Truyền hình trả tiền: Vi phạm bản quyền, dịch vụ không phép diễn ra tràn lan
Phát thanh truyền hình - Ngày đăng : 08:36, 24/10/2019
Theo thống kê của Phòng Quản lý dịch vụ, hiện Việt Nam có 36 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát thanh truyền hình với 279 kênh truyền hình trong nước (87 kênh phát thanh, 192 kênh truyền hình) và 70 kênh nước ngoài, với 16,7 triệu thuê bao truyền hình trả tiền. Doanh thu thuê bao từ dịch vụ ước hơn 8.000 tỷ/năm.
Tính từ năm 2018 đến nay, cơ quan quản lý đã cấp 14 giấy phép truyền hình thu tiền (trong đó có 8 giấy phép OTT TV, 6 giấy phép cấp tương tự cho doanh nghiệp địa phương), cấp sửa đổi bổ sung 10 giấy phép, thu hồi 2 giấy phép OTT TV.
Tình trạng vi phạm bản quyền, vi phạm tên miền, ứng dụng lậu, dịch vụ không phép, giảm giá, khuyến mãi diễn ra tràn lan làm ảnh hưởng xấu đến thị trường truyền hình trả tiền.
Khi dịch vụ truyền hình trả tiền truyền thống ngày càng gặp nhiều khó khăn, sự nổi lên của truyền hình OTT (truyền hình trên Internet) được xem như một hướng đi mới và được đánh giá là một lĩnh vực có nhiều tiềm năng.
Ảnh minh họa.
Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PT-TH&TTĐT), dịch vụ truyền hình OTT đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh với con số hơn 50%/năm, doanh thu kèm theo phát triển mạnh, dần chiếm ưu thế.
Trong khi đó, có thể thấy, thuê bao truyền hình trả tiền truyền thống phát triển rất chậm, cơ bản đã bão hòa. Trong khi đó, thuê bao truyền hình OTT phát triển như vũ bão, thuê bao năm sau gấp đôi năm trước. Với xu hướng như vậy, dịch vụ truyền hình OTT sẽ ngày càng chiếm ưu thế. Dư địa để phát triển dịch vụ truyền hình OTT còn rất lớn, nhưng cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đặc biệt khi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT TV xuyên biên giới đã xâm nhập khá nhiều vào Việt Nam.
Ảnh minh họa
Do vậy, để gia tăng doanh thu đối với dịch vụ truyền hình trả tiền thì các doanh nghiệp cần phải đổi mới, cung cấp các nội dung hấp dẫn, đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến việc hợp tác dùng chung hạ tầng truyền dẫn, quản lý chất lượng tốt hơn để giảm giá thành dịch vụ.Đặc biệt là chủ động đổi nắm bắt xu thế để xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả trong kỷ nguyên CNTT, Internet phát triển mạnh như hiện nay.
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cùng Bộ TT&TT phối hợp với các bộ ngành để giải quyết các vấn đề liên quan đến công nghệ, truyền thông, cạnh tranh, vi phạm bản quyền, trốn thuế… cần sớm hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật, đồng thời rà soát, chấn chỉnh kịp thời những bất cập thông qua phổ biến chính sách pháp luật, cũng như xử lý vi phạm, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh đối với ngành truyền hình trả tiền, đồng thời cũng có những chế tài cứng rắn xử lý vi phạm bản quyền và các vấn đề xung đột lợi ích giữa các bên., tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển.