Phát thanh trong môi trường truyền thông 4.0

Diễn đàn - Ngày đăng : 11:12, 07/11/2019

Phát thanh trong môi trường truyền thông 4.0 với các nền tảng công nghệ mới và sự phát triển của các mạng xã hội… đang đặt các đài phát thanh trước những thách thức không nhỏ.

Ở Việt Nam, dù các loại hình báo chí truyền thông phát triển mạnh mẽ, nhưng cũng không thể thay thế được đài phát thanh. Nhà nước vẫn coi đài phát thanh là loại hình báo chí chính thống, được đầu tư phát triển. Vấn đề là chúng ta sẽ làm gì để phát triển phát thanh trong môi trường truyền thông nhiều thay đổi như hiện nay?

Khi xu hướng số hóa phát triển mạnh, các đài phát thanh cũng đã và đang chuyển đổi sang công nghệ số và coi đó là xu hướng tất yếu từ khâu thu thập thông tin đến khâu sản xuất chương trình, truyền âm, khống chế, lưu trữ âm thanh, truyền dẫn và phát sóng... giúp nâng cao chất lượng thông tin và tương tác đa chiều với công chúng.

Nếu như trước kia, các phóng viên, biên tập viên phải tới hiện trường, ghi âm phỏng vấn nhân chứng, thu tiếng động hiện trường rồi mới về biên tập thành tin để phát sóng, thì nay để thông tin kịp thời tới công chúng, các phóng viên, biên tập viên đã sử dụng mạng xã hội facebook để khán thính giả có thể cập nhật trực tiếp, chân thực các thông tin mà người dân, xã hội đang rất quan tâm.

Các biên tập viên Phòng Biên tập Phát thanh trò chuyện cùng thính giả trong một chương trình phát thanh.

Thời kỳ công nghệ bùng nổ, những người vẫn luôn trung thành với radio, cách thức nghe đài của họ cũng khác nhiều. Thói quen nghe đài của họ cũng đã và đang thay đổi. Người nghe đài, đặc biệt là trung niên và thanh niên không còn ngồi hàng giờ nghe radio ở nhà mà đa số họ nghe đài trong trạng thái di chuyển và nghe qua các thiết bị di động... Họ thường nghe một cách bất chợt, nghe một phần của chương trình phát thanh. Mong muốn của họ là mỗi khi bật kênh phát thanh họ yêu thích thì đều được nghe những thông tin họ muốn.

Do đó, để bắt kịp xu thế phát triển của thời đại, phát thanh cũng đã phát huy những lợi thế để riêng thực hiện những phương thức phát sóng trực tuyến, on-demand, podcast, livestream... tạo ra những “đài phát thanh không cần ăng-ten”, đáp ứng nhu cầu nghe theo yêu cầu, nghe bất cứ lúc nào, nghe bất cứ cái gì và có thể “nhìn” thấy phát thanh... Các đài phát thanh cũng đã tạo ứng dụng trên điện thoại thông minh để công chúng chỉ một cái “click” có thể nghe được chương trình của các đài phát thanh... không giới hạn về địa lý, thời gian, văn hóa hay ngôn ngữ. Bên cạnh đó, thông qua app, các đài phát thanh cũng có thể thông báo nội dung đang phát, sắp phát và những nội dung đặc sắc bằng hình thức tin nhắn để công chúng lựa chọn và đón nghe... Như vậy, lúc này radio sẽ hấp dẫn công chúng bởi tính cập nhật, tức thời như mạng xã hội, nhưng lại hơn các loại hình khác là sinh động, gần gũi và phục vụ có định hướng...

Hiện nay, nhiều đài đã chuyển sang phát thanh số. Hình thức phát thanh này trên một máy phát thanh có thể phát đồng thời nhiều kênh sóng, phục vụ được nhiều đối tượng khác nhau khiến mục tiêu sản xuất các kênh chuyên biệt về đối tượng, chuyên biệt nội dung dễ dàng hơn và người nghe khi sử dụng các thiết bị thu radio bằng kỹ thuật số cũng không gặp bất cứ khó khăn nào khi dò sóng, bắt sóng chất lượng cao.

Cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 đã và đang thay đổi thói quen nghe đài của công chúng và chắc chắn sẽ thay đổi cách thức hoạt động của các đài phát thanh. Nhưng, dẫu có thay đổi ra sao, công chúng nghe đài đến với phát thanh vẫn là để tìm kiếm các thông tin chính thống, được giải trí và được chia sẻ... Nếu chúng ta tận dụng sức mạnh công nghệ để phục vụ tốt các nhu cầu này, chắc chắn phát thanh sẽ thành công.

An Nhiên