Đảm bảo ATTT là vấn đề tiên quyết trong triển khai CPĐT và xây dựng kinh tế số
Chính phủ số - Ngày đăng : 09:13, 28/11/2019
“Chúng ta đưa tất cả thông thông tin, dữ liệu, cuộc sống, cả những bí mật riêng tư của chúng ta lên không gian mạng mà không an toàn thì nguy hại vô cùng. Cho nên Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) dưới sự chỉ đạo của Chính phủ xác định nếu không có điều kiện này thì không làm những việc tiếp theo. Để phát triển đất nước thịnh vượng, Việt Nam chắc chắn là phải dựa trên Internet nhưng nó lại không hoàn toàn an toàn. Cho nên muốn Việt Nam thịnh vượng an toàn, an ninh mạng, chúng ta phải trở thành cường quốc về ATTT để bảo vệ sự thịnh vượng trên không gian mạng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 8/11
Người Việt Nam làm về an ninh mạng rất tốt. Trong 100 chuyên gia an ninh mạng được vinh danh toàn cầu năm 2018 thì đến 4 người Việt Nam, 2 người Việt Nam đang ở trong nước. Nước ta hiện nay đã có gần 100 doanh nghiệp (DN) cung cấp các sản phẩm dịch vụ an toàn, an ninh mạng. Có những sản phẩm ATTT chiếm đến 85% thị trường trong nước. Rất ít DN ở các quốc gia khác có sản phẩm an toàn thông tin (ATTT) mà chiếm lĩnh thị trường nhiều như vậy. Có những DN Việt Nam còn bán được sản phẩm ATTT ra nước ngoài (Nhật Bản). Đó là điều kiện thuận lợi của Việt Nam.
Bộ TTTT cách đây vài tuần có buổi họp tổ công tác CPĐT, đã thống nhất đối với dự án CPĐT thì sản phẩm an toàn, an ninh mạng nên là của người Việt Nam. Khi làm việc với 20 DN nòng cốt về an ninh mạng trong tất cả các hệ sinh thái đó chúng ta đều có thể tự làm được.
Bộ TTTT giao nhiệm vụ từng DN mỗi một sản phẩm an toàn, an ninh mạng sẽ được Bộ trực tiếp chỉ đạo. Có hệ sinh thái ATTT đã hoàn chỉnh đến 65%, còn 35% đầu tư thêm khoảng 1 năm nữa chúng ta về cơ bản hoàn thành. Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng chúng ta có thể an tâm trong việc đảm bảo an toàn an ninh thông tin trong quá trình xây dựng CPĐT và kinh tế số.
Việt Nam xếp hạng đứng thứ 10 trên thế giới về mạng máy tính ma, tức là máy tính bị nhiễm mã độc và sau đó tự động gửi tín hiệu, gửi thư rác ra quốc tế. Máy tính ma có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng việc dùng Internet nhiều nhưng máy lại cài phần mềm miễn phí. Mà phần mềm miễn phí bẻ khóa sẽ bị cài cắm trong đấy mã độc.
Thứ hai là người dùng tải các thông tin, các phần mềm trên mạng xuống, trong các gói dữ liệu ấy đã cài sẵn mã độc. Chúng ta nhận thư điện tử thì rất dễ kích vào các đường link có mã độc. Cho nên máy tính trong nước bị lây nhiễm nhiều. Hiện nay Bộ TTTT đã nhận ra việc này giải pháp đầu tiên quan sát và phát hiện chúng ta đã quan sát phát hiện tốt.
Bây giờ biết rõ địa chỉ nào nhiễm mã độc thì phải từng Bộ, Ngành, địa phương, từng đơn vị phải đứng ra loại bỏ mã độc trong hệ thống thông tin của mình. Bộ TTTT sẽ đứng ra vai trò là tổng chỉ huy việc này và vừa rồi đã tổ chức một đợt loại bỏ mã độc cho Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Trước đây thì mạng máy tính ma của Việt Nam tăng hàng năm, riêng năm 2019 đã giảm xuống. Năm vừa qua, chúng ta xếp hạng 50 toàn cầu về ATTT. Quốc tế đánh giá rất cao về mặt thể chế của Việt Nam. Chúng ta có Luật ATTT, Luật An ninh mạng và có chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian.
