Đài PT-TH Điện Biên đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ

Diễn đàn - Ngày đăng : 16:12, 23/10/2019

Nhiều năm gần đây, sự phát triển của ngành công nghệ thông tin và hạ tầng viễn thông đã thúc đẩy lĩnh vực phát thanh-truyền hình (PT-TH) toàn cầu có những bước tiến quan trọng, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ thông tin truyền thông của người dân trong tình hình mới.

Cùng với sự phát triển chung đó, lĩnh vực PT-TH ở Điện Biên thời gian gần đây có những tiến bộ đáng kể; nhất là vấn đề đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ tốt cho nhu cầu cập nhập thông tin kịp thời, hiệu quả và có tác dụng cao trong xã hội. Chính vì vậy, với Đài PT-TH Điện Biên, nội dung và kỹ thuật là hai yếu tố không thể tách rời; và kỹ thuật phải thực sự đóng vai trò tiên phong, là động lực tạo tiền đề cho nội dung phát triển.

Với các nguồn vốn hỗ trợ hàng chục tỷ đồng từ Trung ương và của tỉnh qua các năm, Đài PT-TH Điện Biên đã đầu tư và đề ra bước đi phù hợp nhằm áp dụng thành công vào sản xuất các chương trình và phát sóng của Đài. Cập nhật kịp thời các thông tin thời sự, chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh.

Đài PT- TH Điện Biên ứng dụng KHKT trong dựng chương trình truyền hình.

Thời gian trước đây, Đài phát sóng bằng băng từ và chuyển bằng đường bộ từ Trung tâm sản xuất chương trình đến Trung tâm truyền dẫn phát sóng, nay đã thực hiện phát sóng tự động bằng file qua hệ thống máy tính. Hằng chục năm liền Đài sản xuất chương trình PT-TH trên các bộ đầu ghi đọc kiểu A-B (Annalog) thì nay chuyển sang sản xuất chương trình PT-TH trên các bộ dựng phi tuyến (kỹ thuật số Digital). Phóng viên tác nghiệp ghi âm, ghi hình đều bằng băng từ và gửi tin, bài, hình ảnh bằng đường bộ nên tính thời sự không cao; nhưng hiện nay các phóng viên sau khi đi tác nghiệp ở bất cứ nơi nào miễn là có Internet thì mọi tin, bài, hình ảnh được gửi bằng file và được phát trong ngày. Nhiều tin, bài còn được truyền trên sóng điện thoại 3G về Đài để kịp phát sóng. Cụ thể như tin bầu cử được phóng viên gửi từ xã vùng sâu, vùng xa Nậm Kè, huyện Mường Nhé cách trung tâm tỉnh lỵ gần 200km hay tin liên hoan truyền hình toàn quốc diễn ra tại Cần Thơ, Đà Nẵng; tin hoạt động của Đoàn lãnh đạo tỉnh đi thăm, tặng quà đồng bào và chiến sĩ tại quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa; mọi hoạt động của Đoàn đều được chuyển về phát sóng trong ngày, v.v... Hoặc sóng PT-TH của đài tỉnh chỉ được phát lan tỏa xung quanh khu vực lòng chảo Mường Thanh, nay đồng thời được phát sóng đến tất cả các Trạm phát sóng PT-TH trên địa bàn tỉnh qua hệ thống MyTV.

Từ chỗ các tin tức PT-TH của Đài cộng tác phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Việt Nam, truyền hình Dân tộc được thực hiện chuyển bằng băng từ qua đường bưu điện thì nay được chuyển về bằng file rất thuận tiện, tin tức được cập nhật mang tính thời sự cao.

Hơn nữa, thời gian trước đây các dữ liệu PT-TH được thực hiện trên băng từ rất cồng kềnh, tốn kém người trông giữ kho băng và mất phòng để lưu giữ, thì nay được lưu trữ trên ổ cứng và thực hiện thao tác trên máy vi tính, rất thuận tiện cho phát sóng tự động bằng file và thuận lợi cho việc khai thác lấy dữ liệu để sản xuất các chương trình PT-TH. Đó là xu hướng của làm phát thanh, truyền hình hiện nay.

Mặt khác, kỹ thuật Đài Điện Biên từ chỗ tiếp phát sóng các chương trình VTV1, VTV2, VTV3 chỉ có 19 giờ/ngày thì nay đã thực hiện tiếp sóng 24 giờ/ngày. Chương trình truyền hình ĐTV của Đài PT-TH tỉnh phát sóng 6 buổi/tuần thì nay đã thực hiện phát sóng kín các ngày trong tuần …

Để có thành công này, Ban Giám đốc Đài PT-TH tỉnh Điện Biên đã quan tâm đến lĩnh vực kỹ thuật nhằm phát huy có hiệu quả trang thiết bị đã được đầu tư; đồng thời coi trọng cả hai lĩnh vực phát thanh và truyền hình. Lấy công nghệ làm quan trọng, song yếu tố con người là quyết định, khâu sản xuất chương trình là trọng tâm, CNTT là động lực và truyền dẫn phát sóng là nơi thể hiện của sự phát triển để mở rộng diện phủ sóng.

Hơn 40 năm nỗ lực vượt khó, Đài PT- TH Điện Biên không ngừng lớn mạnh, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất.

Tuy thành tích của Đài PT-TH tỉnh trong thời gian qua đã được tỉnh ghi nhận, song thách thức vẫn còn nhiều trên chặng đường phát triển tiếp theo; cụ thể nhiệm vụ trước mắt cần làm đó là: Kỹ thuật vẫn phải tiếp tục phát huy có hiệu quả trang thiết bị đã được đầu tư; đồng thời từng bước nâng cao nội dung chương trình gắn với việc tăng thời lượng cả về phát thanh và truyền hình nhằm đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân các dân tộc.

Xuân Tuấn