Hà Nội triển khai các thành phần cơ bản của trung tâm điều hành thông minh

Diễn đàn - Ngày đăng : 10:44, 08/11/2019

Trong năm 2019, Thành phố đã tập trung triển khai một số Trung tâm chức năng gồm: Trung tâm Giám sát bảo mật, an toàn thông tin; Trung tâm Quản lý thông tin báo chí và thông tin truyền thông...

Thời gian qua Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 05/2015/NQ-HĐND ngày 1/12/2015, Nghị quyết số 11/2017/NQ-HĐND ngày 5/12/2017 của hội đồng nhân dân Thành phố về Chương trình mục tiêu Ứng dụng Công nghệ Thông tin (CNTT) trong hoạt động cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có mục tiêu từng bước hình thành trung tâm điều hành thông minh thành phố Hà Nội.

Thành phố Hà Nội đã xác định việc sẽ hình thành Trung tâm Điều hành Thông minh thành phố Hà Nội với 8 Trung tâm chức năng gồm: Trung tâm Giám sát bảo mật, an toàn thông tin; Trung tâm Hỗ trợ cho cán bộ sử dụng công nghệ thông tin của Thành phố; Trung tâm Quản lý thông tin báo chí và thông tin truyền thông; Trung tâm Giám sát, điều hành giao thông và phòng chống tội phạm nơi công cộng; Trung tâm Phân tích dữ liệu; Trung tâm Hỏi đáp ý kiến phục vụ người dân; Trung tâm Quản lý Dịch vụ công Thành phố; Trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin cấp cứu, phòng cháy chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, y tế.

Trong năm 2019, Thành phố đã tập trung triển khai một số Trung tâm chức năng gồm: Trung tâm Giám sát bảo mật, an toàn thông tin; Trung tâm Quản lý thông tin báo chí và thông tin truyền thông; Trung tâm Giám sát, điều hành giao thông và phòng chống tội phạm nơi công cộng; Trung tâm Hỏi đáp ý kiến phục vụ người dân; Trung tâm Quản lý Dịch vụ công Thành phố (Trên cơ sở thống nhất cả chức năng, nhiệm vụ của lập Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố theo quy định Nghị định số 61/2018/NĐ-CP).

Hệ thống Giao thông và Du lịch thông minh

Đối với giao thông thông minh: Tại Hà Nội, Thành phố đã triển khai hệ thống Thông tin Giao thông tích hợp của thành phố và các hệ thống gồm: Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ bằng hình ảnh; Hệ thống phần mềm giám sát an ninh công cộng; Hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông thông minh tại một số nút giao thông; Hệ thống biển báo giao thông điện tử; Hệ thống phần mềm trung tâm giám sát, điều hành giao thông thông minh tích hợp với Trung tâm Điều hành thông minh thành phố Hà Nội; Hệ thống phần mềm quản lý và điều hành vận tải công cộng, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn; Hệ thống vé điện tử thông minh dùng trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; Hệ thống thu phí điều tiết, hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân. Tiếp tục triển khai diện rộng hệ thống Iparking tại các điểm trông giữ xe ô tô trên địa bàn các Quận của Thành phố.

Đối với du lịch thông minh: Thành phố Hà Nội đã triển khai Cổng thông tin Du lịch Hà Nội và Ứng dụng trên điện thoại di động; Phần mềm quản lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch. Đồng thời triển khai theo yêu cầu thực tế các nội dung: Bản đồ số du lịch Hà Nội; Hạ tầng tích hợp dữ liệu du lịch Hà Nội; Phương tiện hỗ trợ truy nhập thông tin cho khách du lịch.

Ngoài giao thông và du lịch, Hà Nội cũng cho biết, địa phương sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai một số thành phần cơ bản của Y tế thông minh, Giáo dục thông minh, Môi trường thông minh, Nông nghiệp thông minh, Đô thị thông minh,... trong thời gian tới.

Giải pháp triển khai mạnh mẽ hơn

Được biết, để triển khai mạnh hơn các thành phần cơ bản của Trung tâm Điều hành Thông minh, Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội; kiện toàn các Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tại các cơ quan hành chính nhà nước của Thành phố.

Xây dựng và ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành: Đề án xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến 2025, định hướng đến 2030”; Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội và các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện; Thiết kế tổng thể về an toàn thông tin mạng cho các hệ thống thông tin và hệ thống mạng diện rộng của Thành phố; Kế hoạch giám sát an toàn thông tin mạng đối với hệ thống, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ chính quyền điện tử thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế hỗ trợ phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn Thành phố. Ưu tiên, bố trí nguồn lực, ngân sách Thành phố hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghệ thông tin tập trung phù hợp với định hướng quy hoạch và quy định pháp luật.

Tăng cường công tác kiểm tra tình hình triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại các đơn vị của Thành phố.

Ngoài ra Thành phố cũng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô; tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn thông tin mạng trên địa bàn Thành phố.

Thực hiện nhiều hình thức như: Xây dựng chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, tọa đàm, hội thảo, các chương trình truyền hình, các giải pháp truyền thông hiện đại để tuyên truyền rộng rãi về các kế hoạch, hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của Thành phố. Tổ chức đánh giá, xếp hạng mức độ Chính quyền điện tử của các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố.

 Đào tạo nguồn nhân lực. Đổi mới chương trình, nội dung, phương thức đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng hình thức đào tạo trực tuyến cho đội ngũ cán bộ, công chức; quan tâm đến các nội dung đào tạo, nâng cao nhận thức về Thành phố thông minh đối với người dân.

Tăng cường phối hợp với các Trường Đại học, tập đoàn công nghệ thông tin lớn đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nâng cao, chuyên sâu về công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố; hợp tác với Thành đoàn Hà Nội triển khai công tác đào tạo cho các đối tượng là đoàn viên trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế. Tăng cường trao đổi, hợp tác với các Thành phố trong nước (đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng) và quốc tế về xây dựng Chính quyền điện tử, Thành phố thông minh; duy trì, đẩy mạnh hợp tác với các tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu trên thế giới và trong nước.

Tại Hà Nội, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động điều hành nội bộ tiếp tục được duy trì, mở rộng. Ngoài ra, công tác tuyên truyền được triển khai đồng bộ từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã với nhiều hình thức sáng tạo, gần gũi với người dân. Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội đã triển khai tập huấn cho cán bộ, công chức của các Sở, ban, ngành, uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã các hệ thống thông tin dùng chung như: dịch vụ công trực tuyến, một cửa điện tử dùng chung 3 cấp, các ứng dụng của ngành giáo dục đào tạo, y tế đảm bảo các hệ thống thông tin được khai thác, vận hành kịp thời, hiệu quả. Công tác hướng dẫn cho người dân vận hành, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến được thực hiện thông qua các phương thức: hướng dẫn trực tiếp tại bộ phận một cửa, cung cấp thông tin, video clip hướng dẫn trên Cổng thông tin của các cơ quan, đơn vị.

Với tầm nhìn chiến lược và chỉ đạo quyết liệt trong xây dựng Chính quyền điện tử, Thành phố thông minh,nhìn chung, các mục tiêu, chỉ tiêu tại Nghị quyết số 05/2015/NQ-HĐND và Nghị quyết số 11/2017/NQ-HĐND đã được các ngành, các cấp tại Hà Nội triển khai thực hiện; nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đến nay đã hoàn thành, tạo nền tảng cơ bản về Chính quyền điện tử của Thành phố, từng bước xây dựng Thành phố thông minh tại Hà Nội.

Mạnh Hùng