Về mặt hệ thống, đã tổ chức tốt từ Trung ương đến địa phương có các trung tâm giám sát không gian mạng quốc gia. Không chỉ riêng Bộ TTTT mà Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các tổ chức chuyên trách về phòng chống và ứng cứu khẩn cấp mạng máy tính. Chúng ta thành lập liên minh Việt Nam về xử lý mã độc.
Việt Nam sẽ tự chủ hầu hết thiết bị hạ tầng mạng viễn thông
Với câu hỏi của đại biểu Quốc hội về tính ATTT trong các thiết bị hạ tầng mạng nhập nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Các thiết bị trong lĩnh vực CNTT, điện tử viễn thông mà bây giờ 100% trong nước thì không làm được, nhưng Việt Nam đã có tiêu chuẩn về ATTT đối với các thiết bị nhập để sử dụng trên mạng lưới hạ tầng. Khi các cơ quan, tổ chức mua các thiết bị về sử dụng đều phải phải kiểm tra theo các tiêu chuẩn này và dán tem hợp chuẩn. Bộ TTTT cũng như cơ quan chuyên môn hàng năm có kế hoạch triển khai kiểm tra việc kiểm định đạt tiêu chuẩn.
Một số thiết bị mạng viễn thông do Việt Nam sản xuất
“Một số thiết bị nền tảng thì đất nước chúng ta cũng phải nghĩ đến việc tự sản xuất thiết bị này. Bộ TTTT đang thúc đẩy phát phát triển các DN công nghệ Việt Nam, DN công nghệ số hiện nay, còn gọi là công nghiệp ICT. Bộ TTTT đặt mục tiêu là thiết bị hạ tầng mạng lưới viễn thông do người Việt Nam làm chủ và tự sản xuất. Hiện nay, chúng ta có trên 70% các thiết bị hạ tầng mạng viễn thông là DN Việt Nam đã sản xuất được. Chúng ta cũng đặt mục tiêu đến cuối năm 2020, cơ bản 100% các thiết bị hạ tầng mạng lưới viễn thôngdo trong nước sản xuất”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Đặc biệt, yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là đến năm 2020 thương mại hoá mạng 5G tại Việt Nam, bằng thiết bị Việt Nam. Lĩnh vực công nghiệp ICT Việt Nam có khoảng 50.000 DN, có một số DN mạnh, đã phát triển mấy chục năm, đã đầu tư và mở rộng hoạt động ra nước ngoài. Từng bước làm chủ thiết bị viễn thông sẽ đảm bảo an toàn và độ tin cậy cho hạ tầng mạng lưới trong nước.
Thiết bị đầu cuối do Việt Nam sản xuất
Sau này, hạ tầng quan trọng là điện toán đám mây. Hiện nay chúng ta dùng các dịch vụ điện toán đám mây chủ yếu do các DN nước ngoài cung cấp. Bộ TTTT đã trực tiếp làm việc với một Công ty công nghệ Việt Nam, DN cam kết và có giải pháp khả thi cho việc xây dựng điện toán đám mây thuần của Việt Nam, đảm bảo an toàn cao. Trong tương lai, tất cả dữ liệu và ứng dụng được triển khai hiệu quả trên môi trường điện toán đám mây nên phải có cloud computing mà công nghệ của chúng ta, do chúng ta làm chủ.
“Nếu như Việt Nam làm chủ hoàn toàn thiết bị nền tảng viễn thông cộng với "đám mây" (cloud) thì tôi nghĩ hội tụ được các yếu tố rất cơ bản để đảm bảo cho môi trường mạng Việt Nam an toàn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.