Ứng dụng thanh toán mới thuận tiện và an toàn hơn

Kinh tế số - Ngày đăng : 16:41, 26/11/2019

Các tổ chức tài chính toàn cầu đánh giá Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động ở Đông Nam Á. Với sự tiện lợi và tính bảo mật cao, xu hướng dùng ví điện tử đang phổ biến mạnh mẽ ở Việt Nam.

Chuyển đổi ngân hàng số

Lĩnh vực tài chính ngân hàng tác động trực tiếp vào vòng quay sản xuất và lưu thông tiền - hàng - tiền nên số hóa ngân hàng nhanh, đưa thanh toán không dùng tiền mặt, đưa sự minh bạch hóa tất cả quá trình thanh toán sẽ góp phần thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp chuyển đổi số nhanh hơn.

Trong Hội thảo Công nghiệp 4.0 diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT, LienVietPostBank đề xuất: Chính phủ coi đây là một trong những giải pháp để thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia. Đối với LienVietPostBank cũng thế, chúng tôi cũng nhận định là bắt buộc phải chuyển đổi số.

Theo Ngân hàng Nhà nước, thanh toán điện tử tại Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng cả về số lượng giao dịch và giá trị giao dịch. Riêng quý I/2019, số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng 97,7% và 232,3% so với cùng kỳ 2018. 

Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động năm 2018 ở Đông Nam Á. Dự báo giá trị giao dịch thanh toán điện tử tại thị trường Việt Nam sẽ tăng lên 12,3 tỷ USD vào năm 2022.

Thông thường, mọi người nhìn thấy các ngân hàng số hóa dịch vụ, hướng tới đối tượng khách hàng online. Những dịch vụ này được dùng chung khái niệm digital banking. Cái chúng ta đang xây dựng đây, đang nói nhiều là sản phẩm đưa đến với khách hàng, đưa trực tuyến (online) đến khách hàng để khách hàng dùng máy tính, ứng dụng di động (Mobile App) hoặc dùng một hệ thống ví điện tử… có thể sử dụng dịch vụ online. Đây chỉ là mặt ngoài thôi.

Chuyển đổi số hoạt động của một ngân hàng là quá trình rất dài, cả chục năm chưa chắc đã chuyển đổi xong. Bởi vì muốn chuyển đổi số là tất cả các hoạt động ngân hàng đều phải được số hóa, từ hoạch định chiến lược đến quá trình vận hành, quản trị, quản trị rủi ro...

Ông Thắng chia sẻ: Chúng ta xây dựng những giải pháp để hướng tới đối tượng khách hàng có 4 giai đoạn: giai đoạn cách mạng digital 1.0 là đa kênh (multi channel) như Mobile Banking, internet banking.... và các hỗ trợ. Đó là điểm thấp nhất của digital banking.

Mức độ thứ hai hiện nay các ngân hàng Việt Nam có thể nhảy ngay vào làm đó là tích hợp kênh. Các giải pháp đưa vào một ứng dụng có thể cả thanh toán và ứng dụng thẻ... chung trong một app. 

Thứ ba là giai đoạn Digital 3.0: Đó là "banking without bank", tức là không cần đến ngân hàng nhưng mọi thứ có thể làm được và đến ngân hàng không phải đến thanh toán mà là đến với một hệ sinh thái.

Ngân hàng 4.0 là ngân hàng phát triển cao nhất hiện nay: Đây là trải nghiệm cá thể hóa, phục vụ cho từng cá nhân, phù hợp riêng cho một khách hàng, một đối tượng một doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, DN đó có thể cá thể hóa theo nhu cầu và sở thích khác nhau.

Phát triển phương tiện thanh toán đa năng

“LienViet Postbank đã có nhiều năm làm từ bước phát triển đầu tiên là SMS Banking, Mobile Banking. Từ cuối năm 2017, LienViet đã định hướng là bắt buộc phải xây dựng digital banking, cho ra đời một sản phẩm chúng tôi gọi là "nửa dơi nửa chuột" là thẻ phi vật lý đặt tên là Ví Việt. Thật sự là tài khoản trong Ví ấy là tài khoản thẻ chứ không phải tài khoản Ví”, ông Thắng cho biết. LienViet Postbank lấy nền tảng Ví Việt đó để xây dựng hệ thống đi thẳng vào ngân hàng tích hợp kênh.

