Sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về tín hiệu truyền hình cáp tương tự tại điểm kết nối thuê bao

Phát thanh truyền hình - Ngày đăng : 10:42, 19/12/2019

Trên thế giới, dịch vụ truyền hình cáp tương tự đã hình thành và phát triển từ những năm 1980. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì từ năm 2001 dịch vụ truyền hình cáp tương tự mới hình thành, phát triển và được chính thức công nhận hoạt động theo Quyết định số 79/2002/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý việc thu các chương trình của nước ngoài.

Khi mới hình thành và phát triển, dịch vụ truyền hình cáp tương tự sử dụng hệ thống cáp đồng trục để truyền dẫn các kênh truyền hình được điều chế tương tự từ trung tâm thu phát tập trung các kênh chương trình tới các thuê bao sử dụng dịch vụ.

Sơ đồ tổng quát hệ thống cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tương tự

Mặc dù được chính thức công nhận hoạt động từ năm 2002, nhưng đến năm 2015, Bộ Thông tin và Truyền thông mới ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số QCVN 87:2015/BTTTT (Thông tư số 08/2015/TT-BTTTT) về tín hiệu truyền hình cáp tương tự tại điểm kết nối thuê bao.

Theo quy chuẩn quốc gia QCVN 87:2015/BTTTT, để tuân thủ quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tương tự phải đo mức tín hiệu dịch vụ tại điểm tâp trung thuê bao gần nhất, đó chính là điểm phân phối tín hiệu thuê bao ở hình vẽ trên. Khi thực hiện đo tín hiệu theo quy chuẩn, doanh nghiệp sẽ phải đo 14 chỉ tiêu lớn và tại mỗi điểm đo chỉ cung cấp tín hiệu cho tối đa từ 8 đến 16 thuê bao hoạt động.

Theo biểu đồ phát triển thuê bao truyền hình cáp tương tự, thuê bao phát triền nhanh và đạt đỉnh vào cuối năm 2016 với hơn 7 triệu thuê bao chiếm hơn 50%số lượng thuê bao truyền hình trả tiền. Kể từ năm 2017, số lượng thuê bao truyền hình cáp tương tự không phát triển mà suy giảm. đến cuối năm 2019 chỉ còn hơn 5 triệu thuê bao, chiếm gần 30% số lượng thuê bao truyền hình trả tiền.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tương tự,  thì doanh nghiệp khó tuân thủ quy định do số lượng các tham số phải đo nhiều, có những tham số đã không còn tồn tại do sự phát triển của công nghệ truyền dẫn, sự phát triển của dịch vụ và số lượng điểm phải đo quá lớn.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cần phải quản lý chặt chẽ về chất lượng dịch vụ  truyền hình cáp tương tự cũng như khắc phục một số vướng mắc khi triển khai đo kiểm QCVN 87 : 2015/BTTTT, BộThông tin và Truyền thông đã giao Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử soát xét lại QCVN 87 : 2015/BTTTT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tín hiệu truyền hình cáp tương tự tại điểm kết nối thuê bao” báo cáo làm cơ sở để Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, ban hành quy chuẩn kỹ thuật về tín hiệu truyền hình cáp tương tự cho phù hợp hơn thực tế.

Khi nghiên cứu thực tế triển khai cung cấp dịch vu, thấy rằng mô hình cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp đã có nhiều thay đổi đặc biệt là hệ thống cáp đường trục. Trước đây, khi dịch vụ truyền hình cáp mới hình thành và phát triển, hệ thống cáp đường trục chỉ sử dụng để truyền dẫn các kênh truyền hình là hệ thống cáp đồng trục có độ suy hao trên đường truyền lớn nên cần nhiều bộ khuếch đại tín hiệu cao tần trên. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp cung cấp đa dịch vụ nên hầu hết hệ thống đường trục đã sử dụng cáp quang, có một số doanh nghiệp đã sử dụng đường truyền cáp quang đến tận thuê bao.

Sơ đồ cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tương tự hiện nay

Sử dụng hệ thống cáp quang để truyền dẫn tín hiệu nên suy hao trên đường truyền dẫn thấp, khuếch đại quang trên đường truyền không có sự can nhiễu giữa các kênh truyền hình. Ngoài ra, thực tế cung cấp dịch vụ cho thấy không có hai thuê bao trong một hộ gia đình.

Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã nghiên cứu đề xuất thay đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số QCVN 87 : 2015/BTTTT theo hướng hủy bỏ các chỉ tiêu ít ảnh hưởng đến dịch vụ và điều chỉnh địa điểm đo kiểm từ điểm tiếp cận thuê bao từ 6 đến 16 thuê bao sang điểm tập trung thuê bao từ 500 đến 2000 thuê bao.

Như vậy, Quy chuẩn kỹ thuật mới sau khi được ban hành sẽ chỉ còn 12 chỉ tiêu lớn, giảm 02 chỉ tiêu so với quy chuẩn QCVN 87 : 2015/BTTTT và thay đổi địa điểm đo kiểm từ điểm tiếp cận thuê bao sang điểm tập trung thuê bao để giảm số lượng mẫu đo kiểm cần thực hiện từ 50 đến 100 lần. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tương tự tuân thủ quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

PV