Dịch vụ OTT trong nước: Vừa đối phó với “phim lậu”, vừa phải cạnh tranh với OTT nước ngoài

Phát thanh truyền hình - Ngày đăng : 08:12, 13/11/2019

Dịch vụ OTT là một loại hình truyền hình trả tiền tuy còn khá mới nhưng đã có con số ấn tượng về thuê bao, khiến nhiều người lạc quan về sự chuyển đổi công nghệ của thị trường truyền hình trả tiền. Tuy nhiên, trong “cuộc đua” OTT truyền hình, các doanh nghiệp trong nước đang phải đối diện với một thực tế rất khác, phải cạnh tranh từ với các trang web phim lậu cho đến các OTT nước ngoài.

Đối phó với “Phim lậu”…

Một trong những khó khăn đối với các đơn vị đang kinh doanh dịch vụ xem phim trực tuyến theo yêu cầu ở Việt Nam chính là tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan trên những trang phim lậu. Trên Internet đang tồn tại hàng trăm trang web OTT lậu, cung cấp nội dung không có bản quyền nhưng thu hút lượng người xem rất cao.

Thống kê của Kantar Media cho thấy, các trang web cung cấp dịch vụ nội dung truyền hình, phim ảnh hàng đầu ở Việt Nam hiện nay tính theo lượng người sử dụng gồm có YouTube, Phimmoi.net, Zing TV, FPT Play, Phim Bất Hủ, HDViet. Nhưng hầu hết nội dung trên các trang web nói trên là không có bản quyền.

Hiện nay có hàng trăm các website bản quyền tiếng Việt đang vi phạm bản quyền các chương trình truyền hình, phim ảnh, ca nhạc. Những nội dung này họ tự động lấy lại của các đài truyền hình Việt Nam, của các đơn vị sản xuất điện ảnh, nội dung giải trí, một phần lớn nội dung là lấy từ các bộ phim điện ảnh, phim truyền hình của nước ngoài mà không có thỏa thuận hay xin phép đăng tải lại. Nguồn nuôi sống các trang web này là quảng cáo, trong đó có rất nhiều quảng cáo cho các dịch vụ bị cấm ở Việt Nam như: quảng cáo cờ bạc, cá độ bóng đá, quảng cáo liên quan đến sex, quảng cáo game không phép, game lậu.

Truyền hình OTT đang phải cạnh tranh bởi các trang phim lậu. (Ảnh minh họa)

Vi phạm bản quyền các nội dung truyền hình, phim ảnh một cách tràn lan đang trở thành gánh nặng lớn, làm giảm tốc các doanh nghiệp, kìm hãm sự phát triển chung của thị trường OTT Việt Nam. Trong khi đó, xử lý hành vi vi phạm bản quyền còn quá nhẹ.

Vì vậy, theo ý kiến của nhiều người, đối với các nhà cung cấp dịch vụ OTT, để cạnh tranh với OTT lậu trong nước còn khó khăn hơn cạnh tranh với doanh nghiệp OTT nước ngoài. Nếu vấn đề vi phạm bản quyền không được giải quyết thì đơn vị kinh doanh nội dung hợp pháp rất khó để phát triển được. 

… đến cạnh tranh với OTT nước ngoài

Hiện nay, các dịch vụ truyền hình OTT xuyên biên giới của Mỹ và Trung Quốc tràn vào Việt Nam và thu phí người dùng chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ tới thị trường truyền hình trả tiền nói chung và dịch vụ truyền hình OTT của Việt Nam nói riêng.

Các dịch vụ OTT trong nước phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về nhập khẩu nội dung, kiểm duyệt nội dung để đưa lên dịch vụ. Trong khi đó, các dịch vụ OTT nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, hoàn toàn không cần tuân thủ các quy định này, cũng không hề đóng thuế cho doanh thu phát sinh tại Việt Nam. Điều này dẫn tới giới hạn khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam so với các dịch vụ quốc tế ngay trên thị trường nhà.

Các dịch vụ OTT trong nước cũng đang khó khăn trong việc cạnh tranh với các OTT nước ngoài.

Do đó, Nhà nước cần phải có một hành lang pháp lý rõ ràng và công bằng cho các dịch vụ OTT, phải có những quy định yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh vào Việt Nam thì cần phải xin giấy phép, phải thực hiện chính sách kiểm duyệt nội dung, phải đóng thuế, giống như chính sách quản lý các doanh nghiệp truyền hình ở trong nước.

Thị trường dịch vụ xem phim theo yêu cầu vẫn còn rất mới mẻ ở Việt Nam, đất trống còn rất nhiều và nhu cầu của người dùng là rất lớn, cho nên thị trường vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Do đó, rất cần cho những chính sách để tạo điều kiện cho dịch vụ OTT trong nước phát triển.

AD