới.