Fintech - Cơ hội cho khởi nghiệp số
Diễn đàn - Ngày đăng : 14:34, 06/12/2019
Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng về các dịch vụ tài chính, các định chế tài chính, ngân hàng đã luôn giữ vai trò cột trụ, quan trọng nhất. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi số ngày nay, khái niệm, phạm vi hệ thống tài chính đã và đang có sự thay đổi, mở rộng để đáp ứng nhu cầu giao dịch trực tuyến cũng như thói quen tiêu dùng của khách hàng.
Cơ hội trong môi trường chuyển đổi số
Chuyển đổi số (Digital Transformation) là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, tái định hình cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau (theo Bộ Thông tin và Truyền thông).
Theo nghiên cứu của Microsoft và IDC (2018) tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, các sản phẩm và dịch vụ số đóng góp 6% GDP, dự đoán tỷ lệ này sẽ tăng lên 25% trong năm 2019 và lên tới 60% vào năm 2021. Chuyển đổi số làm tăng năng suất lao động 15% năm 2017, dự kiến năm 2020 là 21%; 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong 3 năm tiếp theo. Trên quy mô quốc gia, chuyển đổi số ảnh hưởng ngày càng lớn đến tăng trưởng GDP, năng suất lao động và cơ cấu việc làm.
Trong lĩnh vực tài chính, chuyển đổi số có mục tiêu cụ thể đó là trở thành các ngân hàng số (Digital Banking) - số hóa tất cả những hoạt động và dịch vụ tài chính truyền thống phục vụ khách hàng. Khách hàng có thể thực hiện các giao dịch tài chính bằng hình thức trực tuyến qua Internet trên website hoặc trên smartphone/Ipad.
Các giao dịch ngân hàng số được thực hiện đơn giản và nhanh gọn, mọi lúc - mọi nơi, an toàn và bảo mật. Khách hàng không cần đến điểm giao dịch ngân hàng mà vẫn chủ động thực hiện được các giao dịch của mình với ngân hàng.
Theo WeBank (2018) ngân hàng số phát triển qua 4 cấp độ: (1) Ngân hàng số 1.0: Multi Channel (Đa kênh kết hợp với điểm giao dịch ngân hàng); (2) Ngân hàng số 2.0: Omni channel (Tích hợp đa kênh); (3) Ngân hàng số 3.0: Banking without a Bank (Ngân hàng trực tuyến và Hệ sinh thái) và (4) Ngân hàng số 4.0: Banking as Experiences (Ngân hàng trải nghiệm).
Biểu đồ tiến trình phát triển mô hình ngân hàng số
Digital Banking đã và sẽ ứng dụng các công nghệ cao như: dữ liệu lớn (Big Data), đám mây (Cloud), trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence), Token, Blockchain, API (Application Programming Interface), học máy (Machine learning), Chat bot...
Để thực hiện/ứng dụng những công nghệ trên, bản thân các ngân hàng có 2 hướng triển khai đó là: tự nghiên cứu, xây dựng hoặc thuê ngoài (outsourcin). Hướng đi thứ 2 ngày càng trở nên phổ biến và là xu hướng thông dụng hiện nay và tạo nên mối liên kết Fintech - Ngân hàng.
Vai trò, tiềm năng của các Fintech
Sự bùng nổ của các giải pháp Fintech do các tổ chức phi ngân hàng phát triển trong thời gian qua đã có một tác động đáng kể đối với lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đặc biệt trong việc thúc đẩy mở rộng tiếp cận dịch vụ tài chính.
Theo báo cáo Vietnam Digital Landscape 2019 của We are social và Hootsuite, đến tháng 1/2019, 72% người trưởng thành (dân số trên 15 tuổi) tại Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh; trong khi đó theo Statistic, số lượng người sử dụng điện thoại thông minh tại Việt Nam năm 2018 & 2019 (dự báo) đạt lần lượt 32,43 & 35,67 triệu người, và tiếp tục tăng nhanh chóng theo từng năm.
Việt Nam có 64 triệu người sử dụng Internet (trong đó 61.73 triệu người truy cập bằng thiết bị di động, chiếm 96% số người sử dụng Internet và gần 64% dân số Việt Nam), đứng vị trí thứ 6 khu vực ở Châu Á – Thái Bình Dương và thứ 13 trên thế giới (theo Internet World Stats).
