Việt Nam thuận lợi để thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng AI
Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 16:32, 12/12/2019
Hội nghị về “Khoa học thông tin và máy tính” (NICS 2019) do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia (NAFOSTED) phối hợp với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) tổ chức với sự tham dự của hơn 100 nhà khoa học đến từ 16 quốc gia.
Các nhà khoa học tham gia Hội nghị
Hội nghị là một diễn đàn học thuật cho các nhà khoa học của Việt Nam và trên thế giới trình bày các kết quả nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực thông tin và máy tính, đặc biệt là các kết quả thuộc hướng nghiên cứu ưu tiên được NAFOSTED tài trợ ở các lĩnh vực như khoa học máy tính, hệ thống mạng, truyền thông, công nghệ phần mềm, hệ thống thông tin, AI, phát triển tri thức.
NICS 2019 được tổ chức với 18 tiểu ban kỹ thuật: 6 tiểu ban về Truyền thông và Mạng, 8 tiểu ban về Tính toán thông minh, 1 tiểu ban đặc biệt về các công nghệ lượng tử mới dành cho các hệ thống thông tin di động 5G trở lên, 1 tiểu ban đặc biệt về các công nghệ mới trong lĩnh vực Thông tin, Mã hóa, và Xử lý tín hiệu trong Truyền thông, 1 tiểu ban về Kỹ thuật phần mềm cùng 1 tiểu ban về Khoa học máy tính.
Toàn cảnh Hội nghị
Với mục tiêu góp phần thúc đẩy phát triển nghiên cứu cơ bản trong khoa học thông tin và máy tính nói chung (trong khuôn khổ các hoạt động học thuật của NAFOSTED), NICS 2019 đã nhận được 174 bài báo khoa học của các các nhà khoa học đến từ 20 quốc gia với 441 tác giả tham gia viết bài. Trong đó, có 2 báo cáo mời (Keynote Speech) do 2 nhà khoa học quốc tế nổi tiếng trình bày.
Báo cáo mời thứ nhất do TS. Takeshi Takahashi, Viện CNTT-TT quốc gia Nhật Bản (NICT), một trong những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực an ninh mạng, giới thiệu về “Hướng tới đảm bảo an ninh mạng tự động: Trực quan hóa và các kỹ thuật máy học”.
TS. Takeshi Takahashi
Theo TS. Takeshi Takahashi, gần đây có nhiều vụ việc liên quan đến không gian mạng, và tầm quan trọng của bảo mật mạng đang ngày càng tăng lên để duy trì và phát triển xã hội mạng. Tuy nhiên, chúng ta thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực có kỹ năng. Để giải quyết vấn đề này, các hoạt động an ninh mạng cần được tự động và bán tự động hoá.
TS. Trần Thế Truyền
Báo cáo mời thứ hai của một nhà khoa học người Việt là TS. Trần Thế Truyền, Đại học Deakin, Australia trình bày về chủ đề “Máy học để nói về những vấn đề nó nhìn thấy”.
Trao đổi với PV Tạp chí TTTT, TS. Trần Thế Truyền cho biết: nhóm nghiên cứu đang thực hiện phát triển 1 hệ thống AI có thể xem phim, tivi, sau đó trao đổi lại với những người khác, như có thể trả lời những câu hỏi về nội dung bộ phim hoặc suy đoán….
Đây là công nghệ còn đang nghiên cứu nhưng được xây dựng trên nền tảng ghiên cứu cách đây 50 – 60 năm. Các công nghệ như xe tự lái, nhận dạng… tiếng nói, dịch thuật là những công nghệ riêng lẻ. Công nghệ của chúng tôi đang nghiên cứu là công nghệ tổng hợp phát triển lên một tầm cao hơn. Một phần mềm hoặc một hệ thống nhân tạo có thể hiểu biết được nội dung của một bộ phim, trả lời câu hỏi bằng ngôn ngữ tự nhiên thì đỏi hỏi ít nhất 4 công nghệ kết hợp lại với nhau, trong đó có công nghệ thị giác máy tính, công nghệ về xử lý ngôn ngữ tự nhiên, công nghệ suy diễn và một vài công nghệ khác.