“Ví điện tử thực ra chỉ là cái tên gọi thôi. Chúng tôi phải lập tức cho ra đời một sản phẩm mới là tích hợp đa kênh là LiênViệt24h. Trong đó cả hệ thống Ví phục vụ cho unbank, các sản phẩm về digital banking và thẻ tích hợp 3 trong 1. Chúng tôi cũng hướng tới để khách hàng đến nhà băng không phải là đến ngân hàng mà là cả một hệ sinh thái.Tức là đến với 1 app của ngân hàng để chọn ăn gì, mua gì, ở đâu rẻ, hay xem phim ở đâu, gọi taxi... cuối cùng mới là thanh toán. Đó là hệ sinh thái kết nối giữa hệ thống thanh toán, kể cả chuyện đi đăng ký logistic làm sao cho rẻ và nhanh nhất. Đó là cần xây dựng hệ sinh thái 3.0. Cuối cùng là hướng tới 4.0, chúng tôi đã định hướng để làm”, ông Thắng cho biết thêm.

Ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch HĐQT, LienVietPostBank

LienViet Postbank thành lập Ban chỉ đạo xây dựng chiến lược từ đầu. Trong chiến lược này chia ra từng giai đoạn, thứ tự làm trước, làm sau, có việc phải song hành giữa chuyển đổi số quản trị điều hành với số hóa về online hóa sản phẩm hướng tới đa dạng đối tượng khách hàng.

Ông Nguyễn Đình Thắng khẳng định: “Có một điểm khác biệt nữa là đội ngũ kỹ thuật của chính chúng tôi tự làm. Chúng tôi cũng tự hào "Make in Vietnam". Tức là phải làm chủ được công nghệ, làm chủ được phần lõi của từ ví điện tử cho đến hệ thống về Digital banking để có thể triển khai nhanh nhất. Đối với lĩnh vực số hóa đang tiến rất nhanh và thị hiếu của người tiêu dùng luôn luôn thay đổi, nếu chúng ta bị bó buộc trong một sản phẩm nước ngoài sẽ rất khó linh hoạt, không thể nhanh chóng thay đổi giao diện hoặc thêm sản phẩm mới”.

Sự chậm trễ trong việc này rất dễ xảy ra chuyện bị mất khách hàng trong tương lai. Cùng lúc có 25 cái ví điện tử cùng cung cấp trên thị trường thì rõ ví nào hay người ta sẽ dùng. Đó là một vấn đề quan trọng khi làm chủ công nghệ, ngân hàng dễ dàng phải điều chỉnh phù hợp (customize) nhanh nhất, cá thể hóa cho khách hàng. 

Trong quá trình như vậy, chúng tôi mong muốn xây dựng một công ty Fintech của chính chúng tôi và sản phẩm Ví Việt tới đây là LiênViệt24h là do người Việt Nam làm, hoàn toàn là "Made in Việt Nam"”, ông Thắng chia sẻ. 

Đối với các ngân hàng muốn triển khai ngân hàng số, chuyển đổi số chắc chắn có sự song hành giữa hai bên: ngân hàng và Fintech, một bên làm sản phẩm còn một bên triển khai. Nếu để một mình ngân hàng phải tự đi làm sản phẩm thì cũng chỉ duy trì được đội quân này trong thời gian ngắn vì không đủ sức.

Ông Thắng lý giải: “Do đó, chúng tôi tách ra. Công ty LienVietTech làm cho Ngân hàng Liên Việt đồng thời cũng làm cho các ngân hàng khác. Một bên đưa yêu cầu, một bên phân tích và chỉnh sửa cập nhật, thay đổi. Đó là làm chủ công nghệ”.

Mặt khác, trong lĩnh vực ngân hàng số cần phải có sự chia sẻ. Chia sẻ đầu tiên có thể là Ngân hàng Nhà nước hoặc những tập đoàn lớn có thể làm token chung. Hiện nay mấy chục ví điện tử nhưng không có bất kỳ kết nối trực tiếp nào. Người dùng không thể nào chuyển trực tiếp từ ví của mình sang ví điện tử của người khác nếu người đó không cùng 1 hệ thống. Muốn chuyển tiền giữa các loại ví điện tử khác nhau thì phải đi vòng qua Internet Banking.

“Việc dễ nhất là 2 ví điện tử “nhìn” thấy nhau, chỉ cần một giây có thể chuyển qua nhau được mà chúng ta lại chưa làm, nói gì đến chuyện chúng ta mang ví để thanh toán quốc tế hoặc phục vụ ở nước ngoài. Tôi nghĩ việc này cần những tác động thúc đẩy từ phía ngân hàng Nhà nước, cho phép tạo ra những token để chia sẻ các hệ thống ví điện tử trong nước và quốc tế”, ông Thắng kiến nghị.

Ngân hàng Liên Việt vào trung tuần tháng 10/2019 đã lần đầu tiên thử nghiệm mang Ví Việt của Việt Nam sang Seoul - Hàn Quốc, có thể quét mã thanh toán QR code ở Hàn Quốc và được xác nhận ngay, còn bên Việt Nam thì trừ luôn tiền Việt.