Thêm vào đó, sự am hiểu lĩnh vực công nghệ thông tin của người trẻ tuổi; sự bùng nổ của thương mại điện tử, tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng thấp… là những yếu tố thuận lợi để phát triển các dịch vụ tài chính – ngân hàng dựa trên nền tảng Fintech tại Việt Nam
Lợi thế của Fintech
Mặc dù có những hạn chế về vốn, năng lực và kinh nghiệm quản trị, tuy nhiên các công ty Fintech có những lợi thế mà những doanh nghiệp tài chính lớn không có được, đó là: Tính linh hoạt, nhanh nhạy, có khả năng tiếp cận thẳng với những công nghệ hàng đầu hiện đại nhất, sáng tạo nhất; Quy mô nhỏ phù hợp với việc phát triển sản phẩm và tiếp cận thị trường, khách hàng một cách nhanh chóng, dễ dàng với quy trình rút gọn; Cung cấp môi trường đáp ứng được tối đa mong muốn, khát vọng cống hiến của người trẻ khởi nghiệp.
Các lĩnh vực, công nghệ tiềm năng
Nghiên cứu toàn cầu gần đây của Ngân hàng thế giới (WB) và của Oracle cho thấy, 515 triệu khách hàng trên toàn thế giới đã mở tài khoản ngân hàng thông qua các công ty Fintech trong ba năm qua và hơn 30% số người được hỏi cho biết họ sẽ xem xét việc thử nghiệm các dịch vụ do công ty Fintech cung ứng.
Nhìn chung, những lĩnh vực tiềm năng cho các công ty Fintech tham gia hiện nay gồm: Dịch vụ tài chính ngân hàng (thanh toán, tín dụng, huy động vốn, quản lý tài sản…); Dịch vụ đầu tư, bảo hiểm;Sản xuất, phân phối hàng hóa, logistic, y tế, giáo dục…
Bức tranh cơ bản về Fintech hiện nay
Theo số liệu từ Công ty Nghiên cứu thị trường Statista, trên thế giới hiện có khoảng 9.300 công ty Fintech đang cạnh tranh với các ngân hàng trong mọi lĩnh vực từ thanh toán, huy động vốn, cho vay, kinh doanh ngoại hối và cả tư vấn đầu tư.
Ở Việt Nam, Fintech đã thu hút được sự quan tâm rất lớn, các công ty này hiện chủ yếu tập trung ở các mảng: thanh toán, cho vay/huy động và các dịch vụ hỗn hợp khác. Doanh thu của lĩnh vực Fintech tại Việt Nam được dự báo đạt khoảng 9 tỷ USD vào năm 2020, khi nhiều sản phẩm đang gia tăng mạnh, nhất là trong các thanh toán qua di động, Internet và ví điện tử.
Toàn cảnh hệ sinh thái Fintech Việt Nam năm 2015 (Nguồn: FintechVN – Fintech Meetup Vietnam)
Toàn cảnh hệ sinh thái Fintech Việt Nam năm 2019 (Nguồn: FintechVN - Fintech Meetup Vietnam)
Tuy nhiên so sánh tương quan với các nước trong khu vực nhu Malaysia, Trung Quốc, Singapore cũng như các nước khác thì Fintech tại Việt Nam vẫn còn rất hạn chế cả về cơ chế chính sách, số lượng, phạm vi hoạt động và nhiều yếu tố khác.
Về số lượng, các công ty tham gia vào Fintech còn quá ít so với các nước trong khu vực, Singapore có khoảng 490 công ty, Indonesia là 262 công ty, Malaysia 196 công ty, Thái Lan 128 công ty…
Về chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam chưa có các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực do chưa có sự phối hợp đào tạo giữa chuyên gia CNTT và chuyên gia tài chính ngân hàng. Về cơ chế chính sách, hành lang pháp lý chưa đầy đủ và đồng bộ, thiếu môi trường thử nghiệm; thời gian cập nhật, sửa đổi, bổ sung pháp lý còn chậm so với tốc độ phát triển của công nghệ…
Yêu cầu trong quá trình khởi nghiệp số
Ở Việt Nam, khởi nghiệp trong lĩnh vực số thường gắn với thuật ngữ “khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” (Startup) để phân biệt với lập nghiệp thông thường. Theo quan điểm của người viết: “Khởi nghiệp sáng tạo là dự án khởi nghiệp bắt đầu từ ý tưởng sáng tạo trên nền tảng công nghệ mới và khác biệt với sản xuất, kinh doanh truyền thống”.
