Người dân đi xuất khẩu lao động, nhờ mạng xã hội, chúng tôi được ở gần gia đình hơn
Phát thanh truyền hình - Ngày đăng : 08:20, 09/11/2019
Khi khoảng cách không còn là trở ngại cho liên lạc
Internet, mạng không dây, điện thoại thông minh, mạng xã hội… đang trở thành những phương tiện thông tin liên lạc phổ biến của những người thân khi có con cái, vợ, chồng..đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Những trang mạng trực tuyến này cho phép người dùng liên lạc với bạn bè, gia đình ở bất cứ nơi đâu và bất kỳ thời điểm nào.
Người dùng có thể đăng hình ảnh, cập nhật trạng thái (cho mọi người biết bạn đang làm gì hay nghĩ gì), viết ghi chú, gửi tin nhắn cá nhân và nhiều tiện dụng khác; mang đến cho người dùng cơ hội kết nối với tất cả mọi người, ngay cả khi ở cách xa hàng trăm dặm.Đây đang là công cụ hữu hiệu để người thân ở nhà và người đi xa liên lạc, trao đổi thông tin với nhau.
Hà Tĩnh là một trong những địa phương có lượng người đi xuất khẩu lao động đông đảo ở hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ ( đứng thứ 3 cả nước, sau Nghệ An, Thanh Hoá). Chính vì vậy, nhu cầu liên lạc để nắm bắt được tình hình người nhà ở “xứ người” luôn được người thân quan tâm, tìm hiểu.
Về vùng biển Thạch Kim ( huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) – một trong những địa phương mới nổi về hoạt động xuất khẩu lao động mới thấy hết được sự ảnh hưởng của mạng xã hội đến đời sống, sinh hoạt của người dân nơi đây.
Chủ tịch UBND xã Thạch Kim Hà Minh Tân chia sẻ: “ Những năm gần đây, lượng con, em trong xã đi xuất khẩu lao động ngày càng tăng. Đến thời điểm này, toàn xã đã có hơn 1.000 tham gia lao động ở nhiều nước trên thế giới. Đây được xem là hướng đi mới, giúp nhiều gia đình vươn lên, thoát nghèo, đảm bảo cuộc sống trong khi nghề đi biển đang ngày càng khó khăn.
Và hầu hết người thân trong gia đình đều thường xuyên giữ liên lạc với người đi xuất khẩu lao động để biết tình hình sức khoẻ, hoạt động sinh hoạt hằng ngày… của con, em mình. Các gia đình đã mạnh dạn mua thêm chiếc điện thoại thông minh, lắp đặt thiết bị phát sóng Wifi hoặc mua gói cước sử dụng 3G,4G để thoải mái gọi bằng Facetime, Facebook, Zalo… mà không bị giới hạn dung lượng hay phí cước”.
Bác Nguyễn Văn Tuấn cùng vợ là bà Trần Thị Mai (thôn Long Hải, xã Thạch Kim) dù bận rộn như thế nào cũng luôn căn đúng giờ để ngồi chờ con trai Nguyễn Văn Dương gọi điện về từ nước Nhật xa xôi. Bác Tuấn chia sẻ : “ Con trai đi xuất khẩu lao động chính ngạch sang Nhật Bản đã được gần 2 năm, cháu đang làm nhân viên kho trong một siêu thị. Khi cháu đi gia đình cũng được con gái lớn mua tặng một chiếc điện thoại để lập tài khoản Facebook và gọi điện cho con trai cho nó tiện.
Con đi xa, bố mẹ lo lắng nên ngày nào cũng bảo cháu gọi về. Dùng Facebook tôi còn biết thêm được nhiều thông tin và xem được hình ảnh cháu chụp lên.Qua mạng xã hội và các cuộc gọi thoại bằng video, bố mẹ và con cái có thể thấy mặt nhau, khoảng cách xa xôi tự nhiên cũng thấy được gần lại. Ở bên này có dịp liên hoa, cả nhà ngồi lại là gọi cho cháu để cháu thấy được cuộc sống bên này mà yên tâm làm việc”.
Anh Nguyễn Văn Dương – Con trai Bác Nguyễn Văn Tuấn cùng vợ là bà Trần Thị Mai trao đổi với chúng tôi qua cuộc gọi thoại trên mạng xã hội : “Xưa nhà không có mạng không dây và điện thoại thông minh nên chịu, không biết nhiều tin tức ở nhà. Bây giờ có mạng nên cảm thấy gần nhau hơn hẳn, bố mẹ gửi ảnh, bạn bè gửi ảnh chia sẻ cuộc sống ở nhà và ở nơi làm việc. Hầu như các hoạt động đều được cập nhật lên, mình cũng vơi đi nỗi nhớ thương khi phải xa quê.Bản thân sẽ cố gắng hoàn thành hợp đồng để sớm trở về quê hương”.
Nguôi nỗi nhớ mong nhờ thường xuyên liên lạc qua mạng xã hội
Đối với chị Nguyễn Thị Lan ( thôn Hoa Thành, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà), internet và mạng xã hội đã giúp chị nguôi nỗi nhớ mong khi chồng chị đang đi làm việc tại Hàn Quốc. Chị Lan cho biết : “ Mình ở nông thôn, tay chân vụng về nên trước cũng ít tìm hiểu mấy cái này lắm, vì thấy khó quá. Sau thì chồng đi xa, cần liên lạc hơn thìphải nhờ người nói thêm mới có thể làm được. Nhờ chiếc điện thoại thông minh mà chị và con gọi điện được hằng ngày cho bố. Biết được sức khoẻ, công việc, chỗ ngủ và sinh hoạt để con đỡ nhớ bố.Cũng nhờ công nghệ hiện địa mà giờ ở xa mấy cũng có thể thấy được mặt nhau, không phải như xưa nữa”.
