Xây nhà tiêu hợp vệ sinh tại khu vực miền núi, vùng DTTS
Diễn đàn - Ngày đăng : 16:00, 07/11/2019
Đơn cử, xã Phú Thịnh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, là một trong những xã tiêu biểu trong thực hiện vận động bà con làm nhà tiêu hợp vệ sinh.
Thời gian qua, UBND xã Phú Thịnh đã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, giám sát việc thực hiện làm nhà vệ sinh hợp vệ sinh. Trong đó, cùng với công tác tuyên truyền, vận động khuyến khích người dân thực hiện, lãnh đạo xã đã đưa ra giải pháp hỗ trợ người dân tiền vận chuyển ống cống làm bể chứa nhà tiêu.
Vận động, hỗ trợ đồng bào DTTS xây nhà tiêu hợp vệ sinh không thể thiếu sự vào cuộc của chính quyền và các tổ chức đoàn thể. Ảnh: B. Quang Ninh
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ y tế xã, Hội Phụ nữ xã đã tích cực xuống thôn, bản tuyên truyền vận động đến từng hộ dân; đảng viên, đầu ngành của các thôn đều gương mẫu, tích cực vận động tuyên truyền, thậm chí cầm tay, chỉ việc đến từng hộ.
Nhờ đó, từ xã có tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 28% năm 2016, đến nay, tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh ở Phú Thịnh đã nâng lên gần 80%. Tại 4 thôn đặc biệt khó khăn của xã tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh tăng mạnh. Trong đó, điển hình là thôn Mỹ Lộc, từ 33,8% tăng lên 80%; thôn Nghẹt từ 1,9% tăng lên 60%.
Bà Bàn Thị Phượng, thôn Nghẹt, phấn khởi cho biết: Nhờ sự tuyên truyền, hỗ trợ kịp thời cả về vật chất và ngày công của cán bộ xã nên người dân trong thôn đã thay đổi nhận thức trong việc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Người dân bây giờ không còn phóng uế bừa bãi ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe như trước nữa. Thôn xóm vì thế cũng sạch đẹp, vệ sinh hơn rất nhiều.
Tương tự, tạixã Cán Hồ, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, ông Hoàng Chính Pao, Bí thư đảng ủy xã Cán Hồ cho biết: Điều quan trọng và khó khăn nhất là vận động người dân thay đổi nhận thức, từ bỏ thói quen phóng uế bừa bãi. Để làm được điều này, giúp người dân xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể xã; phát huy vai trò đội ngũ người có uy tín trong cộng đồng, các trưởng dòng họ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi hành vi, tập quán, sinh hoạt hàng ngày của nhân dân.
Đồng thời, cấp ủy, chính quyền xã cũng vận động sự chung tay của các cá nhân, các nhà hảo tâm, các cơ quan đoàn thể trên địa bàn ủng hộ việc xây nhà tiêu hợp vệ sinh cho người dân. Theo đó, xã đã huy động được 19 tấn xi măng và trên 1000 ngày công lao động...
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt đó, nếu như trước đây, tình hình xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh trên địa bàn còn gặp rất nhiều khó khăn, năm 2016 tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu và nhà tiêu hợp vệ sinh còn rất thấp, chỉ đạt 26%. Tuy nhiên, đến thời điểm này toàn xã có 257 hộ thì có tới 194 hộ có nhà tiêu, trong đó có 91 hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh theo chuẩn nông thôn mới…
Phú Thịnh và Cán Hồ chỉ là hai trong số rất nhiều địa phương tại địa bàn miền núi, vùng DTTS đã và đang phát huy hiệu quả vai trò của chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong việc vận động, giúp đỡ người dân xây nhà tiêu hợp vệ sinh. Trên thực tế, dù còn không ít khó khăn trong việc thay đổi nhận thức của người dân về vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, với sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của chính quyền và sự hỗ trợ đắc lực của các tổ chức đoàn thể thì dù khó đến mấy cũng sẽ thành công.