Microsoft cùng Bộ GD & ĐT đưa các khóa học dành cho giáo viên lên cổng thông tin học tập trực tuyến
Diễn đàn - Ngày đăng : 08:47, 02/11/2019
Các mục tiêu trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục đã được bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra bao gồm: tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 (được phê duyệt theo Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ). Hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục về giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; tích hợp các hệ thống thông tin quản lý ngành hiện có vào cơ sở dữ liệu ngành. riển khai đồng bộ các phần mềm quản lý trong các cơ sở giáo dục và đào tạo, kết nối liên thông dữ liệu với phần mềm cơ sở dữ liệu ngành; tăng cường sử dụng hồ sơ điện tử (gồm sổ điểm, học bạ, sổ liên lạc); triển khai giải pháp tuyển sinh trực tuyến với các lớp đầu cấp học. Xây dựng và đưa vào sử dụng, khai thác có hiệu quả kho học liệu số toàn ngành, ngân hàng câu hỏi trực tuyến dùng chung và đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa quốc gia; phát động giáo viên tham gia xây dựng bài giảng e-learning và đóng góp vào kho bài giảng e-learning trực tuyến toàn ngành.
Đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động điều hành và quản lý giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã đưa vào sử dụng chính thức cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục (trước mắt gồm các phân hệ: cơ sở dữ liệu trường, lớp, đội ngũ, học sinh và một số phân hệ khác) để phục vụ cung cấp số liệu thống kê và thông tin quản lý ngành. Tích hợp phần mềm thống kê số liệu quản lý giáo dục (EMIS) và phần mềm thống kê chất lượng giáo dục tiểu học (EQMS) vào cơ sở dữ liệu ngành. Đảm bảo 100% các cơ sở giáo dục và đào tạo báo cáo đầy đủ dữ liệu lên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành. Tiếp tục duy trì có hiệu quả phần mềm quản lý hành chính điện tử (e-office) kết nối tất cả các Sở Giáo dục và Đào tạo với Bộ Giáo dục và Đào tạo phục vụ trao đổi thông tin, trao đổi văn bản điện tử, quản lý điều hành trên môi trường mạng. Triển khai phần mềm quản lý trường học tới 100% các cơ sở giáo dục và đào tạo, ưu tiên các mô đun quản lý học sinh, quản lý đội ngũ, xếp thời khóa biểu; triển khai có hiệu quả phần mềm đánh giá học sinh tiểu học theo quy định của Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22/9/2016 và Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 của Bộ trưởng Bộ GDĐT; tối thiểu 60% các cơ sở giáo dục phổ thông triển khai sử dụng hồ sơ điện tử (sổ điểm, học bạ, sổ liên lạc) phục vụ công tác quản lý và lưu trữ. Tiếp tục sử dụng có hiệu quả hệ thống họp qua mạng (công nghệ web conferencing) tại địa chỉ http://hop.moet.edu.vn. Triển khai hệ thống hội nghị trực tuyến (công nghệ video conferencing) kết nối với Giáo dục và Đào tạo.
Trong khi đó, những năm qua, mặc dù chưa ai có thể dự đoán được chính xác tương lai sẽ thế nào trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng một điều chắc chắn đó là cuộc cách mạng này sẽ làm thay đổi về nhu cầu kỹ năng của lực lượng lao động hiện có. Là một trong những công ty công nghệ, Microsoft đề cao các hoạt động đào tạo giảng dạy và nâng cao kỹ năng cho thế hệ tương lai, để không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên số hóa.
Chuỗi dự án YouthSpark – một trong những hoạt động nổi bật của Microsoft - được khởi động vào năm 2016, là chuỗi các hoạt động đào tạo kỹ năng số cho thanh thiếu niên Việt Nam, bao gồm những thanh thiếu niên thiệt thòi, có hoàn cảnh đặc biệt, giúp họ định hướng tương lai, tăng cường các kỹ năng, nhằm nâng cao khả năng tìm việc làm trong tương lai. Sau ba năm triển khai, từ năm 2016 đến hết năm 2018, dự án đã tạo sức lan tỏa rộng rãi và có những kết quả đáng ghi nhận với hơn 1.700 giáo viên đã tham gia các lớp tập huấn tập trung và trực tuyến, và hơn 200.000 học sinh được làm quen với chương trình Tin học Ứng dụng và Khoa học Máy tính.