Còn tại xã Thiên Lộc ( huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) – một trong những vùng quê có truyền thống đi xuất khẩu lao động từ nhiều năm nay, cuộc sống của người dân càng ngày càng khấm khá. Công nghệ thông tin, mạng xã hội, gọi video call… đã không còn xa lạ gì với người dân nơi đây khi liên lạc với người thân đi làm ăn xa bên nước ngoài.
Chị Phan Thị Bảy ( thôn Trung Hải, xã Thiên Lộc) chia sẻ : “ Hiện con gái Mai Thị Linh của chị đang đi xuất khẩu lao động ngành điều dưỡng tại Đức. Nhớ con nên chị thường chủ động nhắn tin qua Facebook, vì thế mà cũng cảm thấy được an ủi phần nào, chứ như xưa không biết cách nào liên lạc thì suốt ngày chỉ lo không biết con ở bên sống và làm việc ra sao. Con chị đi theo hướng dẫn của Sở LĐTB&XH trong đợt tuyển điều dưỡng viên của Đức, sang bên ấy được đảm bảo an toàn, có chỗ ăn ngủ và làm việc trong môi trường tốt nên việc liên lạc về nhà cũng rất dễ dàng”.
Trao đổi với bạn Mai Thị Linh qua tin nhắn trên Facebook : “Việc gọi điện về cho mẹ và gia đình đã thành thói quen, mình cũng thường xuyên đăng ảnh đi chơi với các bạn Việt Nam, các anh chị cùng chỗ làm để bố mẹ theo dõi trên Facebook. Nhờ đó mà mình cũng đỡ cảm thấy đỡ tủi thân và nhớ nhà trong những năm tháng xa cách và có động lực để làm việc tốt hơn”.
Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc Đặng Anh Tuấn chia sẻ : “ Những năm qua, con em Thiên Lộc chủ yếu tham gia đi xuất khẩu lao động, nhờ vậy, kinh tế địa phương đã có nhiều bước phát triển hơn trước. Hệ thống mạng không dây, mạng điện thoại đến tận từng thôn, xóm nên các gia đình cũng thường xuyên giữ liên lạc với người thân bên nước ngoài nhờ gọi điện thoại hoặc video call trên điện thoại di động”.
Còn đối với ông bà Nguyễn Đình Phúc sống tại thôn Thái Xá 2 ( xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) việc liên lạc vơi cậu con trai út vào lúc 9h tối đã trở thành thói quen hằng ngày. Ông Phúc tâm sự : “Năm nay cháu 23 tuổi, tốt nghiệp cấp 3 xong thì cháu đi học nghề rồi tham gia đi xuất khẩu lao động ở Nhật. Vì khoảng cách và khác múi giờ nhau nên thường thì 9h tối cháu mới gọi về được. Quan trọng nhất là mình thấy được mặt cháu để thêm yên tâm và nhìn cho đỡ nhớ.
Bây giờ đời sống hiện đại, liên lạc được thường xuyên nên cảm thấy đi xa cũng không phải lo lắng như trước đây. Không chỉ có tôi mà nhiều gia đình khác trong thôn có con đi xuất khẩu lao động cũng đã mua điện thoại di động thông minh, kết nối mạng Internet. Thao tác cũng đơn giản nên chỉ cần tìm hiểu và học một lúc là biết. Đời sống mới và biết được nhiều thông tin hơn cũng nhờ có mạng Internet”.
Anh Nguyễn Đình Nam – Con trai ông Nguyễn Đình Phúc tâm sự : “ Khoảng cách về địa lý được kéo gần lại, ở nhà có chuyện gì mình cũng có thể biết được và chung vui vùng mọi người. Mỗi lần Tết đến hay có dịp gia đình tụ họp là bố mẹ, anh chị lại gọi ngay. Những khoảnh khắc và niềm vui ở bên Việt Nam mình cũng cảm nhận được theo, thấy an tâm hơn khi gia đình đều khoẻ mạnh. Nhờ Facebook mà mình thường xuyên cập nhật được thông tin của bạn bè ở các nước khác, nhắn tin và chia sẻ hoạt động trong cuộc sống với các bạn. Cuộc sống đỡ buồn và nhàm chán hơn rất nhiều”.
Ở Hà Tĩnh, hiện nay, nhiều vùng quê đã đổi thay, trở nên trù phú nhờ có con em đi xuất khẩu lao động như : xã Mỹ Lộc, xã Thiên Lộc, xã Vượng Lộc ( huyện Can Lộc), xã Cương Gián (Nghi Xuân), xã Thạch Kim, Thạch Bằng ( huyện Lộc Hà)…Và cũng nhờ công nghệ thông tin bùng nổ, thời đại mạng internet lên ngôi với sự “phủ sóng” của nhiều mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram… các gia đình và người đi làm ăn xa ở ngước ngoài thường xuyên nhận được thông tin về nhau, kéo gần lại khoảng cách về địa lý, thời gian, giúp những người đi xa yên tâm làm việc và lao động.