Nghiên cứu của Goldman Sachs (2003) đã chỉ ra rằng các nền kinh tế mới nổi sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh, và sự tăng trưởng này phải dựa trên sự phát triển của khoa học công nghệ. Nhiều nghiên cứu về vấn đề nền tảng của sự phát triển gần đây cũng cho thấy một nền kinh tế mới nổi/đang phát triển ngày nay sẽ không thể thu hẹp được khoảng cách về thu nhập với các quốc gia phát triển nếu họ không liên tục đổi mới, sáng tạo.
Điều kiện để khởi nghiệp thành công
Số liệu của Bộ TTTT cho thấy, hàng năm Việt Nam có hơn 1.000 DN khởi nghiệp, tạo ra động lực trong sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, chưa có thống kê về sự tồn tại và thành công của các startup này.
Thực tế, có một khoảng cách rất lớn giữa số những người có mong muốn khởi nghiệp sáng tạo với số người thực sự khởi nghiệp và càng lớn hơn với số người khởi nghiệp thành công.
Thống kê tại Đại học (ĐH) Bách Khoa Hà Nội cho thấy, hàng năm ĐH Bách khoa Hà Nội có khoảng 4.000 sinh viên ra trường và khoảng 1% trong số sinh viên đó (khoảng 40 sinh viên) thành lập các DN khởi nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1/3 trong số đó (khoảng 13 công ty) tồn tại được sau 3 năm.
Vậy cần chỉ ra điều kiện cần và đủ để khởi nghiệp sáng tạo thành công với những cơ hội thách thức như đã nói ở trên. Đó là mô hình “Sáng tạo - Khả thi - Hiệu quả”
(1) Sáng tạo bao gồm: (i) Sáng tạo những gì chưa ai làm (Công nghệ mới); (ii) Cải tổ và thay đổi cái cũ để tốt hơn.
(2) Khả thi là: khi bắt đầu, cần đối chiếu sáng tạo với thực tế, đảm bảo tính khả thi – tức biến ý tưởng thành hiện thực, đưa ra các sản phẩm cụ thể.
(3) Hiệu quả là điều kiện đủ để khởi nghiệp sáng tạo “thành công”, đó là khả năng tổ chức, quản lý, phát triển sản phẩm đáp ứng được yêu cầu người dùng, tạo ra hiệu quả kinh tế. Nếu không có hiệu quả tốt thì doanh nghiệp khởi nghiệp dù sáng tạo, khả thi đến đâu cũng không thể phát triển và tồn tại.
Một số đề xuất
Tại Việt Nam, hiện có đến 70% công ty Fintech là các công ty khởi nghiệp, có vốn đầu tư đến từ các quốc gia phát triển. Để phát triển và nuôi dưỡng hệ sinh thái fintech, cần duy trì sự phối hợp chặt chẽ giữa các đối tượng chính là Chính phủ, các trường ĐH, các tổ chức lớn (ngân hàng, bigtech).
Bên cạnh đó, 3 thành tố quan trọng nhất của một hệ sinh thái gồm (i) môi trường kinh doanh/khả năng tiếp cận thị trường; (ii) Chính phủ/hỗ trợ pháp lý và (iii) Khả năng tiếp cận vốn. Lợi thế của Việt Nam là 3 thành tố xây dựng hệ sinh thái đã hình thành, tuy nhiên để xóa bỏ rào cản và khó khăn hiện nay, sự kiến tạo về pháp lý, hỗ trợ về chính sách của Chính phủ là rất cần thiết để phát triển Fintech và hệ sinh thái.
Các đề xuất cơ chế thúc đẩy cơ hội khởi nghiệp fintech gồm:
Bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách cho hoạt động Fintech
Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét xây dựng chính sách hỗ trợ và tạo môi trường đầu tư cho DN khởi nghiệp Fintech. Có chính sách tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng và các lĩnh vực khác; Sớm ban hành pháp lý, cơ chế thử nghiệm (Sandbox) cho các ứng dụng công nghệ cao và đặc biệt công nghệ Fintech trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng
Xây dựng các trung tâm khởi nghiệp số quốc gia và trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạotại các trường ĐH
Trung tâm khởi nghiệp số quốc gia là trung tâm do chính phủ đầu tư, hỗ trợ, có môi trường thuận lợi để nuôi dưỡng ý tưởng sáng tạo, vườn ương khởi nghiệp, nơi kết nối cơ hội hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật cho các tài năng trẻ có ý tưởng sáng tạo.