Hội nghị lần này để chia sẻ những nghiên cứu mới nhất của thế giới, đồng thời lắng nghe các nghiên cứu, kết nối với các nhà khoa học, nhà quản lý trong nước.
Nói về cơ hội phát triển công nghệ AI trong nước, TS. Truyền cho biết, Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển như một số ngành đã được số hoá. Bên cạnh đó, chúng ta đang thực hiện thu thập khá nhiều dữ liệu, có nền tảng cơ sở tính toán tương đối tốt, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao CNTT. Các bạn trẻ trong nước học tập và năng động rất nhiều.
Quan trọng hơn nữa, theo TS. Trần Thế Truyền, AI là công nghệ tương đối mở, tức là thế giới có gì thì chúng ta cũng có cái đó, không có rào cản nào để tiếp thu công nghệ đó. Một bạn trẻ gốc CNTT có thể dành ra 3 tháng để học là có thể sử dụng được công nghệ này.
Thách thức của phần lớn là các bạn sinh viên là tiếng Anh, chủ động tiếp cận tri thức, sáng tạo trong công việc của mình. Ngoài ra, AI thực sự không có thách thức cơ bản nào cả vì nó cũng giống như các ngành CNTT khác. Có thể coi AI là một bộ phận của CNTT, chỉ là 1 bộ phận mới nổi lên và ảnh hưởng đến toàn diện bộ mặt đời sống xã hội
"Về cơ bản, để thúc đẩy AI tại Việt Nam, phải có đội ngũ tương đối giỏi về phương pháp luận, có kinh nghiệm thực tiễn. Đồng thời cũng phải có môi trường để các bạn sinh viên thử thách kỹ năng. Cái đó quan trọng hơn giáo trình", TS. Truyền nhấn mạnh.
Ngoài 2 báo cáo mời, hội nghị còn nghe và trao đổi các báo cáo liên quan đến các vấn đề khoa học mới trong lĩnh vực ICT, tiệm cận với xu hướng nghiên cứu trên thế giới ví dụ như công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo, tính toán hiệu năng cao...
Các nhà khoa học, các học giả Việt Nam và quốc tế đã có những chia sẻ kinh nghiệm hữu ích về các lĩnh vực liên quan.
GS. TSKH. Hồ Tú Bảo
GS. TSKH. Hồ Tú Bảo, Viện John von Neumann, Trường Đại học khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo NICS 2019 cho biết: Hội nghị quốc tế thường niên về “Khoa học thông tin và máy tính” được Quỹ NAFOSTED tổ chức định kỳ hàng năm từ năm 2014 đến nay và luôn thu hút được sự quan tâm của cộng đồng các nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Thành công của NICS’19 được hỗ trợ bởi nhiều nhà tài trợ và tình nguyện viên, đặc biệt có sự ủng hộ của Bộ TTTT, Phân ban IEEE Việt Nam, Phân ban IEEE COMSOC Việt Nam.
PGS. TS. Đặng Hoài Bắc
Là đơn vị đăng cai tổ chức Hội nghị, PGS. TS. Đặng Hoài Bắc, Phó Giám đốc Học viện cho biết các đại biểu tham dự hội nghị đã chia sẻ nhiều hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực ICT, đặc biệt chú trọng về AI, bảo mật. Trong đó, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chiếm 30% số lượng các báo cáo.
Hội nghị rất ý nghĩa khi một số chuyên gia đầu ngành người Việt tại nước ngoài cũng đã quay trở về và chia sẻ nhiều quan điểm và kinh nghiệm quý báu trong việc phát triển ngành CNTT, mở ra cơ hội gặp gỡ, giao lưu và hợp tác khoa học cho các nhà khoa học Việt Nam và nhà khoa học ở nước ngoài.