“Đương nhiên chúng tôi làm theo đúng Luật quản trị rủi ro, thanh toán quốc tế, hạn mức tiêu dùng...được tuân thủ đầy đủ. Nhưng đây mới là thử nghiệm thôi. Để làm thật thì phải có báo cáo với Ngân hàng Nhà nước, xem đã đúng luật hay không, xin phép như thế nào... Tôi thấy rằng token như vậy để cho khách nước ngoài vào Việt Nam có thể tiêu dùng tại Việt Nam một cách dễ dàng.

Về mặt giải pháp, công nghệ thì với đội ngũ Fintech ngân hàng không có gì khó cả. VISA, MasterCard có thể liên kết toàn cầu là cái thẻ cứng thôi. Thẻ mềm làm dễ hơn như thế, nếu chúng ta có thể viết được biết là một token ví Momo, của Vnpay, của LienViet PostBank... đi toàn cầu có thể thanh toán được hết. Chúng tôi ký hợp tác cùng là chúng tôi làm việc với BCcard thuộc Korea Telecom của Hàn Quốc giống như phương thức n 1, bất cứ ai cũng có thể kết nối vào và đều có thể thanh toán với cả 2 bên Việt Nam và Hàn Quốc. Mà đó chỉ là một token bình thường thôi”, ông Thắng chia sẻ.

Thuận tiện và an toàn hơn

Các ví điện tử hiện nay như MoMo, Ví Việt, VNPay… sử dụng công nghệ Tokenization là một quy trình bảo mật tự động mã hóa số thẻ của khách hàng thành token (những dãy ký tự đặc biệt). Thay vì lưu trữ số thẻ thì hệ thống chỉ lưu trữ các token trong các giao dịch sau này. 

Nếu xảy ra lỗ hổng dữ liệu, kẻ gian sẽ không thể truy cập được vào dữ liệu thẻ thật sự, bởi những mã token được lưu trong hệ thống sẽ không có giá trị đối với tất cả mọi người ngoại trừ đơn vị thanh toán hợp pháp. Nhờ đó, thanh toán bằng ví điện tử sẽ không còn nguy cơ lộ thông tin như thanh toán qua thẻ.

Có nhiều lý do khiến ví điện tử an toàn hơn thẻ như: mất điện thoại, lộ mật khẩu cũng không thể thanh toán do các ví điện tử hiện nay tích hợp sinh trắc vân tay; nhiều tầng bảo mật; không lo lộ thông tin thẻ bởi toàn bộ thông tin thẻ trên ví được mã hóa; không lo mất thẻ vì khi tích hợp trên điện thoại người dùng có thể để thẻ tại nhà.

Khi dùng ví điện tử, kẻ muốn "móc ví" của người dùng sẽ phải đối mặt với một hàng rào kỹ thuật bảo mật đa lớp. Để lấy được tiền trong ví, kẻ xấu phải có được số ví của bạn, sau đó lấy mã xác thực OTP tổng đài cung cấp đến số điện thoại của bạn (khi đăng nhập trên thiết bị điện thoại khác) và kế đến là mật khẩu ví mà chỉ mình người dùng biết.  

Khi giao dịch, kẻ gian tiếp tục gặp hàng rào OTP với các giao dịch nạp tiền, thanh toán có giá trị cao. Chưa kể, hệ thống cảnh báo giao dịch bất thường sẽ nhận định các giao dịch có nguy cơ rủi ro cao để ngăn chặn.

Các ví điện tử hầu hết đều được chứng nhận chuẩn PCI DSS - chứng nhận đảm bảo các công nghệ bảo mật của ví hoạt động hiệu quả theo các tiêu chuẩn cao nhất của ngành tài chính - ngân hàng quốc tế. PCI DSS là tiêu chuẩn bảo mật xác lập bởi Hội đồng Tiêu chuẩn Bảo mật (PCI Security Standards Council) gồm các thành viên: Visa, MasterCard, American Express, Discover Financial Services và JCB International. 

Để được cấp chứng chỉ này, nhà cung cấp dịch vụ phải kiểm tra mạng lưới hạ tầng hàng tháng, Hội đồng Tiêu chuẩn Bảo mật tới kiểm tra bảo mật hàng năm, nhằm đảm bảo đáp ứng và tuân thủ các nguyên tắc vàng về bảo mật.

PCI DSS là một tập hợp 12 yêu cầu dựa trên những nguyên tắc cơ bản gồm: Xây dựng và duy trì hệ thống mạng bảo mật; Bảo vệ dữ liệu thẻ thanh toán; Xây dựng và duy trì tình trạng đảm bảo an ninh mạng; Xây dựng hệ thống kiểm soát xâm nhập; Theo dõi và đánh giá hệ thống thường xuyên.

Nhờ ưu thế tiện lợi và tính bảo mật cao, xu hướng dùng ví điện tử đang phổ biến mạnh mẽ ở Việt Nam. 

Minh Thiện