Trong năm học 2018-2019, chương trình đã mở rộng nhóm đối tượng hưởng lợi, tạo điều kiện cho học sinh khắp các vùng miền đều có cơ hội tiếp cận với chương trình đào tạo, nội dung chương trình Tin học Ứng dụng và Khoa học Máy tính đã được số hóa dưới hình thức các khóa học trực tuyến mang tính tương tác trên cổng thông tin Dự án tại địa chỉ http://youthspark.digitalskill.vn.
Bên cạnh đó, nền tảng học trực tuyến này cũng bao gồm các khóa học bồi dưỡng kiến thức và phương pháp giảng dạy cho giáo viên, đồng thời cung cấp tài liệu giảng dạy để thầy cô giáo tiếp tục triển khai hướng dẫn học sinh. Microsoft cũng đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa các khóa học dành cho giáo viên lên cổng thông tin học tập trực tuyến của Bộ tại http://taphuan.moet.gov.vn.
Bên cạnh đó, nữ sinh cũng là một trong những đối tượng mà Microsoft đặc biệt quan tâm trong hành trình phổ cập công nghệ của mình. Hơn 4.000 nữ sinh đã được truyền cảm hứng, đào tạo và hướng dẫn tham gia ngành STEM đặc biệt là ngành công nghệ, với hi vọng thay đổi sự bất bình đẳng giới trong các lĩnh vực này. (STEM là viết tắt của 4 môn khoa học: Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và toán học).
Hơn 23 năm hoạt động tại Việt Nam, Microsoft đã đồng hành hỗ trợ kỹ thuật, phần mềm, điện toán đám mây với tổng trị giá hơn 20 triệu USD cũng như có các hình thức hợp tác, hỗ trợ ngân sách lên đến hơn 3 triệu USD cho hơn 100 tổ chức phi lợi nhuận trong nước, giúp họ tiếp tục triển khai và nâng cao phát triển các hoạt động đào tạo kỹ năng số cho các mầm non tương lai một các nhanh chóng và mạnh mẽ hơn, từ đó tạo tác động lớn hơn cho xã hội.
Không chỉ chú trọng về các hoạt động giáo dục và đào tạo, Microsoft cũng kết hợp với nhiều tổ chức phi chính phủ toàn cầu để thực hiện các hoạt động, dự án, mà trong đó công nghệ đóng vai trò cốt lõi, nhằm xây dựng và bảo vệ, hướng tới một Việt Nam sẵn sàng cho kỷ nguyên số hóa. Điển hình là dự án Ứng dụng Công nghệ Thông tin vào Quản lý Rủi ro Thảm họa mà Microsoft hỗ trợ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện trong năm qua. Ứng dụng này được cung cấp miễn phí cho Đội ứng phó thiên tai, thảm họa cấp Trung ương, 33 Đội ứng phó thiên tai, thảm họa cấp tỉnh và gần 400 Đội ứng phó thiên tai, thảm họa cấp xã, cũng như cộng đồng quan tâm đến công tác phòng ngừa và ứng phó với thiên tai, thảm họa. Ứng dụng có nhiều tính năng như:
• Tự động tiếp nhận và cập nhật thông tin dự báo thời tiết từ nguồn thông tin tin cậy;
• Thông tin và cảnh báo thiên tai, thảm hoạ đến tất cả các thiết bị có cài phần mềm từ các nguồn thông tin chính thức của Chính phủ;
• Kích hoạt các thành viên đội phản ứng nhanh thông qua email, tin nhắn điện thoại hoặc trên phần mềm;
• Phục vụ công tác đánh giá nhanh khi xảy ra thảm hoạ và cảnh báo theo từng cấp và gửi về Hội Chữ thập đỏ Việt Nam;
• Quản lý, sửa đổi, cập nhật và phê duyệt danh sách thông tin cá nhân chi tiết của các thành viên đội phản ứng nhanh;
• Định vị các thành viên đội phản ứng nhanh
• Tra cứu và tổng hợp danh sách các hộ gia đình trong tình trạng dễ bị tổn thương trước thiên tai, thảm hoạ.
“Tại Microsoft, chúng tôi hướng đến một tương lai bền vững cho Việt Nam. Sự bền vững đến từ việc xây dựng, bảo vệ và giáo dục, thông qua công nghệ.” – Ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám Đốc Microsoft Việt Nam chia sẻ. “Chúng tôi cho rằng, Microsoft chỉ thực sự thành công khi Việt Nam có thể vững bước trên hành trình chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này. Và điều đó đòi hỏi sự đồng hành của chính phủ, đối tác, các tổ chức phi lợi nhuận và của cả cộng đồng.”