Đây là môi trường có thể tổ chức thực tập, trao đổi, tạo điều kiện cho người trẻ tiếp cận thực tiễn và nghiên cứu, thử nghiệm các giải pháp sáng tạo về công nghệ, mô hình kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ…Là nơi chia sẻ kinh nghiệm từ các tổ chức, DN, ngân hàng, công ty công nghệ lớn (bigtech) trong nước và quốc tế cho khởi nghiệp để biến Sáng tạo thành Khả thi và hỗ trợ khởi nghiệp thành công.
Trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo tại các trường ĐH: Là nơi tạo điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng, phương tiện công nghệ cho các sinh viên tham gia phát huy tư duy sáng tạo, ý tưởng sáng tạo.
Kết nối ý tưởng sáng tạo giữa sinh viên với giáo viên, cựu sinh viên thành đạt của trường, kết nối với DN, nhà dầu tư ... để giúp ý tưởng sáng tạo khả thi; Hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo của giáo viên, sinh viên (lập DN; chuyển giao công nghệ; bán giải pháp, sản phẩm cho DN...) để đưa được giải pháp sáng tạo, sản phẩm sáng tạo ra kinh doanh, phát triển và hiệu quả.
Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đang nghiên cứu xây dựng Đề án trở thành trung tâm Tài chính khu vực và Quốc tế, như vậy cần thiết là phải xây dựng Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm Fintech để thu hút các Công ty Fintech trong nước và quốc tế đầu tư về TP. Hồ Chí Minh, để trở thành Trung tâm của khu vực về Fintech và đào tạo nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực công nghệ cao, về Fintech và nơi có môi trường, điều kiện tốt nhất để khởi nghiệp sáng tạo.
Xây dựng hệ sinh thái và đa dạng hóa sản phẩm Fintech
Một hệ sinh thái fintech là sự kết hợp giữa Công ty Fintech với Ngân hàng, công ty Tài chính, các công ty công nghệ, cơ quan quản lý nhà nước và các đối tác khách hàng.... Chỉ có kết hợp để tạo dựng một hệ sinh thái tương hỗ lẫn nhau thì mới tạo dựng được điều kiện, môi trường tốt nhất cho DN khởi nghiệp Fintech thành công và phát triển.
Bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái thì việc phát triển đa dạng sản phẩm Fintech không chỉ tập trung vào lĩnh vực Ngân hàng như thanh toán, chuyển tiền, cho vay online mà Fintech cần phải mở rộng sang các ứng dụng tiềm năng như quản lý tài chính, đầu tư trực tuyến, tư vấn tài chính cá nhân; các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, kinh doanh, logistic, giáo dục, y tế, du lịch…nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trong cuộc Cách mạng 4.0 và kỷ nguyên số hóa.
Tổ chức diễn dàn khởi nghiệp số, hội thảo Fintech và đẩy mạnh truyền thông
Các Cơ quan quản lý nhà nước kết hợp với các Tổ chức, hiệp hội công nghệ thường kỳ tổ chức các Diễn đàn, hội thảo... về khởi nghiệp số, Fintech, công nghệ số để chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu công nghệ mới, kiến nghị về chủ trương chính sách của nhà nước... nhằm thúc đẩy sự phát triển khởi nghiệp số, Fintech và ứng dụng công nghệ.
Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cộng đồng Fintech và giới truyền thông đẩy mạnh quảng bá, phổ cập kiến thức về Fintech, giới thiệu ứng dụng Fintech để cộng đồng người dân, DN nhận biết những lợi ích mà Fintech đem lại đồng thời phổ biến các biện pháp phòng ngừa hạn chế rủi ro trong giao dịch trực tuyến trên môi trường mạng.
Truyền thông khơi dậy khát vọng của lớp trẻ Việt Nam học tập, nghiên cứu nắm bắt kiến thức công nghệ cao, cơ hội của Cách mạng 4.0, của chuyển đổi số để khởi nghiệp sáng tạo, làm chủ công nghệ và phấn đấu làm giàu cho chính mình, cho DN và vì một Việt Nam hùng cường.