Sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp IoT Việt Nam tuân thủ chuẩn bảo mật toàn cầu

Diễn đàn - Ngày đăng : 13:08, 11/11/2019

Internet vạn vật (IoT) là một xu hướng mà các nhà sản xuất, các doanh nghiệp không thể không quan tâm trong kỷ nguyên số.

Ông Phạm Hoàng Tiến, Giám đốc Trung tâm Hỗ Trợ Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại hội thảo “Internet vạn vật (IoT) và việc tuân thủ tiêu chuẩn toàn cầu” mới đây cho biết: Dự kiến IoT sẽ kết nối tới 28 tỷ thiết bị vào năm 2020, từ các thiết bị đeo trên người cho đến thiết bị nhà thông minh.

Hội thảo “Internet vạn vật (IoT) và việc tuân thủ tiêu chuẩn toàn cầu” do VCCI tổ chức

Khả năng tương tác đóng vai trò quan trọng giúp IoT đạt được đầy đủ tiềm năng của thị trường. Khả năng tương tác này là vô hình đối với người sử dụng, nhưng điều quan trọng là các nhà sản xuất thiết bị IoT phải đảm bảo được khả năng tương tác phải liền mạch.

Vì vậy, nhằm giúp các doanh nghiệp (DN) hiểu và cải thiện sự tuân thủ tiêu chuẩn an toàn, khả năng tương tác và bảo mật cho người sử dụng các thiết bị IoT mà họ sản xuất, để sản phẩm của các DN đáp ứng được yêu cầu của thị trường toàn cầu, VCCI với chức năng hỗ trợ phát triển DN đã phối hợp với UL, một tổ chức công nghiệp độc lập hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực thử nghiệm và chứng nhận sản phẩm giới thiệu các tiêu chuẩn, năng lực kiểm nghiệm và chứng nhận cũng như các yêu cầu quy định đối với các sản phẩm IoT tiêu dùng tại các thị trường lớn như Bắc Mỹ, Mỹ Latinh, Trung Đông, châu Âu và châu Á.

UL có đội ngũ chuyên gia kỹ thuật trên khắp thế giới đã có 125 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khoa học về an toàn, giúp các công ty thích nghi với sự phức tạp của thị trường trong nền kinh tế toàn cầu và tiếp cận thị trường toàn cầu thông qua việc chứng minh sự an toàn, xác nhận tuân thủ, quản lý sự minh bạch, cung cấp hiệu suất và bảo vệ danh tiếng thương hiệu.

Theo ông Tiến, ngày nay, ngành công nghiệp IoT đã hiện hữu ở nhiều ngành lĩnh vực như phát triển các thiết bị đeo thông minh, nhà thông minh, thành phố thông minh, nông nghiệp nông minh, ô tô kết nối, chăm sóc sức khỏe, tự động hóa công nghiệp và năng lượng thông minh...

Khả năng tương tác đóng vai trò quan trọng giúp IoT đạt được đầy đủ tiềm năng của thị trường. Khả năng tương tác này là vô hình đối với người sử dụng, nhưng quan trọng là các nhà sản xuất thiết bị IoT đảm bảo được khả năng tương tác phải liền mạch.

Ông Kian Kim, Giám đốc dự án UL

Ông Kian Kim, Giám đốc dự án UL cho biết: UL có các dịch vụ như Kiểm nghiệm độ an toàn, an ninh mạng, kiểm nghiệm EMC, kiểm nghiệm không dây…

Với những dịch vụ đó, UL sẽ giúp các DN đảm bảo các sản phẩm và các quy trình sẽ được tuân theo các tiêu chuẩn được quy định. UL cũng sẽ cung cấp sự hỗ trợ và thông tin cần thiết để giúp bạn có được quyền truy cập thị trường toàn cầu.

Đại diện UL cũng cho biết thêm, UL có kinh nghiệm trong việc thử nghiệm tất cả các công nghệ không dây và là chuyên gia trong việc thử nghiệm, tuân thủ đối với các sản phẩm công nghệ không dây.

Về hiệu suất, UL cũng khẳng định sẽ giúp DN đánh giá và xác nhận hiệu suất của một sản phẩm để giúp nó hoạt động trong những điều kiện nhất định.

Với an ninh mạng, UL có thể giúp các DN giảm thiểu rủi ro không gian mạng và bảo vệ danh tiếng thương hiệu DN thông qua các chương trình như chương trình an ninh mạng cho xe cộ, chương trình đảm bảo an ninh mạng, chương trình xếp hạng bảo mật IoT.

Với EMC (tiêu chuẩn về khả năng tương thích điện từ) và không dây, UL giúp các nhà sản xuất đảm bảo rằng sản phẩm điện tử mới của họ an toàn khi ra mắt bằng cách đáp ứng các yêu cầu cần quy định cần thiết đối với EMC, hiệu suất radio, tiếp xúc với sóng vô tuyến, độ an toàn và thử nghiệm khác cho tính năng không dây.

“UL được uỷ quyền cấp dấu chứng nhận trên toàn cầu. Các công nhận của chúng tôi bao gồm chứng nhận về an toàn, EMC, không dây và hiệu quả năng lượng”, ông Kian Kim khẳng định.

Hoàng Linh