ASEAN hướng tới năm 2020 với 5 ưu tiên lớn
Diễn đàn - Ngày đăng : 16:31, 20/12/2019
Tham dự Hội nghị có đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, các công chức, viên chức của Bộ TTTT, các Sở TTTT phía Bắc.
Hội nghị nhằm thực hiện Quyết định số 1439/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Triển khai “Tuyên bố ASEAN về vai trò của nền công vụ làm chất xúc tác trong việc đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025” và Chương trình hành động của Chính phủ về tuyên truyền, quảng bá ASEAN giai đoạn 2019 - 2020, tại Quyết định số 02/BCĐ ASEAN của Ban Chỉ đạo thông tin tuyên truyền ASEAN. Hội nghị còn cung cấp thông tin về Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN trên 3 trụ cột: Vai trò của nền công vụ làm chất xúc tác trong việc đạt được Tầm nhìn ASEAN 2025.
Ông Phan Thảo Nguyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TTTT
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Phan Thảo Nguyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết: Năm 2020 là năm Việt Nam đảm nhận Chủ tịch ASEAN với 300 hoạt động khác nhau, hoạt động truyền thông, quảng bá cũng nhiều hơn. Theo đó, việc truyền tải thông tin về ASEAN đến các nước thành viên và ra thế giới rất quan trọng. Việc truyền thông nhờ vào chính mỗi cán bộ TTTT, các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí.
Hội nghị lần này cũng tập trung trao đổi nội dung nền công vụ trong ASEAN mà chưa được trao đổi trước đây để đội ngũ công chức hướng tới hội nhập chung trong ASEAN.
5 ưu tiên lớn của Việt Nam trong đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN
Năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN. Việt Nam đã đưa ra chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” và đưa ra 5 ưu tiên lớn.
Ông Dương Hải Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao
Thông tin về các nội dung liên quan, ông Dương Hải Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao cho biết: Năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN. Đây là một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam trong năm 2020.
Việt Nam đã lựa chọn chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, để củng cố đoàn kết trong ASEAN, tăng cường cộng đồng, liên kết nội khối và thích ứng đối với các thách thức.
Việt Nam cũng đã xác định 5 ưu tiên lớn:
Một là, phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực trên cơ sở tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN; đẩy mạnh tinh thần gắn bó, tương trợ và ủng hộ lẫn nhau giữa các nước thành viên; nâng cao khả năng phối hợp lập trường chung của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế; thúc đẩy hình thành và tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung trong quan hệ giữa các quốc gia; ứng phó kịp thời, hiệu quả với các thách thức đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Hai là, thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0, theo đó liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện trong nội khối và với các đối tác; thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trên nền tảng đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số và các công nghệ mới; tiếp tục nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường các dịch vụ xã hội phục vụ người dân và nhóm yếu thế; hiện đại hóa nền hành chính công; xây dựng môi trường xanh...
Ba là, thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN, tạo dựng các giá trị chung của ASEAN và phổ biến rộng rãi trong người dân, thúc đẩy nhận thức và nhận diện về Cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng, nâng cao hình ảnh của Cộng đồng ASEAN trong khu vực và trên thế giới.
Bốn là, đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới, phát huy vai trò và đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế; mở rộng và nâng tầm quan hệ với các Đối tác trên toàn cầu, góp phần định hình cấu trúc và luật chơi mới của khu vực và thế giới.
Năm là, nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN: Cải cách thể chế, tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN; điều chỉnh, hoàn thiện và nâng cấp các quy trình, quy chuẩn trong ASEAN.
Nền công vụ ASEAN lấy người dân làm trung tâm
Cũng tại Hội nghị, bà Phạm Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nội vụ đã giới thiệu Quyết định 1439/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án triển khai “Tuyên bố ASEAN về vai trò của nền công vụ làm chất xúc tác trong việc đạt được tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025”.
Bà Phạm Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nội vụ
Mục tiêu của Đề án là thúc đẩy có hiệu quả ở cấp quốc gia các mục tiêu của “Tuyên bố ASEAN về vai trò của nền công vụ làm chất xúc tác trong việc đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025” nhằm đạt được các mục tiêu khu vực về xây dựng một Cộng đồng ASEAN hướng về người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội”.
Theo bà Hằng, nhận thức được vai trò của nền công vụ, từ năm 1981, ASEAN đã có hội nghị lần đầu tiên về cải cách công vụ. Hợp tác công vụ ASEAN đã được hình thành, hiện nay đã trở thành hợp tác chuyên ngành được tổ chức thông qua các hội nghị 2 năm 1 lần luân phiên giữa các nước.
Các nước cũng thống nhất hợp tác thông qua tập huấn, đào tạo, trao đổi, học hỏi, chia sẻ… với 3 nội dung tập trung là: nâng cao năng lực công chức; thực hiện dịch vụ công và xây dựng đội ngũ lãnh đạo đáp ứng sự thay đổi.
Với khẩu hiệu “Nền công vụ ASEAN lấy người dân làm trung tâm”, các nước ASEAN tập trung cung cấp dịch vụ công theo các hình thức khác nhau đảm bảo thuận lợi cho mọi người dân, tổ chức, tiếp cận theo các cách khác nhau, đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội và đội ngũ cán bộ phải có đủ năng lực giải quyết các nhiệm vụ công, chính sách đối với người dân.
Theo đó, công chức ASEAN phải đáp ứng 3 năng lực: trình độ tiếng Anh, ứng dụng CNTT để thực hiện, cung cấp dịch vụ công qua hệ thống chính phủ điện tử - xu hướng của các nền công vụ các nước ASEAN và phải có khả năng nghiên cứu xây dựng thể chế.
ASEAN cũng rất chú ý đạo đức công vụ, công chức nhà nước phải công tâm trong xây dựng chính sách và thái độ trong tiếp xúc với người dân.
Hiện nay, bộ phận 1 cửa được triển khai tại Việt Nam đang được thực hiện theo mô hình chung của ASEAN, người làm công vụ phải ngồi tiếp xúc với người dân và người dân đánh giá trực tiếp công chức thực hiện công tác tiếp dân.