Việt Nam là tâm điểm của cộng đồng ICT toàn cầu năm 2020
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 20:51, 19/12/2019
Đây là triển lãm có quy mô lớn nhất về viễn thông và công nghệ thông tin (VT-CNTT) và là sự kiện mang tầm cỡ toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm chủ trì họp báo công bố sự kiện
Phát biểu công bố sự kiện mang tầm cỡ toàn cầu được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2020, Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm cho biết: Đây là sự kiện lớn đóng góp thực hiện Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4.
Sự kiện là dịp để Việt Nam thu hút trí tuệ thế giới đóng góp cho Việt Nam phát triển CMCN 4.0, chuyển đổi số quốc gia, phát triển doanh nghiệp công nghệ số, phát triển kinh tế xã hội 10 năm tới.
Bộ TTTT đã chủ động trao đổi với ITU để Hội nghị - Triển lãm giới thiệu, trao đổi, thảo luận những gì mới nhất về công nghệ, mô hình kinh doanh ICT... và những vấn đề mà Việt Nam đang quan tâm.
Bộ TTTT cũng đang tích cực hỗ trợ DN chế tạo thiết bị 5G, trong đó có smartphone 5G với tinh thần "Make in Vietnam" năm 2019 để nhân dịp Hội nghị - Triển lãm sẽ công bố khai trương một số sản phẩm "Make in Vietnam" thể hiện sự phát triển ICT mạnh mẽ của Việt Nam.
Vai trò tích cực - chủ động của nước chủ nhà Việt Nam trong tổ chức sự kiện lớn
Hội nghị - Triển lãm có tên gọi ban đầu là Triển lãm Viễn thông thế giới (ITU Telecom World), là sự kiện quan trọng nhất trong năm của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) được tổ chức lần đầu vào năm 1971.
Từ đó đến nay, mỗi kỳ triển lãm đều thu hút sự tham gia của trên 5.000 đại biểu tới từ hơn 100 nước thành viên ITU, bao gồm 300 lãnh đạo cấp cao như Bộ trưởng, người đứng đầu các cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế, lãnh đạo tập đoàn, giới công nghiệp, các hiệp hội chuyên ngành, doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ (SME) và giới thiệu truyền thông toàn cầu.
Ông Triệu Minh Long, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế chia sẻ về tầm quan trọng của Hội nghị - Triển lãm tầm cỡ toàn cầu
Triển lãm bao gồm chuỗi các hoạt động như Diễn đàn Bộ trưởng, Hội nghị Thượng đỉnh và các hội nghị chuyên đề nhằm thảo luận và chia sẻ các chính sách và công nghệ, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý và DN về phát triển VT-CNTT toàn cầu nhằm thúc đẩy chuyển đổi kinh tế và xã hội số.
Ngoài ra, Triển lãm cũng sẽ giới thiệu, trưng bày các sản phẩm/thiết bị, ứng dụng, dịch vụ CNTT và truyền thông của các DN hàng đầu đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Triển lãm còn có các chương trình kết nối giới thiệu, chia sẻ ý tưởng, xây dựng quan hệ hợp tác cho các DN và giữa DN với các chính phủ. Các giải thưởng sáng tạo ICT có ảnh hưởng đến xã hội cũng sẽ được tổ chức trong khuôn khổ sự kiện.
Theo thông báo của ITU, kể từ năm nay, Triển lãm sẽ có tên gọi mới là Hội nghị và Triển lãm thế giới số 2020 (ITU Digital World 2020). Việc thay đổi tên gọi của ITU Telecom World bắt nguồn từ sáng kiến của Việt Nam trong kỳ Triển lãm năm 2019 tại Budapest (Hungary). Sáng kiến của Việt Nam được sự đồng thuận và đánh giá cao bởi các thành viên ITU.
Tên gọi mới được nhận định là phù hợp với xu thế phát triển, sự chuyển đổi của hạ tầng viễn thông là hạ tầng kinh tế số, xã hội số, hạ tầng của CMCN lần thứ 4.
Việc đổi tên sẽ đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của lĩnh vực viễn thông, trong chính sách và chiến lược hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra các giá trị mới của nền kinh tế làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hoá xã hội.
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TTTT sẽ chủ trì và phối hợp với ITU đăng cai tổ chức Hội nghị và Triển lãm Thế giới Số 2020 từ ngày 6 - 9/9/2020 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội. Việt Nam sẽ là nước chủ nhà đầu tiên tổ chức sự kiện với tên gọi mới.
Các chủ đề và nội dung đáng chú ý
Với chủ đề “Cùng nhau xây dựng thế giới số - Building the digital world together”, sự kiện sẽ đánh dấu cho việc chuyển đổi số toàn diện trong khu vực và trên toàn cầu từ chính phủ đến xã hội, DN để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số.
Sự kiện bao gồm: Diễn đàn cấp cao, hội nghị bàn tròn Bộ trưởng, phiên thảo luận, hội thảo chuyên đề, chương trình kết nối và chương trình giải thưởng vinh danh những sản phẩm đổi mới sáng tạo ICT có tác động lan toả lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.
Các chủ đề thảo luận dự kiến:
Kết nối (Connectivity) với các chủ đề phát triển mạng di động 5G, hình thức kết nối, quản lý tần số, kết nối vệ tinh, phát triển băng rộng, IoT cho tương lai kết nối số, nền tảng dùng chung cho chính phủ điện tử, đô thị thông minh và các hệ thống thông tin quan trọng.
Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (Innovation/Digital Transformation): Với các chủ đề về hệ sinh thái sáng tạo số, chương trình quốc gia về chuyển đổi số, cơ chế hợp tác quản lý mới đối với công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng AI hay học máy, kết nối trường học, thúc đẩy phát triển tương lai số.
Phát triển bền vững số và trách nhiệm doanh nghiệp (digital sustainable/responsible business): Thảo luận về các nguyên tắc cơ bản trên môi trường số toàn cầu, an toàn và an ninh môi trường số, bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường số, trách nhiệm/đạo đức khi sử dụng và khai thác dữ liệu cá nhân…
Theo Bộ TTTT, với tên gọi mới cùng với thông điệp của sự kiện, Việt Nam hy vọng ITU Digital World sẽ thu hút nhiều cơ quan quản lý nhà nước, các DN cung cấp sản phẩm, dịch vụ, giải pháp, công nghệ số đến tham gia trưng bày sản phẩm, bên cạnh các nhà cung cấp thiết bị, dịch vụ viễn thông truyền thống, cũng như các tổ chức, cá nhân có quan tâm đến sự kiện này.
Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vai trò trung tâm về lĩnh vực ICT trong khu vực ASEAN.
Bên cạnh đó, sự kiện sẽ góp phần vào việc thúc các DN công nghệ số trong nước, đặc biệt là các DN khởi nghiệp, DN vừa và nhỏ trong việc xúc tiến và thiết lập quan hệ đối tác với các công ty, tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.
Sự kiện cũng sẽ góp phần quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của ngành ICT nói riêng và quảng bá vẻ đẹp đất nước con người Việt Nam nói chung.