78% doanh nghiệp hài lòng về cải cách thủ tục hành chính thuế 2019

Chính sách và chiến lược - Ngày đăng : 14:57, 21/11/2019

Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố báo cáo đánh giá cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thuế và mức độ hài lòng của doanh nghiệp (DN) năm 2019.

Thực hiện đề án "Đo lường sự hài lòng của người nộp thuế với sự phục vụ của cơ quan thuế", Tổng cục Thuế đã phối hợp với VCCI tổ chức khảo sát đánh giá sự hài lòng của DN năm 2019.

Theo VCCI, việc đo lường sự hài lòng của DN với cơ quan thuế nhằm thu thập những thông tin phản hồi, sự đánh giá của người nộp thuế với các chương trình cải cách của cơ quan thuế và có phương pháp lượng hóa theo các tiêu thức cố định so sánh được qua thời gian, làm cơ sở đánh giá việc thực hiện mục tiêu "đến năm 2020, tối thiểu có 80% số người nộp thuế hài lòng với các dịch vụ mà cơ quan thuế cung cấp" theo Chiến lược cải cách Thuế - đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Việc đánh giá lần này được thực hiện từ bên thứ 3 độc lập là VCCI chứ không phải cơ quan thuế tự đánh giá nên đáp ứng các tiêu chí về đánh giá hiệu quả quản lý thuế theo tiêu chuẩn Tadat (Bộ công cụ đánh giá hiệu quả quản lý thuế), nhằm thu thập thông tin phản hồi, sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan thuế.

Kết quả công bố đã phản ánh thực trạng cải cách TTHC của ngành thuế trên toàn quốc dưới góc nhìn của DN.

Cuộc khảo sát được thực hiện với 1.727 DN trên cả nước, trong đó 89% DN tới từ khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam (DN dân doanh). Đa số các DN tham gia khảo sát có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa và khoảng 3/4 số DN mới thành lập đi vào hoạt động trong vòng 10 năm gần nhất. Nội dung khảo sát gồm: Tiếp cận thông tin chính sách, pháp luật và TTHC thuế; việc thực hiện các TTHC thuế từ khâu đăng ký, thay đổi thông tin; kiến nghị cải cách thuế...

Kết quả chung đánh giá sự hài lòng của DN năm 2019 là 7,8 điểm, quy ra tỷ lệ % là 78%, tăng 3% so với năm 2016. Trong đó chỉ số tiếp cận thông tin về thuế tăng 0,23 điểm, sự phục vụ của công chức thuế tăng 1,50 điểm, kết quả giải quyết công việc tăng 0,41 điểm, có 2 chỉ số giảm điểm nhẹ là thực hiện TTHC thuế và thanh tra, kiểm tra thuế.

Cụ thể, về tiếp cận thông tin về TTHC thuế xấp xỉ 90% DN cho biết thông tin về TTHC thuế hiện sẵn có, dễ tìm và các biểu mẫu TTHC dễ điền. 76% DN nhận thấy thông tin TTHC thuế dễ hiểu. DN nhà nước đánh giá tích cực nhất về sự thuận lợi trong tiếp cận thông tin trong TTHC thuế trong khi DN FDI đánh giá tính tích cực thấp nhất trong 3 khu vực DN.

Về thực hiện TTHC thuế, 8/9 nghĩa vụ thuế nhận được từ 80% đánh giá dễ/tương đối dễ thực hiện từ các DN tham gia khảo sát. Trong đó, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN và thuế thu nhập cá nhân lần lượt đứng đầu về tiêu chí “dễ thực hiện”.

Ngược lại, thuế nhập khẩu và thuế xuất khẩu là những nghĩa vụ thuế khó thực hiện nhất. DN FDI và nhóm các DN dân doanh quy mô nhỏ là những nhóm cảm nhận được mức độ thuận lợi khi thực hiện các nghĩa vụ thuế thấp hơn so với các nhóm DN khác.

Về công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về thuế, kết quả khảo sát cho thấy 43% DN cho biết có tiếp đón đoàn thanh, kiểm tra thuế trong năm 2018 và nhìn chung, các DN trả lời khảo sát có đánh giá khá tích cực về nhiều khía cạnh trong công tác thanh kiểm tra. Chẳng hạn, 94% DN cho biết thời gian thanh tra, kiểm tra đúng như văn bản quyết định gửi đến DN, hoặc 93% DN đồng ý rằng họ được giải trình về những vấn đề chưa rõ.

Tuy vậy, hai khía cạnh nhận nhiều đánh giá tiêu cực nhất cần có biện pháp cải thiện đó là cách hiểu và áp dụng các quy định về thuế trong quá trình kiểm tra/thanh tra của cán bộ có xu hướng suy diễn bất lợi cho DN (33% DN nhận định), và tồn tại chi phí phi chính thức trong thanh tra kiểm tra (30% DN cho biết). DN quy mô nhỏ và mới hoạt động trong 2 năm gần đây đánh giá công tác thanh tra, kiểm tra thuế kém tích cực hơn DN ở các nhóm còn lại.

Trong khi 80% DN FDI sẽ khiếu nại hoặc khởi kiện nếu không đồng tình với kết quả truy thu, xử phạt thuế sau thanh, kiểm tra thì lựa chọn pháp lý này chỉ được lần lượt 42% DN dân doanh và 30% DN nhà nước lựa chọn. Ba lý do phổ biến nhất cho tình trạng này là do “lo ngại bị kiểm tra, thanh tra thêm”, “tốn kém chi phí của DN”, và “lo ngại ảnh hưởng đến quan hệ kinh doanh”.

Sự phục vụ của công chức thuế năm 2019 đã được DN đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực, hơn hẳn so với những cuộc khảo sát trước đây. Nếu như kết quả năm 2014 là 5,36 điểm, 2016 là 6,36 điểm, thì năm 2019 tăng lên 7,86 điểm.

Ngoài thái độ phục vụ của công chức thuế ngày càng tận tâm, tận tình với người nộp thuế, được cộng đồng DN ghi nhận đánh giá cao, cộng đồng DN cũng đánh giá kết quả giải quyết công việc của cơ quan thuế là ngày càng hiệu quả.Mức tăng điểm tuy chưa nhiều (0,41 điểm) nhưng đã phản ánh một phần những nỗ lực của ngành Thuế trong việc cải cách, đơn giản hóa chính sách, TTHC thuế, sửa đổi các quy trình nghiệp vụ và ứng dụng CNTT trong việc hỗ trợ DN khai thuế, nộp thuế điện tử…

PV